Trước đây, cô và hai con gái không còn lựa chọn nào khác ngoài đi bộ ra cánh đồng để "đáp lại tiếng gọi tự nhiên". Không chỉ vậy, họ phải đi vào ban đêm để được riêng tư.
Gia đình Sharmilla là một trong hàng triệu gia đình của nền kinh tế lớn thứ ba châu Á hưởng lợi từ Sứ mệnh Làm sạch Ấn Độ (Clean India hay Swachh Bharat) đầy tham vọng của Thủ tướng Narendra Modi. Chiến dịch được phát động vào tháng 10/2014 và hướng đến ngày 02/10 năm nay - kỷ niệm 150 năm ngày sinh của Mahatma Gandhi, nhân vật nhiệt huyết với việc nâng cao chất lượng vệ sinh.
|
Cuộc sống của phụ nữ làng Gadoj được cải thiện nhờ sự xuất hiện nhà vệ sinh trong nhà, nằm trong chiến dịch 14 tỷ USD của Thủ tưởng Modi. |
111 triệu nhà vệ sinh đang được xây dựng, chủ yếu ở nông thôn Ấn Độ, với chi phí hơn 1 nghìn tỷ rupee (hơn 14 tỷ USD). Đây là chiến dịch xây nhà vệ sinh lớn nhất thế giới và dự kiến sẽ cải thiện đáng kể sức khỏe và kinh tế quốc gia, kinh phí nhờ vào tài trợ và khoản vay 1,5 tỷ USD từ Ngân hàng Thế giới.
Theo tuyên bố chính thức ngày 09/01/2019, hơn 90 triệu nhà vệ sinh đã mọc lên trên khắp nông thôn Ấn Độ nhờ chiến dịch này, đưa tỉ lệ bảo vệ vệ sinh nông thôn quốc gia tăng từ 39% bốn năm trước lên hơn 98%.
Parameswaran Iyer, người đứng đầu Sứ mệnh Làm sạch Ấn Độ, nói với Nikkei Asian Review hồi tháng 12: “Sự thật là đã có tiến bộ vượt bậc. Chúng tôi rất may mắn khi được ngài thủ tướng không ngừng hỗ trợ và khuyến khích”.
|
Thủ tướng Narendra Modi thu hút sự chú ý khi phát động Sứ mệnh Làm sạch Ấn Độ ngày 02/10/2014. |
Thủ tướng Modi, hiện chuẩn bị tranh cử nhiệm kỳ thứ hai vào tháng Năm tới, được mong đợi sẽ đem lại thay đổi tích cực cho đất nước. Ngày Nhà Vệ sinh Thế giới 19/11/2018, ông tự hào chia sẻ trên Twitter về số lượng nhà vệ sinh tăng đáng kể trong bốn năm qua. Tuy nhiên, cuộc bầu cử quốc gia đối với ông Modi là không hề dễ dàng khi Đảng Bharatiya Janata của ông đang chịu thất bại nặng nề trong các cuộc thăm dò khu vực gần đây.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới, Sứ mệnh Làm sạch Ấn Độ dự kiến sẽ ngăn chặn hơn 300.000 ca tử vong do tiêu chảy và suy dinh dưỡng năng lượng protein từ năm 2014 đến tháng 10/2019 ở vùng nông thôn nước này. Trước đó, tình trạng mất vệ sinh gây ra khoảng 199 triệu ca tiêu chảy hàng năm.
Việc cải thiện sức khỏe cho người dân ở vùng nông thôn Ấn Độ cũng giúp họ tiết kiệm tiền khi họ không còn phải nghỉ làm nhiều ngày do bệnh tật và chi tiền mua thuốc.
|
Phụ nữ ở làng Gadoj, nơi 90% hộ gia đình hiện có nhà vệ sinh khép kín. |
Anh Ishwar Singh, chồng của chị Sharmila, mất hai tháng để làm quen với việc đi vệ sinh trong nhà, và thực tế điều này khiến anh thoải mái hơn. Tuy nhiên vẫn còn một bộ phận đàn ông, chủ yếu tuổi trung niên trở lên, thích những cánh đồng rộng mở vì xét đến quan điểm văn hóa lâu đời.
Sứ mệnh Làm sạch Ấn Độ là chương trình thay đổi hành vi lớn nhất trên thế giới. Thói quen vệ sinh ngoài không gian mở tồn tại cho đến ngày nay phần vì nhiều gia đình gia trưởng phản đối xây nhà vệ sinh khép kín. Suốt hàng thế kỷ, nhà vệ sinh không được phép nằm cạnh phòng cầu nguyện hoặc nhà bếp, và vệ sinh ngoài trời được xem là sạch, bất chấp lây lan bệnh tật.
Để giúp thay đổi thái độ đó, các diễn viên hàng đầu của Bollywood như Amitabh Bachchan và Akshay Kumar được chọn làm đại sứ thương hiệu của chiến dịch. Kumar đóng vai người chồng trong bộ phim Bollywood nổi tiếng năm 2017 "Chuyện tình nhà vệ sinh" trong khi Bhumi Pednekar thủ vai người vợ, từ chối chung sống với chồng trừ khi anh này xây nhà vệ sinh khép kín. Bộ phim thu về hơn 3 tỷ rupee tại phòng vé, là cú hích lớn cho chiến dịch.
Iyer cho biết: “Chiến dịch không chỉ đẩy mạnh bảo vệ và trân trọng phụ nữ mà còn tạo ra việc làm cho họ. Tại bang Jharkhand, khoảng 30.000 đến 40.000 phụ nữ trở thành thợ xây và tự tay xây nhà vệ sinh”.
|
Nam diễn viên Bhumi Pednekar (ngoài cùng bên trái) và Akshay Kumar (ngoài cùng bên phải) xuất hiện tại sự kiện quảng bá cho bộ phim "Chuyện tình nhà vệ sinh" - bom tấn Bollywood nhằm thúc đẩy Sứ mệnh Làm sạch Ấn Độ. |
Gia đình Sharmila nhận được 12.000 rupee từ chính phủ để xây nhà vệ sinh, nhưng chi phí thực tế gấp ba lần. Dẫu vậy, khoản trợ cấp giúp tỉ lệ hộ gia đình trong làng có nhà vệ sinh hiện lên đến 90%.
Sharmila không gặp nhiều khó khăn trong quá trình xây nhà vệ sinh, nhưng không phải ai ở Gadoj cũng may mắn như vậy. Hitesh Kumar, trợ lý hội đồng làng, cho biết chỉ có khoảng 150 hộ gia đình đã nhận 12.000 rupee, được chuyển trực tiếp vào tài khoản ngân hàng của họ.
Cùng lúc đó, một nhóm dân làng tuyệt vọng tập trung tại văn phòng của Kumar và liên tục yêu cầu được biết về thời gian nhận trợ cấp. Để được hỗ trợ, người thụ hưởng đủ điều kiện phải xây nhà vệ sinh trước, quy trình gồm chụp ảnh ở mọi giai đoạn quan trọng trong quá trình thi công cũng như hoàn thành giấy tờ. Kumar nói: "Nhiều người dân không biết chữ và không tuân thủ đúng quy trình để nhận trợ cấp”.
|
Ông Digdev Singh (phải ảnh) muốn chính phủ hỗ trợ tiền trước khi tiến hành xây nhà vệ sinh. |
Digdev Singh, 66 tuổi, cho rằng chính phủ nên đưa tiền trước khi họ xây nhà vệ sinh. Pawan, con trai 34 tuổi của Singh, dạy học tại một trường tư thục với thu nhập hàng tháng 4.500 rupee trong khi lương hưu của Singh là 500 rupee. Chi phí cho một nhà vệ sinh thông thường khoảng 15.000 đến 20.000 rupee, tức hơn ba tháng lương của thầy giáo nghèo.
Pawan than thở rằng những người quá nghèo, không đủ tiền xây nhà vệ sinh lại không được trợ cấp: "Chính phủ nên cho chúng tôi tiền để đào hố ngầm và lắp bồn cầu. Chúng tôi sẽ che nó bằng bóng thiếc hoặc rèm cửa tạm thời. Tôi sắp sửa bán trâu lấy 50.000 rupee để xây nhà vệ sinh”.
Ngọc Anh (theo Nikkei Asian Review)