Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc: cuộc chiến chính nghĩa bảo vệ dân tộc

15/02/2019 - 16:00

PNO - PGS.TS Trần Đức Cường khẳng định, hội thảo quốc gia kỷ niệm 40 năm cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc không khoét sâu vào mối hận thù mà nhắc lại sự thật lịch sử và khẳng định sự nghiệp chính nghĩa của Việt Nam.

Thế giới bất bình trước cuộc tiến công của Trung Quốc

Tại hội thảo khoa học quốc gia kỷ niệm 40 năm cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, tổ chức ngày 15/2 tại Hà Nội, PGS.TS Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã nhắc lại lịch sử khi quân Trung Quốc tiến sâu vào đất Việt Nam.

Rạng sáng ngày 17/2/1979, hơn 60 vạn quân Trung Quốc với 9 đoàn quân chủ lực, 32  sư đoàn bộ binh độc lập, 6 trung đoàn với 550 xe tăng, 4 sư đoàn và trung đoàn pháo binh, phòng không với hơn 2.550 khẩu pháo, trong đó nhiều dàn phóng hỏa tiễn bất ngờ vượt qua biên giới 1.400km vào 6 tỉnh của Việt Nam.

Quân Trung Quốc vào sâu trong đất Lạng Sơn, Lai Châu 10 - 15 km, vào sâu đất Cao Bằng 40 - 50 km. Để đối phó với lực lượng này, quân dân Việt Nam ở 6 tỉnh biên giới cùng quân chủ lực được tăng cường, đã kiên cường chiến đấu bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc.

Cuoc chien bao ve bien gioi phia Bac: cuoc chien chinh nghia bao ve dan toc
Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam nhắc lại cuộc chiến 40 năm bảo vệ biên giới phía Bắc

“Kết quả, chúng ta loại khỏi vòng chiến đấu 62.600 quân xâm lược, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 3 trung đoàn, 18 tiểu đoàn, bắn cháy và phá hủy 550 xe quân sự trong đó có 280 xe tăng, xe bọc thép, phá hỏng 115 khẩu pháo và súng cối hạng nặng, thu nhiều vũ khí, bắt sống nhiều sĩ quan và binh lính của quân đội xâm lược”, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam dẫn sử liệu. Tuy nhiên, quân ta cũng rơi vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” do bị bao vây cấm vận của Mỹ và các nước phương Tây.

Đánh giá về cuộc tiến công xâm lược Việt Nam của Trung Quốc, cả thế giới đã phải sửng sốt. Bởi từ chỗ là đồng minh trong “chiến tranh lạnh”, nhà cầm quyền Trung Quốc trong phút chốc đã coi Việt Nam là kẻ thù.

Mặc dù Trung Quốc sử dụng luận điệu rằng cuộc tiến công của họ chỉ là “phản công để tự vệ”, tuy nhiên, nhiều người hiểu rõ rằng, đây thực chất là một bước đường, hướng tới mục tiêu của Trung Quốc trong việc mau chóng trở thành một thế lực mới. Điều này nhằm chi phối trước hết vùng Đông Nam Á, lấp vào chỗ trống mà Mỹ đã phải rút khỏi khu vực mang tính chiến lược này sau thất bại ở Việt Nam.

PGS.TS Trần Đức Cường khẳng định, cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Trung Quốc đã bị nhân dân thế giới phản đối. Chính phủ nhiều nước tổ chức biểu tình, ra tuyên bố, tổ chức hội thảo, lấy chữ ký phản đối hành động xâm lược của Trung Quốc với khẩu hiệu “Không được đụng đến Việt Nam”, đồng thời đòi “nhà cầm quyền Trung Quốc rút ngay quân đội ra khỏi lãnh thổ Việt Nam”.

Không khoét sâu mối hận thù

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Trần Đức Cường chia sẻ, 40 năm trôi qua, thế giới đã có nhiều biến đối. Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã bình thường hóa và đang trong quá trình phảt triển trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, dù còn có những trở ngại cần vượt qua.

Hội thảo khoa học này, theo PGS. Trần Đức Cường, không phải “để khoét sâu mối hận thù mà để nhắc lại một sự thật lịch sử, khẳng định sự nghiệp chính nghĩa của Việt Nam trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc”.

Cuoc chien bao ve bien gioi phia Bac: cuoc chien chinh nghia bao ve dan toc
Hội thảo không khoét sâu mối hận thù mà nhắc lại một sự thật lịch sử và cuộc chiến chính nghĩa bảo vệ dân tộc của Việt Nam

Bên cạnh đó, đây là dịp để chúng ta tôn vinh đồng bào, chiến sĩ đã chiến đấu, bảo vệ và hy sinh trên từng tấc đất nơi biên cương; để các thế hệ đi sau thêm biết ơn sâu sắc, tự hào về truyền thống yêu nước của dân tộc.

Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam cũng nhấn mạnh lại, chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là "xây dựng quan hệ hữu nghị, hợp tác, bình đẳng và cùng có lợi giữa hai nước, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau”.

Đưa nội dung “toàn diện”, “cẩn trọng” vào sách giáo khoa

Tại cuộc hội thảo, GS Phạm Hồng Tung - Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ viết chi tiết về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và phía Bắc. Bởi đây là các cuộc chiến có ý nghĩa rất quan trọng trong lịch sử Việt Nam hiện đại.

Theo GS. Tung, giới trẻ Việt Nam ít được giáo dục một cách khoa học về cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, nội dung về cuộc chiến vệ quốc này giảm dần qua các lần tái bản.

Cuoc chien bao ve bien gioi phia Bac: cuoc chien chinh nghia bao ve dan toc
Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía bắc sẽ được đưa vào sách giáo khoa toàn diện và cẩn trọng

Trong khi đó, học sinh, thanh niên Trung Quốc từ lâu lại được tuyên truyền sai trái rằng đây là "cuộc chiến tranh phản kích chống Việt Nam để tự vệ" nhằm trừng phạt "tiểu bá Việt Nam vong ân bội nghĩa, tay sai của Liên Xô"...

"Việc trình bày như vậy là quá sơ lược, không xứng với vị trí địa lý, ý nghĩa của giai đoạn lịch sử đó, không đáp ứng được nhu cầu nhận thức và phát triển năng lực của học sinh. Hơn nữa, trong những đoạn văn ngắn đó còn sai sót cả về nội dung lịch sử, hình thức trình bày", ông Tung nói.

Là chủ biên chương trình lịch sử phổ thông, GS Tung khẳng định chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ trình bày nội dung này toàn diện và cẩn trọng. Cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam và phía Bắc được đặt liền mạch với cách mạng tháng Tám, kháng chiến chống Pháp, Mỹ.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI