|
Các chuyên gia chia sẻ các số liệu về tình trạng bạo lực trên mạng hiện nay |
Phụ nữ đang bị bạo lực trên mạng
Bà Hoàng Thị Bích Thảo - cán bộ truyền thông và vận động chính sách, UN Women - cho biết, phụ nữ đang phải đối diện với mức độ bạo lực cao qua điện thoại, internet, mạng xã hội và email.
Trên toàn cầu, mức độ phổ biến của bạo lực phụ nữ trên mạng dao động từ 16-58%. Một nghiên cứu toàn cầu chỉ ra, có 38% phụ nữ đã có trải nghiệm cá nhân với bạo lực trực tuyền, 85% phụ nữ chứng kiến bạo lực kỹ thuật số với phụ nữ khác.
Các nhà bảo vệ nhân quyền, nhà báo, chính trị gia là phụ nữ thường xuyên bị tấn công vì công việc và lập trường chính trị của họ.
Việt Nam chưa có số liệu tổng thể về loại hình bạo lực này, tuy nhiên có xu hướng đang gia tăng và hướng vào nhóm thanh niên, vị thành niên. Có 21% vị thành niên và người trẻ tuổi từ 13-24 tuổi đã từng bị bắt nạt trên mạng. 15,6% cộng đồng LGBT+ được khảo sát đã trải qua kỳ thị và bắt nạt trên không gian mạng trong vòng 12 tháng qua.
Theo Hoàng Thị Bích Thảo, ảnh hưởng tiêu cực của bạo lực cơ sở giới trên không gian mạng gây tổn thương tâm lý cho phụ nữ và trẻ em. Khiến họ rơi vào trầm cảm, sợ hãi, cô lập với xã hội. Họ sẽ chọn cách tự kiểm duyệt bản thân bằng việc im lặng và hạn chế hoặc không tham gia trực truyến, sử dụng các phương tiện công nghệ. Luôn tạo ra bầu không khí sợ hãi, mất lòng tin với không gian mạng và phương tiện công nghệ. Từ đó gây cản trở việc tiếp cận giáo dục, việc làm và cơ hội khác do không gian mạng, công nghệ có thể mang lại.
|
Phụ nữ vẫn luôn là nạn nhân của nạn bạo hành |
Cuộc chiến không hồi kết
Bà Ngô Thị Tuyết Em - Giám đốc Trung tâm vì sự phát triển Phụ nữ Đồng bằng sông Cửu Long - cho biết, sau 6 năm đưa vào hoạt động Trung tâm tạm lánh dành cho phụ nữ, đã tiếp nhận 87 thân chủ, trong đó có hơn 50% là phụ nữ và trẻ em. Đối tượng đến trung tâm ngoài bị bạo lực gia đình còn có phụ nữ bị mua bán qua biên giới và nhiều đối tượng khác. Tùy mong muốn và sở trưởng của thân chủ mà trung tâm sẽ hỗ trợ học nghề, tham vấn tâm lý, tư vấn kỹ năng sống…
“Không chỉ nạn nhân gọi điện thoại cầu cứu mà trung tâm còn tiếp nhận rất nhiều cuộc gọi cầu cứu từ người thân, hàng xóm của nạn nhân để nhờ giúp đỡ hỗ trợ” - bà Tuyết Em chia sẻ.
Chia sẻ về một số trường hợp mà trung tâm đã kết nối, hỗ trợ thành công, bà Tuyết Em không kìm được xúc động khi nhắc về một trường hợp bị bán qua biên giới Trung Quốc ở tuổi còn rất trẻ. Bà kể: "Khi chúng tôi tiếp nhận thì bạn nữ này đã có 2 con dù mới 19 tuổi. Hành trình từ Trung Quốc về Việt Nam phải mất 2 ngày 2 đêm di chuyển qua nhiều trạm xe nhưng bạn ấy vẫn cố gắng mang con theo. Sau khi vào Nhà Bình Yên, bạn ấy bắt đầu từ con số 0: không biết chữ, không biết nấu ăn, nhịp sống sinh hoạt hoàn toàn thay đổi, không biết phải bắt đầu từ đâu.
Tuy nhiên bạn rất yêu thương con, không muốn con có cuộc đời bất hạnh giống mẹ nên sau một thời gian được hỗ trợ tâm lý, bạn ấy đã cố gắng vực dậy. Hiện ngoài làm công nhân tại công ty, bạn còn học nghề chăm sóc sắc đẹp. Hàng ngày bạn phải đạp xe vượt qua các vùng nước ngập để đưa rước 2 con đi học, với mong muốn các con có tương lai tươi sáng hơn.
Tuy nhiên không phải lúc nào trung tâm cũng thành công trong việc hỗ trợ thân chủ. Mới đây trung tâm tiếp nhận một trường hợp là nạn nhân của bạo lực gia đình nhưng cũng là nguyên nhân gây ra bạo lực gia đình.
"Chiều 30 tết, chủ tịch UBND phường gọi điện thông báo có 1 trường hợp nhảy cầu do bị bạo lực gia đình, muốn gửi đến Nhà Bình Yên. Sau khi tiếp nhận, chúng tôi về địa phương nơi bạn này sinh sống để tìm hiểu thì mới biết bạn vừa là nạn nhân, nhưng cũng vừa là người gây bạo lực là lỡ tay dùng dao đâm khiến chồng phải nhập viện. Hai vợ chồng thường xuyên cãi vã, cách 2 ngày lại xảy ra “một trận chiến”. Trung tâm đã phối hợp với công an, Hội phụ nữ địa phương vận động nạn nhân học nghề, hỗ trợ pháp lý khi làm thủ tục ly hôn. Nhưng sau đó nạn nhân vẫn quyết định quay về sống cùng chồng" - bà kể.
Với các trường hợp thân chủ là nạn nhân bị buôn bán qua biên giới, vẫn có một số trường hợp quay lại nghề mại dâm nhưng nhìn chung các bạn nữ này đã biết cách liên hệ với cơ quan để bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Nếu khi vào trung tâm, năng lực các bạn ở mức 1 thì trung tâm sẽ cố gắng nâng năng lực các bạn ở mức 5.
Có một số ca tưởng chừng như đổ vỡ nhưng trung tâm vẫn kết nối được. Có trường hợp người vợ bị chồng bạo lực rất nhiều lần, chịu không nổi phải ôm 2 con đến Nhà Bình Yên. Người chồng biết chuyện đến đây ngồi khóc và lau hết 2 hộp khăn giấy, nói rằng nếu không cho gặp vợ con thì anh ta sẽ nhảy xuống cầu Cần Thơ tự tử để vợ con phải hối hận suốt đời. Chúng tôi phải luôn tôn trọng quyền của thân chủ, nếu thân chủ không đồng ý thì trung tâm không cho gặp. Cũng do anh này thường xuyên bạo hành vợ mà bé trai có xu hướng có hành vi bạo lực giống ba, hay sai vặt mẹ làm việc nhà, nếu không bé sẽ đập phá đồ đạc. Thân chủ này cố gắng học nghề may thành thạo, sau thời gian ổn định tâm lý thì quyết đem 2 con về sống cùng chồng.
Khi trở về, trật tự gia đình thay đổi hoàn toàn, bé trai đã viết một bảng nội quy “cách xử lý khi nóng giận” rồi dán lên tường để các thành viên trong gia đình phải thực hiện theo. Bà Tuyết Em nói, sau khi về chung sống, không thể tránh gây gỗ nhưng gia đình này hoàn toàn không còn cảnh bạo lực về thể chất nữa. Người vợ thì tự tin hạnh phúc, người chồng cũng nhận ra bạo lực gia đình sẽ ảnh hưởng rất lớn đến con cái.
Hiện nay, phụ nữ và trẻ em bị bạo lực dưới 4 hình thức: bạo lực thể chất, tinh thần, tình dục và kinh tế. Theo ước tính quốc tế mới nhất có hơn 60 triệu phụ nữ tuổi từ 20-24 đã kết hôn trước tuổi 18. Khoảng một nửa số trẻ em gái tảo hôn sống ở khu vực Nam Á. Còn theo các báo cáo, hiện có khoảng 20% phụ nữ và 5-10% nam giới bị bạo lực tình dục khi còn nhỏ. Trên toàn cầu có khoảng 30% phụ nữ quan hệ tình cảm đã từng bị bạo lực thể xác và/hoặc bị bạo lực tình dục do chồng hoặc bạn tình gây ra. Ước tính toàn cầu có khoảng 7% phụ nữ đã từng bị tấn công tình dục từ năm 15 tuổi bởi người không phải là bạn tình mặc dù số liệu này không đầy đủ ở một số khu vực. Bên cạnh đó còn có nhiều con số báo động như: có hơn 125 triệu phụ nữ và trẻ em gái hiện đang sống đã bị cắt âm vật ở 29 quốc gia châu Phi và Trung Đông, nơi hủ tục cắt âm vật còn phổ biến. Có 1.957 trường hợp giết người vì danh dự, đối tượng thu tiền từ nạn mua bán phụ nữ và trẻ em lên đến 11,4 triệu USD. |
Quốc Ngọc - Thanh Hoa