Cuộc cách mạng xã hội thầm lặng của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe

17/09/2018 - 10:40

PNO - Nếu ngày 20/9 tới ông Shinzo Abe tiếp tục giữ được vị trí đứng đầu đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền ở Nhật Bản, ông sẽ có thêm 3 năm làm thủ tướng.

Cuoc cach mang xa hoi tham lang cua Thu tuong Nhat Shinzo Abe
Thủ tướng Shinzo Abe đã đem lại những thay đổi lớn cho Nhật Bản kể từ khi nắm quyền trở lại năm 2012.

Nếu nắm quyền cho đến mùa hè năm 2020, ông sẽ vượt qua ông Eisaku Sato để trở thành thủ tướng nắm quyền liên tục dài nhất. Đến cuối năm 2019, ông sẽ vượt qua tổng số 2.886 ngày tại nhiệm của ông Taro Katsura, để trở thành thủ tướng phục vụ lâu nhất của đất nước này. Chỉ trong thế kỷ 19 thời hoàng kim của các võ sĩ đạo mới có những nhà lãnh đạo nắm quyền lâu hơn thế.

Nhưng di sản ông để lại sau hơn một thập kỷ nắm quyền thì không dễ đánh giá. Có lẽ không phải là chính sách kinh tế Abenomics, cũng không phải là khát vọng sửa hiến pháp mà ông cho là sự nghiệp cả đời của mình.

Thay vào đó, vị thủ tướng này ghi dấu ấn bởi cuộc cách mạng xã hội thầm lặng đã khiến đất nước Nhật Bản thay đổi đáng kể. Chính quyền của ông Abe đã mở cửa một trong những quốc gia khép kín nhất thế giới để đón nhận nhân tài quốc tế, cùng lúc thay đổi các quy định lao động, theo đó, người Nhật nghỉ hưu muộn nhất thế giới.

Cuoc cach mang xa hoi tham lang cua Thu tuong Nhat Shinzo Abe
Dân số già nhanh và thiếu nhân lực trầm trọng đang là những thách thức lớn đối với ông Abe.

Ông Abe, cháu trai của cựu thủ tướng Nobusuke Kishi, lần đầu ngồi vào ghế thủ tướng năm 2006 với lời hứa thực hiện tham vọng sửa đổi hiến pháp hoà bình của người ông, trong đó có việc khôi phục quân đội Nhật Bản. Khi đó mới 52 tuổi, ông đã là thủ tướng trẻ nhất nước thời hậu chiến.

Nhưng chỉ sau 366 ngày, ông mất chức, do sức khoẻ và do đảng của ông bị đánh bại trong cuộc bầu cử thượng viện. "Thật là như địa ngục. Tôi mất hết cả danh dự và kiêu hãnh", ông Abe kể về thời điểm đó.

Cơ hội thứ hai đến với ông năm 2012, tư tưởng kinh tế Abenomics đã giúp ông trở lại vị trí đứng đầu đảng LDP và kể từ đó gần như không thể bị đánh bại. LDP liên tục chiến thắng 5 cuộc tổng tuyển cử.

Rút kinh nghiệm từ thất bại lần trước, lần này ông tập trung hoàn toàn vào cải cách kinh tế. Nền kinh tế ngày càng vững mạnh giúp tỉ lệ ủng hộ đối với LDP không ngừng tăng lên.

Bất chấp dân số trong độ tuổi lao động giảm đi 4,5 triệu người, nền kinh tế vẫn tạo thêm được việc làm cho thêm 2,5 triệu lao động, nhờ đó tỉ lệ thất nghiệp duy trì ở mức 2,5%, thấp nhất trong 25 năm qua.

Cuoc cach mang xa hoi tham lang cua Thu tuong Nhat Shinzo Abe
Công nhân xây dựng người Việt có mặt trong hàng triệu lao động ngoại quốc vào Nhật Bản làm việc trong 5 năm qua.

Điều kiện kinh tế thuận lợi này đã cho ông Abe thêm dư địa để thúc đẩy các thay đổi về xã hội. Ông liên tục đề nghị các doanh nghiệp tăng lương cho người lao động để đối phó với lạm phát. Chỉ ra cho các ngành công nghiệp lớn như ôtô thấy họ đang được hưởng lợi từ các chính sách của chính phủ, ông khiến họ không có cách nào khác là phải đồng ý tăng lương.

Lên nắm quyền lần thứ hai, dường như ông Abe đã tìm ra được công thức thành công cho mình và LDP: sự thực dụng. Không lý tưởng nữa mà phải thực tế. Điển hình là việc ông Abe quyết định mở cửa cho lao động ngoại quốc. Dưới thời ông Abe, số lao động nước ngoài tăng gấp đôi lên 1,3 triệu người, chủ yếu đến từ Trung Quốc, Việt Nam và Philippines làm việc trong các ngành y tế, xây dựng và bán lẻ.

Nguyên do là sự hồi sinh của nền kinh tế đã đồng thời bộc lộ rõ hơn các hạn chế của lực lượng lao động đang ngày càng thu hẹp của Nhật Bản. Nhiều ngành dịch vụ đang thiếu nhân lực trầm trọng. Ông Abe chấp nhận việc tuyển dụng lao động nước ngoài cho một số ngành nghề, chỉ yêu cầu phải đảm bảo không biến việc này thành chính sách nhập cư đại trà.

Cuoc cach mang xa hoi tham lang cua Thu tuong Nhat Shinzo Abe
Người dân tụ tập trước nhà Quốc hội ở thủ đô Tokyo hồi tháng 3 đòi ông Abe từ chức do một vụ việc bị cho là thiên vị. Ảnh: Kyodo

Cùng lúc đó, Nhật Bản tìm cách nội tại để đối phó với tình hình thiếu lao động bằng việc nâng tuổi nghỉ hưu lên 70. Đồng thời thay đổi những mẫu hình truyền thống trong xã hội Nhật từ xưa đến nay: không còn việc phụ nữ ở nhà làm nội trợ, 3 thế hệ sống dưới một mái nhà, cha mẹ già ở nhà để con cái chăm sóc.

Với chính sách kinh tế phụ nữ - Womenomics - của ông Abe, phụ nữ, người lớn tuổi và lao động di cư ngày càng chiếm tỉ lệ cao hơn trong lực lượng lao động. Số phụ nữ đi làm hiện đã chiếm 67,4% số phụ nữ trong độ tuổi lao động, và khi Nhật Bản chuẩn bị đăng cai Thế vận hội năm 2020, dự kiến tỉ lệ này sẽ còn tăng thêm.

Và ông Abe cũng không quên sự nghiệp sửa đổi hiến pháp hoà bình mà ông quyết tâm theo đuổi. Ông mong có thể đệ trình dự thảo sửa đổi này tại kỳ họp lập pháp lần tới của Quốc hội Nhật Bản, điều sẽ khả thi nếu LDP tiếp tục chiến thắng tại cuộc bầu cử thượng viện sắp tới.

Đại An (theo Nikkei)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI