Cuộc cách mạng tối giản

15/10/2017 - 15:47

PNO - Trên mạng xã hội, người ta rộn ràng bàn về phong cách sống tối giản của người Nhật. “Sống tối giản cho đời thanh thản”, nghe thì thèm, nhưng đồng thời cũng thấy bất lực.

Tối giản quả là yêu cầu đánh đố, bởi tôi mua sắm không phải vì thiếu thốn hay chạy theo mốt, tôi chỉ giải stress thôi mà!

Chẳng thể tưởng tượng nổi chuyện mua sắm quần áo lại có thể đe dọa hạnh phúc gia đình. Chồng và con đang “biểu tình” với 900 món đồ của tôi. Nếu không dọn bớt, có lẽ không ai để tôi yên nữa.

Cuoc cach mang toi gian
Ảnh mang tính minh họa. Shutterstock

Phòng ngủ của tôi bây giờ, thú thật, trông chẳng khác gì bãi chiến trường. Ngoài cái tủ ba cánh to tướng lèn chặt quần áo, tôi còn có cái tủ nằm ngang sáu ngăn. Hè vừa rồi, tôi trưng dụng thêm cái rương đựng đồ chơi của con để cất đồ. Đó là chưa kể vô số bịch lớn bịch nhỏ, nhiều bịch chưa được mở ra sau một chuyến shopping nào đấy.

Hôm qua, cậu con trai học lớp Mười ra tối hậu thư: “Mẹ dọn ngay chỗ áo quần lấn chiếm này đi, đây là tủ đồ của con và em. Mẹ làm thế nào thì làm, con mách ba là mẹ nhét cả đồ vào bàn học của con”. “Mách ba” là hai chữ tôi rất ghét, nhưng trong một số việc, thằng con tôi thành công. Ba nó đã nhiều lần hăm vứt quần áo của tôi, khi đồ đạc nhồi khắp tủ, khiến anh không sao tìm ra chiếc áo mặc đi làm.

Ngày trước, tôi đàng hoàng mang đồ mua về treo, rồi lượn lờ trước mắt chồng mỗi sáng, chờ đợi một lời khen. Sau này, mua sắm nhiều quá, tôi phải lén lén lút lút mang túi nhét vào các xó. Khi mặc, phải giả tảng kiểu: “Con nhỏ Mai ấy, nó không kiêng ăn nên mập phì, giờ bắt người ta mặc đồ dư, thật là...”.

Có một sự thật là, tôi chẳng cách nào mặc hết số áo quần của mình. Có những món cả năm tôi không động tới, nằm lỳ ở góc tủ. Có lần cãi nhau, tôi gào lên với chồng: “Tôi là đàn bà mà. Anh có biết bây giờ tôi chỉ còn niềm vui mua sắm không”. “Các anh ra đường có quá nhiều niềm vui. Chiều nào cũng tụ tập nhậu nhẹt, anh chẳng bảo đó là cách xả stress còn gì. Tôi không chơi bời lêu lổng, không ngoại tình, bài bạc… Tôi dùng tiền mình làm ra để chống buồn chán, có gì sai?”.

Cuoc cach mang toi gian
 

Cãi thế chứ chính tôi không thể trả lời nổi câu hỏi đàn bà cần nhiều quần áo để làm gì. Tôi thừa biết mình để nhà cửa ngập ngụa thế này là không được. Nhiều lần lên mạng tìm kinh nghiệm cai nghiện mua sắm.

Người ta bày, khi đứng trước một chiếc áo, chiếc váy, đôi giày... hãy nghĩ nếu mình không có nó, mình có bị ảnh hưởng gì không; chứ đừng nghĩ nếu có nó, mình sẽ ra sao. Cô bạn thân thì lên mặt dạy dỗ: “Mỗi khi muốn mua thêm một món đồ, trước đó hãy nghĩ làm sao tống đi một món đồ khác để có chỗ chứa”. Người bà con ở quê lên chơi thì cười cười, bảo món nào không dùng thì gửi về quê, coi như làm từ thiện...

Tôi ngồi kiểm từng món, sơ sơ cũng khoảng 900 cái áo, quần, váy, khăn... Cái nào cũng bỏ thì thương, vương thì tội. Tôi muốn giữ áo quần rộng để nhỡ khi tăng ký thì có mà mặc. Áo quần chật thì “để đó cho có động lực giảm cân”. Thứ đã lỗi mốt thì tôi tặc lưỡi: “Rồi mốt này sẽ quay lại, mình sẽ có sẵn đồ đón đầu”.

Dọn tới dọn lui, tôi lựa ra được… vài chục bộ đồ gửi về quê. Đọc những ý kiến so sánh, băn khoăn giữa hai trường phái: tận hưởng cuộc sống, yêu lấy bản thân và sống đơn giản cho đời thanh thản trên nhiều diễn đàn; thấy bên nào cũng lý luận đầy mình, cãi nhau ỏm tỏi, khiến tôi cũng hoang mang.

Dịp may tới khi khu chung cư chúng tôi mở “Phiên chợ thứ 7”, chuyên mua bán, trao đổi áo quần cũ. Tuần đầu, tôi đứt ruột nhìn thằng con trai bê hai bịch đồ đi bán với giá chỉ từ 5.000 - 10.000 đồng/món. Tới tuần thứ ba, nhìn tủ rộng ra, tôi mới giảm được cảm giác tiếc nuối, bắt đầu nhắm mắt tháo khoán: “Các con thích mẹ mặc đồ nào thì để lại, không thích thì dọn mang đi giúp mẹ. Chỉ nhớ giữ cho mẹ ba bốn váy đầm đi tiệc, chừng chục bộ đồ đi làm. Đồ đi chơi, đi cà phê thì ít thôi”.

Nhờ sự trợ giúp của con, tôi đã giải phóng được 70% số áo quần và công cuộc cách mạng vẫn còn, dù việc lọc tiếp càng lúc càng khó. Những bộ đồ còn lại toàn thứ tôi yêu như máu thịt.

Nhìn khuôn mặt chồng giãn ra mỗi khi mở tủ, tôi biết mình vừa chiến thắng bản thân. Cuộc cách mạng mới bắt đầu mà tôi đã ngập tràn sung sướng. Không ngờ việc thải loại áo quần lại mang cho mình cảm giác nhẹ nhõm, khỏe khoắn đến thế. Sắp tới, tôi sẽ cách mạng khu vực bếp, rồi tới đồ trang trí trong nhà. Sống tối giản để hạnh phúc sẽ là mục đích của tôi từ nay tới tết. 

Khi đứng trước một chiếc áo, chiếc váy, đôi giày... hãy nghĩ nếu mình không có nó, mình có bị ảnh hưởng gì không; chứ đừng nghĩ nếu có nó, mình sẽ ra sao.  

Hoàng Ly

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI