Cuộc chạy đua tạo ra 'siêu heo'

06/12/2019 - 10:00

PNO - Tạo ra những con heo “đột biến”, còn gọi là “siêu heo”, được coi là lối thoát khả thi cho Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng thiếu thịt heo do hậu quả của dịch tả heo châu Phi ở nước này.

Heo được cấy gen để chịu lạnh 

Nhật báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) xuất bản ở Hồng Kông, cho biết, dịch tả heo châu Phi dẫn đến việc tiêu hủy hơn 100 triệu con heo ở Trung Quốc, khiến giá thịt heo và tình trạng lạm phát chung đều lên cao kỷ lục. Hiện tại, ngoài Mỹ, Trung Quốc là quốc gia đi đầu về nghiên cứu và phát triển chăn nuôi heo với mức kinh phí 445 tỷ USD trong năm 2017.

Cuoc chay dua tao ra 'sieu heo'
Trung Quốc vượt trội so với các quốc gia khác, trừ Mỹ về nghiên cứu và phát triển “siêu heo” với kinh phí 445 tỷ USD năm 2017 - Ảnh: Reuters

Bên trong một trại chăn nuôi lớn “giống như pháo đài” ở ngoại ô Bắc Kinh, hàng chục con heo da hồng và đen, con đang ăn, con đang ngủ, trong tiết trời mùa đông lạnh lẽo. Những con heo thí nghiệm này được tăng cường gen điều chỉnh nhiệt độ để chống lại mùa đông giá lạnh ở miền bắc Trung Quốc.

Loại gen các nhà nghiên cứu cấy vào DNA của con heo chỉ là một trong hàng chục ví dụ về kỹ thuật di truyền đang được tiến hành ở Trung Quốc, trong khi đó các phòng thí nghiệm ở các quốc gia khác cũng đang ráo riết chạy đua tạo ra giống “siêu heo”.
Nhiều năm trước, yêu cầu là làm cho thịt heo ngon hơn, con heo khỏe hơn và lớn nhanh, nhưng nay, trong bối cảnh dịch tả heo châu Phi đang hoành hành, nhu cầu cấp thiết hơn là đảm bảo an ninh thực phẩm và giữ cho đàn heo sống sót.

Ông Zhao, 45 tuổi, đứng đầu một nhóm gồm 20 nhà nghiên cứu và kỹ thuật viên tại Viện Động vật học thuộc Viện Khoa học Trung Quốc ở Bắc Kinh, chuyên gia nghiên cứu về gen heo nói rằng: “Câu hỏi hóc búa nhất đối với các nhà khoa học là làm thế nào để con heo khỏe mạnh hơn”.

Trung Quốc đón đầu công nghệ

Tham vọng của Trung Quốc vượt ra ngoài khuôn khổ chăn nuôi gia súc. Tại hàng chục phòng thí nghiệm trên cả nước, các nhà khoa học Trung Quốc đang chạy đua với các nhà nghiên cứu Mỹ và châu Âu để phát triển dòng thực phẩm siêu việt và những cây tạo chất xơ. Đây là một cuộc chạy đua công nghệ sinh học trong bối cảnh đang diễn ra cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, khi tình trạng dân số già đi nhanh chóng và tài nguyên nuôi sống 1,4 tỷ người Trung Quốc đang dần cạn kiệt.

Giá thịt heo tăng vọt đã thúc đẩy Hội đồng Nhà nước Trung Quốc hồi tháng Chín kêu gọi sử dụng khoa học và công nghệ nhiều hơn, để cùng với các biện pháp khác, thúc đẩy sản xuất thịt heo, loại thực phẩm thiết yếu của người dân Trung Quốc. Ngoài chi phí lớn dành cho nghiên cứu và phát triển đàn heo, các công ty Trung Quốc cũng đẩy mạnh việc mua lại các công ty công nghệ sinh học và dược phẩm nước ngoài, với các thỏa thuận đạt 25,4 tỷ USD kể từ đầu năm 2014.

Tuy nhiên, các nhà khoa học Mỹ và châu Âu hiện đang có một lợi thế quan trọng, bao gồm cả thứ Trung Quốc rất cần: bảo vệ đàn heo khỏi các dịch bệnh khiến heo chết với số lượng lớn.

Trung Quốc tìm cách khắc phục điều đó bằng cách gửi các nhà khoa học có triển vọng ra nước ngoài, trong đó có những người như ông Zhao, để học hỏi những gì tốt nhất của thế giới. Sau đó đưa họ về nước và trang bị cho họ các tài nguyên quy mô công nghiệp. Khuôn viên nơi nuôi những con heo được chỉnh sửa gen của ông Zhao được bao quanh bởi ba lớp kiểm soát an ninh và có thể chứa 4.000 con heo.

Chuyên gia tạo giống “siêu heo” của Trung Quốc, ông Zhao, là người lớn lên ở vùng nông thôn tỉnh Sơn Đông. Sau khi nhận bằng tiến sĩ về di truyền động vật và nhân giống từ một trường đại học nông nghiệp ở Cáp Nhĩ Tân năm 2003, ông làm việc vài năm với tư cách là trợ lý nghiên cứu tại một viện di truyền y học ở Thượng Hải.

Kỹ thuật sửa đổi bộ gen của Trung Quốc thời kỳ đó khá tụt hậu so với các nước tiên tiến. Để thúc đẩy nghiên cứu của mình, Zhao đã đến Đại học New Orleans một vài tháng sau khi cơn bão Katrina tấn công nước Mỹ năm 2005 để học hỏi nhà sinh lý học sinh sản Barry Bavister. 

Tiếp đó, Zhao đã dành ba năm tu nghiệp thêm tại Đại học Missouri trong một phòng thí nghiệm do Randall Prather, một nhà di truyền học heo khác điều hành. Prather, 60 tuổi, đã giúp Zhao hoàn thiện các kỹ năng chỉnh sửa gen. Nhà khoa học Trung Quốc sử dụng nó sau khi về nước năm 2010 với tư cách là một nhà nghiên cứu chính của Phòng Thí nghiệm tế bào gốc và sinh học tế bào gốc ở Bắc Kinh.

Zhao và các đồng nghiệp cho thấy họ có thể làm cho heo ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết lạnh bằng cách sử dụng Crispr - một công cụ mạnh mẽ chỉnh sửa bộ gen để cấy cho động vật, giúp chúng hình thành mỡ nâu sinh nhiệt. Các nhà khoa học cho biết, những con heo biến đổi gen cũng có lượng mỡ trắng ít hơn gần 5%, khiến thịt chúng nạc hơn. 

Hòa Ninh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI