Cuộc "cách mạng tinh giản" phải đi kèm giải pháp chống phình to

02/12/2024 - 21:24

PNO - Một khi đã quyết liệt tinh giản bộ máy thì cũng đồng thời phải có giải pháp chống phình to, cần cơ chế phân cấp, phân quyền, cá nhân chịu trách nhiệm. Cần hệ thống đánh giá công việc công bằng, thiết thực.

Vài mươi năm qua, chúng ta đã trải qua nhiều lần tách ra nhập vào. Không nói chuyện tách ra thường thì cần thêm người. Cơ quan này nhập với cơ quan kia, công chức, viên chức nhà nước phải đối diện với chuyện được ở lại hay phải ra đi. Nếu được ở lại coi như yên ổn, vẫn làm mọi việc như đã từng làm, dù có thay đổi chút đỉnh.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bao lần sáp nhập để giảm biên chế nhưng thật sự tinh gọn hay chưa? Các cấp lãnh đạo đều biết rằng chưa. Bộ máy công quyền vẫn còn cồng kềnh, vẫn còn chỗ thiếu chỗ thừa, vẫn còn trì trệ chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Người dân, không cần quan tâm lắm, họ chỉ cần biết cán bộ làm việc hiệu quả, phục vụ nhân dân tận tâm và bộ máy tiết kiệm nhất.

Cán bộ lúc nào cũng than thở công việc nặng nề kiểu như “đầu đội ủy ban, vai mang bốn bộ”. Nhưng cán bộ vẫn có thể dành thời gian để vừa làm, vừa học nâng cao trình độ qua các chương trình đào tạo đại học, thạc sĩ, tiến sĩ hay làm nghề tay trái "chân trong, chân ngoài” để cải thiện thu nhập.

“Cuộc cách mạng tinh gọn biên chế” như người đứng đầu hệ thống chính trị đã gọi, cho thấy một quyết tâm mạnh mẽ cho cuộc tinh giản biên chế lần này. Có thể nói nhân dân mong muốn và tin tưởng “cuộc cách mạng” đó chắc chắn sẽ thành công, khi mà Tổng bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: “Tới đây Trung ương phải gương mẫu, các ban của Đảng phải gương mẫu, Quốc hội gương mẫu, Chính phủ gương mẫu”.

Chúng ta đã từng sáp nhập ba, bốn bộ vào một bộ, từng tách rời chức năng quản lý nhà nước với kinh doanh ở một số ngành, từng cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, thế nhưng như Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng đã viết trong một bài báo đăng trên báo Tuổi Trẻ: “Bộ máy hiện nay quả thật đang rất cồng kềnh và kém hiệu quả”. Và “Chi thường xuyên chiếm khoảng 60-70% tổng ngân sách nhà nước, trong đó một phần lớn dành cho bộ máy”.

Trong cuộc tinh giản lần này có lẽ cần phải phân cấp phân quyền mạnh mẽ, cần có cơ chế đánh giá cán bộ rõ ràng dứt khoát, để “có lên, có xuống, có vào có ra”.

Như là, cấp trên có quyền đề bạt, bổ nhiệm, đánh giá cán bộ trực tiếp dưới quyền của mình. Như là, lãnh đạo cơ quan được quyền trực tiếp tiếp nhận, được quyền sa thải cán bộ, nhân viên trực thuộc. Tất nhiên, khi đó, chính người lãnh đạo đó cũng chịu sự quản lý, đánh giá tương tự từ cấp trên.

Nếu vẫn quản lý theo kiểu như hiện nay, sự tinh gọn chỉ có thời gian đầu, qua giai đoạn “bão táp, mưa sa” cán bộ, công chức, viên chức còn trong biên chế vẫn sẽ an phận ngày ngày “sáng xách laptop đi, chiều xách laptop về”, thay vì "làm cho hiệu quả" thì họ chỉ "làm cho đúng", chờ đến thời hạn nâng lương, nâng bậc, để được quy hoạch thăng tiến. Và cuối năm, 100% nhân viên được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ.

Tôi tin chuyển động từ trung ương sẽ tạo bước đột phá vì trung ương mà gọn thì địa phương sẽ gọn. Không còn bộ nữa thì tỉnh sẽ không có sở mà tỉnh không có sở thì huyện cũng không có phòng. Tinh giản bộ máy do đó sẽ có tác động lớn tới việc cân đối lại tình hình chi ngân sách nhà nước theo hướng giảm chi thường xuyên, tăng đầu tư cho phát triển.

Cuộc tinh giản lần này, như cổ nhân đã nói: “Binh quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, bên cạnh việc tinh giản để bộ máy làm việc hiệu quả cũng cần phải có giải pháp chống phình to trở lại, thì lúc đó "cuộc cách mạng tinh giản" mới thật sự hiệu quả.

Nguyễn Huỳnh Đạt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI