Cuộc biểu tình lịch sử của nữ hộ sinh Anh

17/10/2014 - 17:20

PNO - PNO – Vừa qua, hàng ngàn nữ hộ sinh làm việc trong các bệnh viện tại Anh đã xuống đường biểu tình, phản đối chính sách không tăng 1% lương của chính phủ. Đây là cuộc biểu tình sau 133 năm trong lịch sử ngành y tế Anh.

edf40wrjww2tblPage:Content

Cuoc bieu tinh lich su cua nu ho sinh Anh

Nữ hộ sinh Natalie Carter - Ảnh: Telegraph

Cathy Warwick, làm việc cho bệnh viện Royal College of Midwives nói với phóng viên truyền hình: “Nhân viên làm việc không nghỉ, về trễ, làm thêm giờ không tiền lương vì họ muốn giúp cho mọi phụ nữ sinh nở nhận được những sự chăm sóc tốt nhất. Sau nhiều năm cống hiến, chịu nhiều áp lực và làm việc quá sức, chúng tôi lại phải đối mặt với sự tăng vọt trong chi phí cuộc sống, mà đồng lương lại đứng yên - điều này đã quá sức chịu đựng”.

Bryony Gordon, phóng viên tờ Telegraph, nhớ lại thời gian cô đi bệnh viện sinh con. Nữ hộ sinh Sylvia đã túc trực bên giường cho đến khi em bé chào đời, dù thời gian chính thức của ca trực đã kết thúc từ lâu. Sylvia chỉ mỉm cười mệt mỏi từ biệt Bryony sau khi Gordon “mẹ tròn con vuông” sau ca sinh khó. Những nữ hộ sinh như Sylvia chỉ nhận được mức lương trung bình 32.000 bảng/năm, so với 78.064 bảng là mức lương của các vị quản lý bệnh viện, trong khi họ phải đảm nhiệm những công việc rất khó khăn cả tay chân và đầu óc như chăm sóc và nâng đỡ tinh thần cho các bà đẻ, đôi khi cho cả chồng của sản phụ, họ theo dõi diễn biến của em bé từ khi còn trong bụng mẹ cho đến khi chào đời, và cảnh báo cho bác sĩ trong các trường hợp khẩn cấp.

Hòa trong dòng người biểu tình là Natalie Carter, 34 tuổi, người đã làm nữ hộ sinh trong 6 năm qua và từng đoạt giải Nữ hộ sinh của năm (năm 2011). Cô nói: “Dù đi biểu tình, tôi vẫn mang theo điện thoại, nhỡ có sản phụ nào cần tôi khẩn cấp thì tôi sẽ trở lại bệnh viện ngay”.

Natalie làm việc cho một bệnh viện ở London, nơi cuộc sống rất đắt đỏ, thế nhưng tiền lương của cô vẫn dậm chân tại chỗ suốt sáu năm nay. Cô nói, cô còn may mắn hơn so với những đồng nghiệp có gia đình và con cái, vì với đồng lương như thế, họ rất chật vật để cho con vào đại học.

Natalie cũng nhấn mạnh tỉ lệ sinh sản tăng đến chóng mặt trong những năm gần đây, và số nhân viên hộ sinh không đáp ứng kịp, dẫn đến họ phải làm việc quá tải. Lúc trước, họ còn có thể nghỉ bù sau khi làm việc quá giờ, hiện nay, việc này là không tưởng. Những hiện tượng xã hội như béo phì và sinh con ở phụ nữ lớn tuổi ngày càng tăng, dẫn đến các trường hợp sinh khó cũng tăng theo tỉ lệ thuận, vậy là các nữ hộ sinh cũng phải ghé vai gánh vác.

Một ca trực của nữ hộ sinh kéo dài 12 tiếng không có giờ nghỉ. Họ luôn ở trong tình trạng báo động dù vào lúc nửa đêm. Khi sản phụ cần họ, họ luôn có mặt dù đã hết giờ làm. Natalie và các đồng nghiệp không quản ngại điều đó, tuy nhiên, khi chính phủ từ chối tăng lương ở mức tượng trưng là 1%, họ cảm thấy công sức của họ bị xem thường. Natalie cho rằng chính phủ không tôn trọng phụ nữ, là những sản phụ sản sinh ra em bé, là những người như cô đang làm công việc chăm sóc sức khỏe cho họ. Những người như Natalie luôn mong muốn họ có thể hoàn thành công việc hoàn hảo hơn nữa, nhưng sức lực và thể chất không cho phép họ gánh vác thêm nhiều công việc ngoài những áp lực họ đang gánh hiện nay.

Về phần chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y Tế Anh Jeremy Hunt đã xuất hiện trên TV từ sáng sớm, bảo vệ hành động của chính phủ cho rằng hiện ngân sách không kham nổi vì nếu tăng lương đồng loạt như thế, khả năng là họ phải sa thải 14.000 y tá trong vòng hai năm tới; và ông không muốn điều này xảy ra khi tình trạng thiếu hụt nhân viên y tế đã dẫn đến nhiều scandal tồi tệ cho nền y tế Anh trong những năm qua. Bản thân ông cũng sẽ không nhận 9% tiền tăng lương cho các nghị sĩ theo dự thảo của chính phủ, một dự thảo mà ông cho là sai trái.

Cuộc biểu tình của các nữ hộ sinh nhận được rất nhiều sự thông cảm của dư luận. Khác với những cuộc biểu của các ngành khác như giao thông, hàng không, khi mà các cuộc biểu tình khiến việc đi lại của hành khách tê liệt, các nữ hộ sinh cho biết cuộc biểu tình của họ chỉ làm khó các quan chức ngành y tế, các bà đẻ cứ yên tâm đến bệnh viện, họ sẽ không nhận thấy sự khác biệt nào trong cung cách phục vụ trong thời gian cuộc biểu tình diễn ra. Có nghĩa là, dù đi biểu tình, các nữ hộ sinh vẫn làm việc cật lực để bảo đảm chức năng của mình.

Với Natalie, vẫn còn độc thân do giờ làm việc trái với mọi người, vẫn chưa mua được nhà do đồng lương eo hẹp, nhưng cô vẫn yêu công việc của mình. Cô không mong muốn gì hơn ngoài việc chính phủ hãy thấu hiểu những khó khăn hàng ngày họ gặp phải, trân trọng những cố gắng họ đã bỏ ra để dịch vụ sinh sản của nước Anh luôn tốt đẹp.

PHAN QUỲNH DAO
(Theo Telegraph)
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI