Hiện nay ở các quốc gia phát triển, rất nhiều người đã chọn cách ăn ít thịt động vật hơn. Theo các chuyên gia về ẩm thực, người ta quan tâm đến ăn chay vì những nhu cầu khác nhau: ăn chay vì thói quen, ăn chay để bảo vệ môi trường, ăn chay vài ngày trong tháng hoặc tuần để tăng cường sức khỏe... Chính xu hướng này đã khiến một loạt sản phẩm thay thế thịt ra đời và ngày càng trở thành thị phần hấp dẫn. Các sản phẩm này có thể được chế biến từ thực vật hoặc thịt thật nhưng không qua giết mổ mà được “sản xuất” từ phòng thí nghiệm.
Mới đây, Singapore đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới chấp thuận việc bán thịt nuôi từ phòng thí nghiệm, mở đầu cho một kỷ nguyên mới mà ở đó, người tiêu dùng ưa chuộng thịt nhân tạo được nuôi cấy từ tế bào động vật.
“Thịt” từ thực vật
Thịt từ thực vật được hiểu nôm na là sản xuất bằng cách chiết xuất protein từ các nguồn thực vật như đậu nành, lúa mì. Các chiết xuất protein này được gia nhiệt, đùn ép hoặc làm lạnh để tạo thành kết cấu giống như thịt động vật. Để hoàn thiện, người ta còn cho thêm các thành phần và phụ gia (cũng được chiết xuất từ thực vật) sao cho sản phẩm có vị béo giống mỡ hoặc có màu như thịt động vật... Thịt làm từ thực vật có thể xem là sản phẩm tiên phong của phong trào thịt nhân tạo.
|
Thịt gà “nuôi” trong phòng thí nghiệm của Eat Just đã được phê duyệt cho người tiêu dùng ở Singapore - Nguồn: Eat Just |
Cuối tháng 9/2019, nhãn hàng thức ăn nhanh McDonald’s ở Canada đã khiến cả thế giới phải để ý đến khi họ bán thử nghiệm bánh burger chay có thịt được chế biến từ thực vật. Bên cạnh việc chụp những bức ảnh bắt mắt cùng lời miêu tả hấp dẫn: “ngon, mọng nước và nhìn là muốn… cắn”, loại bánh mang tên PLT (plant, lettuce và tomato - thực vật, xà lách, cà chua) là sản phẩm mà McDonald’s hợp tác với Beyond Meat, một công ty Mỹ chuyên tạo ra thịt từ thực vật. Thời điểm đó, những miếng “thịt” này được miêu tả là “cuộc cách mạng không thịt” và là sự lựa chọn hoàn hảo khi người tiêu dùng phương Tây ngày càng ưa chuộng thực phẩm có nguồn gốc thực vật.
Hiện nay, các sản phẩm thịt được chế biến từ thực vật của thương hiệu Beyond Meat và Impossible Foods đã được bày bán ở các siêu thị khắp thế giới và có hẳn trong thực đơn tại các nhà hàng thức ăn nhanh trên khắp nước Mỹ.
Mới đây, NR Instant Produce, một công ty xuất khẩu thực phẩm của Thái Lan, cũng đã thực hiện chiến lược biến mít thành “thịt heo”. Công ty này sắp mở rộng thêm các cơ sở ở Mỹ và Trung Quốc. Theo tham vọng của công ty xứ Chùa Vàng, chiến lược của họ được xem như một trong những bước đi tiên phong để làm phong phú thêm sự lựa chọn của người tiêu dùng khi hướng đến sản phẩm thịt từ thực vật.
Theo Công ty nghiên cứu thị trường MarketsandMarkets, Bắc Mỹ và châu Âu hiện là những thị trường hàng đầu tiêu thụ thịt nhân tạo. Thế nhưng, người ta dự đoán rằng các quốc gia ở Thái Bình Dương, Nam Mỹ cũng như châu Á sẽ là những vùng đất màu mỡ ở thì tương lai để thúc đẩy doanh số bán hàng. Theo nhận định từ các chuyên gia kinh tế, vào năm 2025, thị trường “thịt làm từ thực vật” dự kiến sẽ có giá trị 27,9 tỷ USD Mỹ trên toàn cầu.
Thịt nuôi cấy, không cần giết mổ
Hơn thập niên trước, các nhà khoa học đã dự đoán xu hướng dùng “thịt” từ thực vật và tế bào gốc sẽ phát triển trong tương lai. Năm 2009, các nhà khoa học thuộc trường đại học Maastricht (Hà Lan) đã tìm ra cách sản xuất thịt nhân tạo trong phòng thí nghiệm. Họ dự đoán trong vài thập kỷ tới sẽ không có đủ thịt tự nhiên để đáp ứng nhu cầu của người dân, nếu dân số thế giới tiếp tục gia tăng. Giải pháp cho vấn đề này là sử dụng thịt gà, heo, cừu, bò… được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Trước đó, một nhóm nghiên cứu ở New York (Mỹ) cũng đã tạo ra thịt cá nhân tạo bằng phương pháp nuôi cấy tế bào gốc từ mô cơ của cá vàng.
|
Với kết cấu giống như thịt, mít rất lý tưởng cho việc chế biến thành thịt heo giả Ảnh: Shutterstock |
Theo các nhà nghiên cứu, nhu cầu chọn lựa sản phẩm thay thế cho thịt thông thường đang tăng cao do người tiêu dùng ngày càng có những lo ngại về sức khỏe và môi trường đồng thời muốn hạn chế giết mổ động vật. Về cơ bản, loại thịt nhân tạo này được chế tạo từ tế bào gốc của mỡ hoặc cơ của động vật và được đưa vào một môi trường nuôi dưỡng (phòng thí nghiệm) để phát triển.
Cuối năm 2009, các nhà khoa học trường đại học Maastricht cho biết đã nuôi cấy thành công thịt heo nhân tạo. Tuy nhiên, sản phẩm thịt heo do họ tạo ra chưa có vị và màu như thịt heo tự nhiên. Sau đó, họ tiếp tục nghiên cứu, phát triển thịt bò nhân tạo được nuôi cấy từ 10.000 tế bào gốc của bò. Quá trình nuôi cấy trong phòng thí nghiệm này giúp những tế bào gốc phân chia thành hàng tỷ tế bào, để tổng hợp thành các mô cơ giống như thịt bò nạc.
Từ đó đến nay, theo thống kê, có trên 24 công ty đã và đang thử nghiệm cá, tôm thịt bò, thịt heo và thịt gà, vịt nuôi trong phòng thí nghiệm với hy vọng sẽ thâm nhập vào phân khúc thị trường thịt thay thế trong tương lai. Và đầu tháng 12/2020, thế giới đã ghi nhận một bước tiến trong lĩnh vực này khi Singapore bật đèn xanh cho công ty khởi nghiệp Eat Just của Mỹ bán thịt gà nuôi trong phòng thí nghiệm. Đây là quốc gia đầu tiên trên thế giới chấp thuận cho phát minh gọi là thịt sạch, không phải từ động vật giết mổ mà từ phòng thí nghiệm. Đồng thời, đây cũng được xem là thời điểm mang tính bước ngoặt có thể dẫn đến một cuộc cách mạng về thịt “sạch/tốt”, cắt giảm đáng kể chăn nuôi công nghiệp, thậm chí có khả năng loại bỏ hoàn toàn trong tương lai.
|
Với kết cấu giống như thịt, mít rất lý tưởng cho việc chế biến thành thịt heo giả Ảnh: Shutterstock |
Người ta chứng minh được rằng thịt nhân tạo dù chưa thể thay thế 100% những đặc tính của thịt tự nhiên nhưng nó chứa đựng các tính năng ưu việt. Nó thân thiện với môi trường hơn rất nhiều bởi lượng phát thải khí nhà kính thấp hơn 96%, đồng thời những sản phẩm này sử dụng đất thấp hơn 99%. Không những vậy, nó còn tránh được sự nhiễm khuẩn từ chất thải động vật cũng như không vượt quá liều hoóc-môn cho phép hoặc các kháng sinh công nghiệp gây bất lợi cho cơ thể người.
Giờ đây, nhiều công ty khác nhau, bao gồm cả các “ông lớn” trong ngành sản xuất thịt tươi, đang đầu tư để chuyển hướng phát triển thịt trong phòng thí nghiệm. Có một điều thật đáng kinh ngạc là hầu như những thí nghiệm của họ đều đạt được những quy định an toàn rất khắt khe từ cơ quan quản lý an toàn thực phẩm trên toàn cầu. Điều này đang dần thuyết phục công chúng bởi viễn cảnh một ngày rất gần sẽ không còn bất kỳ nhà máy chăn nuôi hoặc lò mổ nào nữa.
Nói về việc cấp phép thương mại thịt nhân tạo, đại diện Eat Just, Giám đốc điều hành Josh Tetrick, cho biết: Sản phẩm gà mới sẽ được bán theo từng viên và giá trước đó được chốt là 50 USD/viên. Tuy nhiên, do chi phí đã giảm xuống nên loại thịt này sẽ được định giá ngang với thịt gà cao cấp trong sáu tháng đầu tiên bán ra. Ngoài ra, Josh Tetrick cho biết thêm, chi phí này sẽ giảm theo thời gian khi công ty xây dựng quy mô toàn cầu. “Cuối cùng, điều chúng tôi muốn là loại thịt gà từ tế bào gốc sẽ phổ biến hơn với người tiêu dùng trên toàn thế giới”.
Theo đánh giá của MarketsandMarkets, quy mô thị trường thịt nuôi cấy ước tính trị giá 214 triệu USD vào năm 2025 và dự kiến đạt 593 triệu USD vào năm 2032. Đến năm 2040, dự báo thịt nuôi cấy sẽ chiếm lĩnh 35% thị trường thịt trên toàn cầu. Chính những dự đoán này đã khiến cho các nhà đầu tư đang rất lạc quan về thị trường thịt nhân tạo trong tương lai. |