Cuộc chiến 10 năm của người phụ nữ đòi công lý chống lại những kẻ hiếp dâm tập thể

04/07/2023 - 06:01

PNO - Sau một thập kỷ trì hoãn và bị đe dọa, Amena là người cuối cùng trong số 7 người sống sót sau các vụ hiếp dâm quyết tâm chiến đấu để bắt những kẻ tồi bại phải đền tội.

Vào một buổi chiều nóng nực và yên tĩnh của những ngày hè, một người phụ nữ nằm trên chiếc xe ngựa bằng gỗ dưới chiếc quạt kêu cót két bên trong ngôi nhà vách đất của mình. Cô nói: “Tôi chưa từng hạnh phúc như thế này trong 10 năm qua".

Đó là vài ngày sau khi một tòa án ở Muzaffarnagar kết tội 2 người đàn ông đã cưỡng hiếp tập thể Amena và dí súng vào đầu đứa con trai nhỏ của cô. Một người đàn ông thứ 3 đã chết trước khi vụ án được đưa ra tòa.

Hai tên tội phạm là Maheshvir và Sikander Malik đã bị kết án 20 năm tù trong một vụ án hãm hiếp tập thể xảy ra vào tháng 9/2013.

ban đầu quyết định giữ im lặng vì sợ sự xấu hổ thường liên quan đến vụ cưỡng hiếp
Những vụ tấn công phụ nữ ở các làng quê Ấn Độ vẫn diễn ra thường xuyên và nhiều người giữ im lặng vì lo sợ và xấu hổ 

Một thập kỷ trôi qua, Amena là người cuối cùng trong số 7 phụ nữ vẫn theo đuổi công lý vì vụ hiếp dâm được trình báo với cảnh sát vào thời điểm đó. Những người khác đã rút lại khiếu nại của họ sau nhiều năm bị đe dọa.

Amena nhớ lại, khi bạo loạn lan rộng khắp miền tây Uttar Pradesh năm 2013, cô (khi đó 26 tuổi) đã mang theo đứa con trai 3 tháng tuổi của mình cùng những người hàng xóm khác bỏ chạy khỏi ngôi làng. Nhưng khi cô trốn trong một cánh đồng mía, 3 người đàn ông đã tìm thấy cô. Amena cho biết những người đàn ông đó là người địa phương và quen biết với chồng cô.

“Hôm đó mọi người chạy thục mạng, tôi cũng vậy. Nhưng ngay khi tóm được tôi, chúng cướp con tôi đi và dí súng vào thái dương dọa giết, rồi chúng cưỡng hiếp tôi" - Amena kể. Cô nói rằng những sự kiện của ngày hôm đó và khuôn mặt của những kẻ hiếp dâm vẫn không phai mờ trong ký ức của mình.

Amena sau đó đã kể với chồng về vụ tấn công và cặp đôi ban đầu quyết định giữ im lặng vì lo sợ và sự xấu hổ thường liên quan đến vụ cưỡng hiếp. Nhưng rồi những câu chuyện về tấn công tình dục đối với phụ nữ bắt đầu nổi lên khắp nơi. Sau đó, khi nghe có 6 phụ nữ khác từ một ngôi làng bên đã can đảm để nộp đơn tố cáo nhóm hiếp dâm trên, Amena cũng quyết định gửi đơn tố cáo của mình về những gì đã xảy ra với cô cho cảnh sát ở Muzaffarnagar. Đó là vào tháng 10/2013.

Phải mất 4 tháng và nhờ sự can thiệp của tòa án tối cao Ấn Độ, vụ việc của cô mới được ra xem xét. Bản cáo trạng này phải mất thêm 4 năm để xử lý. Rồi sau đó phải mất thêm 3 năm nữa, cho đến tháng 11/2021, cảnh sát mới bắt đầu thẩm vấn, điều tra...

Các thủ tục tố tụng sau đó đã bị đình chỉ khi Amena đệ đơn yêu cầu được chuyển vụ án ra khỏi Muzaffarnagar vì những lời đe dọa và quấy rối mà cô và gia đình đang phải chịu đựng. Ngoài ra, đại dịch COVID-19 cũng khiến cho vụ xét xử chậm trễ hơn nữa.

Nhưng Amena không lùi bước, cô đã kháng cáo một lần nữa lên tòa án tối cao vào ngày 8/2/2023 để vụ án được xét xử, và cuối cùng cô đã chứng kiến ​​​​những kẻ tấn công mình hầu tòa vào tháng Tư và tuyên án vào tháng Năm. Amena nói: “Trong suốt quá trình xét xử này, tôi không còn quan tâm đến ngày hay đêm. Chúng tôi thường đến tòa án từ sáng sớm và trở về nhà vào tối muộn chỉ để thấy con mình đang ngủ, thậm chí đôi khi không ăn gì”.

Ngoài tội hiếp dâm, những người đàn ông còn nhận bản án 2 năm tù vì tội đe dọa và bị phạt 10.000 rupee (hơn 120 USD) mỗi người.

Amena, nay đã có 3 người con, nói rằng cô không muốn chúng biết bất cứ điều gì về quá khứ của mình. “Tôi chỉ mong các  con học giỏi và làm nhiều điều tốt trong cuộc sống”. Nhưng cô lo lắng những khó khăn tài chính mà gia đình phải chịu đựng trong thập kỷ qua đang cản trở việc học hành của các con. Đứa lớn nhất của cô đã phải bỏ học. “Ngày nào tôi cũng cảm thấy tồi tệ vì không thể đưa các con đến trường”.

Ngoài ra, Amena vẫn đang cố gắng đối phó với chấn thương do vụ tấn công để lại và áp lực mà cô phải chịu đựng trong suốt quá trình đòi công lý. Vì vụ kiện 10 năm mà gia đình cô bị buộc phải chuyển đi 3 lần. “Đó là lý do tại sao tôi muốn đi đâu đó thật xa và bắt đầu lại từ đầu”. Tuy nhiên, cô nói thêm: “Nhưng tôi kiên quyết đấu tranh cho đến hơi thở cuối cùng. Bây giờ tôi hạnh phúc, nhưng tôi cảm thấy kiệt sức".

Thảo Nguyễn (theo Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI