PNO - PN - Làm sao để được quyền trực tiếp nuôi con, yêu cầu đối phương phải cấp dưỡng như thế nào… khi vợ chồng không thể tiếp tục “chung một con đường” là vấn đề được bạn đọc quan tâm nhiều nhất tại Chương trình tư...
edf40wrjww2tblPage:Content
Nỗi sợ “mất” con
Rất nhiều lần, chị Nguyễn Thị Minh (Q.10) hỏi cậu con trai bảy tuổi: “Nếu ba mẹ ly hôn, con muốn sống với ai?”. Con trai chị nhìn mẹ: “Con muốn ở với mẹ”. Nhưng chị tự hỏi, liệu chồng chị có để yên? Vợ chồng chị đang hoàn tất thủ tục ly hôn. Trong đơn, chị yêu cầu được tòa xử cho quyền trực tiếp nuôi con. Khổ thay, đó cũng là mong muốn của anh. Điều chị lo lắng nhất là thu nhập giữa vợ chồng quá chênh lệch. Chị là nhân viên văn phòng, lương mỗi tháng sáu triệu đồng; trong khi anh có công ty riêng. Anh từng tuyên bố: “Lương cô đủ lo cho cô chưa? Tôi sẽ nuôi con, không cần cô cấp dưỡng”. Mang trăn trở đó đến với buổi tư vấn, chị Minh mừng rỡ khi được luật sư Nguyễn Thị Duyên “gỡ rối”: “Thông thường, người chồng có điều kiện kinh tế tốt hơn sẽ có lợi thế trong việc giành quyền nuôi con. Nhưng người vợ do gần gũi với con hơn nên có những lợi thế khác như tình cảm, chăm sóc, phương pháp nuôi dạy đảm bảo hơn cho sự phát triển thể chất, tinh thần, học hành của con. Với thu nhập sáu triệu đồng mỗi tháng, nếu chị Minh khẳng định vẫn nuôi con tốt thì tòa sẽ xem xét giao con cho chị”.
Chị Mỹ Nhân (Q.Tân Bình) đến với chương trình mong tìm được “lối thoát” cho tình cảnh mà theo chị là: “Tôi đang bất lực!”. Từ ngày chị gửi đơn đến tòa xin ly hôn và được quyền nuôi hai con tám và một tuổi; chồng chị thừa lúc vợ đi vắng đã mang hai con đem giấu. Chị Nhân bỏ cả công việc để tìm con không được, còn bị chồng hăm dọa: “Ly hôn thì… ly! Con tao nuôi”. Vợ chồng chị đều làm công nhân, thu nhập mỗi người gần bốn triệu đồng/tháng. Trước mắt, chị không biết làm sao để được gặp con, sống với con chờ đến ngày tòa xử.
Luật sư Huỳnh Minh Vũ khẳng định: “Chị Nhân có thể gửi đơn đến tòa trình bày lý do và yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để xin được giữ con”. Luật sư Vũ cho biết, trên nguyên tắc, con dưới ba tuổi sẽ được giao cho mẹ trực tiếp nuôi dưỡng, con từ đủ chín tuổi trở lên tòa sẽ hỏi ý kiến trẻ muốn ở với ai. Do đó, chắc chắn khi ly hôn, chị Nhân sẽ được giao đứa trẻ một tuổi. Còn với bé tám tuổi, tòa sẽ xem xét “ai thắng ai thua” dựa trên điều kiện, khả năng của mỗi người”.
Các luật sư khuyến cáo, dù không được trực tiếp nuôi con, nhưng chăm sóc, thăm con là quyền tối thiểu của người làm cha mẹ, không ai được cấm cản. Sau này, tùy hoàn cảnh, nguyện vọng của mỗi người và của các con, hai bên cũng có thể yêu cầu tòa thay đổi quyền trực tiếp nuôi con nếu thấy việc đó là cần thiết.
Nặng lòng về vấn đề con cái, nhưng không giành quyền nuôi con, anh Mai Văn Vinh mang đến buổi tư vấn một câu chuyện nhói lòng, kèm theo câu hỏi: “Tôi có trách nhiệm gì với đứa trẻ ấy không?”. Anh Vinh vừa quyết định sẽ ly hôn, nguyên nhân từ chính đứa con trai ba tuổi. Nghi vợ ngoại tình, anh lén đưa con đi xét nghiệm ADN và bàng hoàng phát hiện đứa bé không phải là cốt nhục của mình.
Luật sư Huỳnh Minh Vũ giải thích: “Kết quả ADN mà anh Vinh cung cấp chỉ có tính… tham khảo. Nếu anh khẳng định đứa trẻ ấy không phải con mình thì phải có bằng chứng và được tòa án xác định. Về thủ tục, anh phải có đơn yêu cầu tòa xác định đứa trẻ không phải con mình. Trong quá trình thụ lý, tòa sẽ quyết định trưng cầu giám định. Nếu kết quả không phải con mình, anh Vinh có thể điều chỉnh khai sinh của con; về pháp lý, anh có quyền không nuôi hay cấp dưỡng nuôi con nếu vợ chồng ly hôn và ngược lại”.
Toàn cảnh buổi tư vấn “Lối thoát ly hôn số 3”
“Nhạt” tình, thờ ơ trách nhiệm
Chín năm trước, chị Trần Thị Tiên (tỉnh Đồng Nai) ly hôn, tòa tuyên con gái (nay đã 15 tuổi) sống với chị, chồng chị trợ cấp nuôi con góp hai năm/lần; chia làm ba mốc: 200.000 - 300.000 - 800.000đ/tháng sau mỗi 5 năm (hiện đang ở mốc 300.000đ). Theo chị Tiên, đó là mức cấp dưỡng… có cho vui nên mấy năm qua, chị phải gửi con cho cha mẹ ruột để đi làm ăn xa. Mới đây, con gái chị phát bệnh tim, chị không tiền chạy chữa. Trong khi chị chưa biết xoay xở thế nào thì cha của cháu đến tòa nộp đơn xin được góp lui mỗi năm/lần (để tránh đưa vợ số tiền lớn). Chồng cũ của chị là người khá giả, chuyện tiền bạc đối với anh “không thành vấn đề”, có lẽ vì ly hôn lâu, tình cảm dành cho con đã “nhạt” nên chồng chị mới xử sự như thế!
Vướng mắc của chị Tiên cũng là nỗi lo chung của nhiều bạn đọc tham gia buổi tư vấn. Ly hôn từ năm, bảy năm trước, mức trợ cấp nuôi con ngày ấy tòa tuyên, giờ chẳng “thấm” vào đâu so với chi phí nuôi con vì nhiều lý do: trượt giá, nhu cầu tăng, con bệnh tật… Muốn được "đối phương" chung tay chia sẻ gánh nặng nhưng các “khổ chủ” không biết phải làm cách nào.
Luật sư Phạm Lĩnh Sơn “mở đường”: “Không thể thỏa thuận thay đổi mức, phương thức cấp dưỡng, người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu tòa giải quyết trên cơ sở trình bày những lý do chính đáng. Ngược lại, người buộc phải cấp dưỡng nếu nhận thấy mình không có khả năng, cũng có thể yêu cầu tòa cho tạm ngưng thực hiện nghĩa vụ. Khi giải quyết, tòa sẽ dựa trên thu nhập, điều kiện kinh tế hiện tại của người đó để quyết định”. Luật sư Sơn nhắn nhủ, trong yêu cầu cấp dưỡng nuôi con, cần thiết phải rõ ràng, cụ thể để tránh bị đối phương tìm kẽ hở “lấp liếm” khi thực thi bản án.
Về pháp lý là vậy, nhưng, nhiều bạn đọc vẫn đau đầu vì đối phương ngoan cố, không chịu chấp hành bản án của tòa. Đơn cử trường hợp chị Nguyễn Bích Trâm (Q.9). Ly hôn đã hai năm, chị được quyền nuôi con gái sáu tuổi. Từ đó đến nay, chị chưa từng nhận được một đồng trợ cấp nào từ chồng. Anh viện đủ lý do như thu nhập không đủ sống, chăm lo cho mẹ già… để thoái thác nghĩa vụ. Oái ăm hơn, chị Trần Ngọc Hân (Q.10) đã có bản án cho ly hôn và được quyền nuôi con từ hai tháng trước, nhưng đến nay chồng chị vẫn không giao con. “Tôi đến “đòi” con, anh viện đủ lý do nào cháu đang ngủ, ông vừa dẫn đi chơi… để đuổi khéo tôi về” - chị Hân than thở.
Trong cuộc chiến “chia” con, các luật sư muốn lưu ý bạn đọc điều tiên quyết ở sự hơn - thua chính là biết đặt lợi ích của con lên hàng đầu. Khi ly hôn, cha mẹ đã vô tình mang đến sự thiệt thòi, đau khổ cho các con nên trong việc giành nuôi con, các bên cần dẹp bỏ cái tôi, tình cảm ích kỷ, hẹp hòi để tính xem đứa trẻ sống ở đâu, với ai, trong điều kiện nào thì tốt nhất. Trách nhiệm thương yêu, nghĩa vụ chăm sóc con đâu phải không thực hiện được, ngay cả khi tòa tuyên không được quyền trực tiếp nuôi con!
TUYẾT DÂN
Bị phạt tù nếu không thi hành án
Luật sư Huỳnh Minh Vũ tư vấn cho bạn đọc
Muốn giành quyền nuôi con và thuyết phục tòa xem xét cho nuôi con thì đương sự phải chứng minh được: điều kiện, môi trường sống, thu nhập hàng tháng hoặc tài sản riêng… cho thấy mình có đủ khả năng vật chất lẫn tinh thần để chăm sóc, nuôi dưỡng con. Mức cấp dưỡng nuôi con nếu không thể tự thỏa thuận, các bên có thể yêu cầu tòa giải quyết. Khi bản án có hiệu lực pháp luật, bên được thi hành yêu cầu cơ quan thi hành án thực thi bản án. Việc người bị thi hành án không thực hiện quyết định của cơ quan thi hành án sẽ phải chịu trách nhiệm, bị cưỡng chế thi hành và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội “không chấp hành án”, bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Luật sư PHẠM LĨNH SƠN (Phó trưởng Văn phòng Trợ giúp pháp lý phụ nữ số 6)
“Trên thương trường có mệt mỏi gì thì tìm về thiên nhiên, gia đình sẽ được chữa lành hết”, anh Nguyễn Văn Mết, Tổng giám đốc Công ty Met Foods nói.