Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 bước vào giai đoạn cuối

04/11/2024 - 08:24

PNO - Gần 70 triệu người Mỹ đã bỏ phiếu sớm trước ngày bầu cử Tổng thống Mỹ, 5/11. Giữa những bất ổn địa chính trị khắp thế giới, cuộc bầu cử là yếu tố quan trọng quyết định tương lai thế giới trong 4 năm tới.

Cuộc đua gay cấn

Khi ông Donald Trump và bà Kamala Harris cùng những người đại diện hàng đầu của họ đi khắp đất nước trong chiến dịch vận động tranh cử dữ dội vào phút chót, cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn diễn ra trong thế giằng co. Hiện hàng chục triệu người Mỹ đã bỏ phiếu sớm thông qua các quy trình khác nhau. Cả hai đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ đều cố gắng thu thập thông tin cho thấy họ có thể đang chiếm ưu thế khi ngày bỏ phiếu chính thức đến gần.

Tiểu bang khổng lồ Pennsylvania được coi là khu vực quan trọng nhất trong cuộc bầu cử. Hầu như tất cả các con đường khả thi nhất dẫn đến chiến thắng cho cả hai ứng cử viên đều liên quan đến việc giành được tiểu bang Pennsylvania với 19 phiếu đại cử tri. Tại đây, những cử tri trên 65 tuổi đã bỏ gần một nửa số phiếu bầu sớm, trong đó Đảng Dân chủ chiếm khoảng 58% và Đảng Cộng hòa chiếm 35%.

Sự chia rẽ về quan điểm chính trị của các cử tri khiến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 trở nên khó dự đoán  - Nguồn ảnh: AFP
Sự chia rẽ về quan điểm chính trị của các cử tri khiến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 trở nên khó dự đoán - Nguồn ảnh: AFP

Ở phía ngược lại, Đảng Cộng hòa cũng có những dấu hiệu hy vọng trong xu hướng bỏ phiếu sớm. Tại bang Arizona - một tiểu bang dao động quan trọng - cử tri nam đi bỏ phiếu với số lượng ngày càng tăng.

Trong tuần cuối tháng Mười, số cử tri mới ở Arizona là 86.000 - con số nhiều hơn hẳn so với biên độ nhỏ mà ông Joe Biden từng đánh bại người tiền nhiệm Donald Trump tại tiểu bang này vào năm 2020. Phần lớn những cử tri mới này là nam giới theo Đảng Cộng hòa. Nhìn chung, Đảng Cộng hòa thường bị áp đảo về số lượng trong giai đoạn bỏ phiếu sớm.

Kết quả bầu cử tác động lớn đến Châu Á

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào thời điểm toàn cầu đầy biến động, với xung đột ở Trung Đông, chiến sự ở Ukraine và sự ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương giảm sút. Tương lai của các vấn đề địa chính trị này có thể bị ảnh hưởng do việc ai sẽ làm Tổng thống Mỹ tiếp theo.

Emma Shortis - nhà nghiên cứu cấp cao về các vấn đề quốc tế và an ninh tại viện nghiên cứu chính sách công The Australia Institute (Úc) - cho biết: “Thế giới thực sự xoay quanh những gì xảy ra ở Mỹ. Đây là nền kinh tế quan trọng nhất, thế lực quân sự lớn nhất thế giới”.

Châu Á dường như đang xem Phó tổng thống Kamala Harris là lựa chọn tốt hơn cho cuộc bầu cử ngày 5/11. Nhiệm kỳ thứ hai của cựu Tổng thống Donald Trump có thể đi kèm với mức tăng thuế quan lớn và một cuộc chiến thương mại khác, tác động đến các mạng lưới sản xuất tập trung vào Trung Quốc trên khắp châu Á.

Mong muốn của ông về đồng USD yếu hơn có thể làm suy yếu xuất khẩu của Đông Nam Á; đồng thời áp lực buộc các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương phải chọn phe trong cuộc cạnh tranh Trung Quốc - Mỹ có thể leo thang nhanh chóng.

Trong khi đó, bà Harris được dự đoán sẽ đi theo con đường do Tổng thống Joe Biden đề ra. Bà có thể sẽ nhắm mục tiêu vào một số ngành công nghiệp được chọn lọc, quan trọng đối với an ninh kinh tế của Mỹ. Cách tiếp cận đa phương của bà sẽ ít gây khó chịu hơn so với những nước đi táo bạo của ông Trump. Đông Nam Á đã và đang nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế để giảm sự phụ thuộc chung vào bất kỳ thị trường đơn lẻ nào, bao gồm cả Mỹ.

Ngoài ra, với việc các công ty đa quốc gia tìm cách giảm thiểu rủi ro liên quan đến căng thẳng thương mại bằng cách di dời hoạt động và đa dạng hóa chuỗi cung ứng, khu vực Đông Nam Á đang ở vị thế thuận lợi để hoạt động như một trung gian chiến lược.

Thứ trưởng Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia Liew Chin Tong đánh giá: sự khác biệt giữa bà Harris và ông Trump “không phải về phương hướng mà là cường độ” của các chính sách. Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan cho biết sau cuộc họp Đại hội đồng Liên hiệp quốc tại Mỹ vào tháng Chín: “Chúng tôi sẽ chấp nhận kết quả từ các cuộc bầu cử và sẽ hợp tác với bất kỳ ai chiến thắng”.

Tấn Vĩ (theo The Guardian, Washington Post, Al Jazeera, SBS, The Straits Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI