Tuổi 18+: Quản con hay để con tự quản?

Cũng vì quá thương, quá lo

24/08/2022 - 12:14

PNO - Không ít phụ huynh kiểm soát tất cả các mối quan hệ của con, đọc lén nhật ký, xem lén điện thoại... của con. Tất cả những điều này được cha mẹ nhân danh bằng mỹ từ: yêu con, quan tâm con.

Câu chuyện ca sĩ Thiện Nhân và gia đình tố nhau trên mạng xã hội khiến nhiều người giật mình nhìn lại mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Một lần nữa, vụ việc này đã làm dấy lên tranh cãi gay gắt: Con lớn rồi, để con tự quản hay vẫn phải quản con?

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

Bà mẹ "máy bay trực thăng" 

Bà Phan Thu T. là bà mẹ “máy bay trực thăng” điển hình, lúc nào cũng giám sát con chặt chẽ. Từ bé đến lớn, con ăn gì, học gì, đi đâu đều phải do sự sắp đặt của mẹ, phải luôn ở trong tầm mắt của bà.

Khi Quân (sinh năm 1988), Bảo (sinh năm 1992) học cấp III, Trường THPT Hùng Vương ở gần nhà, hai con xin đi bộ, hoặc tự đi xe đạp, bà cương quyết không. Bà chỉ an tâm khi chính mình đưa con đi học và nhìn con vào trường. Khi Quân vào đại học, ngày ngày, bà đưa đón con đi học, dù Quân cao 1,85m, nặng 90kg, to cao gấp đôi mẹ. Khi Quân ra trường, bà xếp đặt cho con vào làm chung cơ quan với chồng tại một ngân hàng và đi chung xe với ông. 

Bà tiếp tục sự nghiệp đưa đón con trai út học Trường đại học Khoa học tự nhiên (Bảo ước mơ trở thành thầy giáo, nhưng bà T. sợ nghề giáo nói nhiều hại phổi, nên bắt con thi vào công nghệ thông tin). Bảo tốt nghiệp đại học, bà cũng thu xếp cho con vào làm chung cơ quan ba. Vì muốn thoát khỏi sự giám sát, kìm kẹp của mẹ, Bảo học lên cao học, học thêm tiếng Nhật. Ngày Bảo lấy bằng thạc sĩ, vợ chồng bà lại “dọn ổ” cho con vào làm ở một cơ quan nhà nước. 

Thế nhưng Bảo vẫn kiên quyết đi Nhật theo chương trình “vừa học vừa làm”. Bà T. giãy nảy: “Không được, con sang đó một mình, không có mẹ ai lo cho con?”. Bảo trấn an mẹ rằng con đã lớn, tự biết lo cho bản thân. Bà T. vẫn phản đối: “Nhà mình có thiếu thốn gì đâu, con đi xa, mẹ sống sao?”. Tuy nhiên, trước sự quyết tâm của Bảo, vợ chồng bà T. phải đồng ý. Sau khi Bảo đi du học, bà T. nằm vùi, chỉ gượng dậy khi gọi điện cho con trai: “Con ăn cơm chưa? Con uống nước chưa?”.  

Không quản được con trai ở xa, bà T. càng siết con trai lớn. Bà bắt Quân đi “xem mắt” gần mười đám để tìm người yêu. Mối nào Quân cũng từ chối, vì thật ra cậu cũng có khao khát được đi du học. 

Từ bé, Quân đã quen với sự bảo bọc và giám sát của mẹ. Quân bệnh, mẹ đưa đi bệnh viện, về mẹ lấy cho từng viên thuốc uống. Đi làm, Quân than vãn “người này chèn ép, người kia ganh tị. Với tính không kiên nhẫn, quen dựa dẫm mẹ nên vừa gặp khó Quân đã nản, nên chẳng nơi nào anh làm lâu dài. 34 tuổi, Quân vẫn như hình với bóng với mẹ, vẫn lông bông, chưa ổn định công việc. Trong khi, cậu em trai đĩnh đạc, thành công ở xứ người. Học xong, Bảo được một công ty khá lớn của Nhật nhận vào, cuộc sống ổn định, đã lập gia đình và có con trai ba tuổi.

Ảnh mang tính minh họa
Ảnh mang tính minh họa

 

Bao nhiêu tuổi vẫn là đứa con bé bỏng 

Chị Nguyễn Thị H.N. (sinh năm 1987) ở P.An Lạc, Q.Bình Tân (TP.HCM) là sản phẩm của trường phái giáo dục “cha mẹ là quản lý”.

Từ khi học cấp II - III, N. luôn bị ba mẹ đe nẹt mỗi ngày: “Không được yêu, cấm yêu”. Vì vậy, dù thích một bạn học cùng lớp nhưng N. cũng không dám nhận lời tỏ tình. Khi tốt nghiệp đại học, N. đi dạy học mới được ba mẹ bật đèn xanh “có tìm hiểu ai thì đưa về nhà”.Nhưng, khi vừa kể về mối tình đầu là anh bạn thời cấp III (học trung cấp nghề in) thì ba mẹ chị N. gạt ngang vì “nghề in bấp bênh lắm”.

Vậy là cuộc tình chưa kịp lớn đã bị bức tử. Mấy năm sau, bà Th. - mẹ chị N. - mới tìm được người ưng ý là một thầy giáo và chị N. đã lên xe hoa theo sự sắp đặt của gia đình. 

Cưới xong, tình cảm vợ chồng bắt đầu nảy nở, thì bỗng dưng mẹ chị N. phát hiện anh B. - chồng chị - có tình sử “bắt cá” hai tay trong quá khứ. Bà Th. nghĩ con gái mình bị sập bẫy “Sở Khanh”, có thể bị bỏ rơi bất cứ lúc nào. Do vậy, một mặt đề phòng con rể, một mặt bà lấy tài sản để “cột”. Bà mua một căn nhà cho vợ chồng N. ở, thêm một mảnh đất vườn ở Củ Chi. Nhưng người đứng tên tài sản đó là vợ chồng bà. Bà Th. muốn cho con rể thấy: “Nếu bỏ vợ là anh ra đi tay trắng”.  

Khi vợ chồng con gái đang êm ấm, thì bà Th. luôn bơm vào đầu chị N. “phải đề phòng chồng, mắt nó rất gian”. Chị N. cũng trở nên đa nghi, suốt ngày theo điều tra chồng “đi đâu, gặp ai, làm gì?”. Tự dưng vô cớ bị vợ giám sát, anh B. đổ quạu nên vợ chồng hay gây gổ. 

Thậm chí, những lúc vợ chồng vui vẻ, êm ấm thì bà Th. vẫn cảnh báo: “Chắc nó có âm mưu gì đó nên mới ngọt với con. Con tin chồng là có ngày hối hận”. Bà Th. cũng điều tra con gái: “Nó có xúi con kêu ba mẹ sang tên nhà, đất cho vợ chồng con không? Chắc nó đang ngoại tình, thấy có lỗi nên về nhà ngọt ngào với vợ…”.  

Gần bốn năm chung sống, dù không có mâu thuẫn gì lớn, nhưng vợ chồng chị N. hục hặc miết. Chị N. hiểu rõ bản thân bị tác động quá nhiều bởi mẹ, nhưng chị không sao thoát ra được. Có những lần chị N. lên tiếng “chắc hiểu lầm, ảnh không phải như mẹ nói đâu...”, thì bà Th. giãy nảy: “Nó cho con ăn bùa mê thuốc lú rồi hả? Không tỉnh táo là có ngày bị chồng phản bội cho trắng mắt nghen”. Còn anh chồng thì trách chị sao cứ để mẹ can thiệp quá sâu vào cuộc sống, khiến anh mệt mỏi.

Bốn năm nay, chị N. cứ bị kẹt ở giữa chồng và mẹ ruột. Ít nhất, cũng chục lần vợ chồng chị N. định ly hôn. Cuộc hôn nhân của vợ chồng chị N. như quả bom nổ chậm với sự quản lý và can thiệp quá sâu của người mẹ. 

Ai cũng có thể từng chứng kiến những bi kịch tương tự giữa cha mẹ - con cái trong cuộc tranh giành… cái đúng. Cha mẹ yêu thương, quan tâm con cái là điều dễ hiểu, nhưng tình yêu thương này dễ biến tướng thành cai quản và can thiệp sâu vào cuộc sống của con. 

Ảnh mang tính minh họa - PressFoto
Ảnh mang tính minh họa - PressFoto

 

Có một nghịch lý, cha mẹ nào cũng mong con cái trưởng thành, tự lập. Thế nhưng, cách thể hiện lại đi ngược với mong muốn này. Con bắt đầu yêu thì điều tra lý lịch đối phương vì sợ con chọn lầm người. Con khởi nghiệp thì dò xét, giám sát từng chút, hoặc tìm đối tác giúp để con đỡ nhọc và không bị thua lỗ, thất bại. Hay đơn giản, con muốn tự chạy xe, dùng phương tiện công cộng đến trường, vì sợ tai nạn, sợ gặp kẻ xấu... 

Vì vậy, không ít phụ huynh đã kiểm soát tất cả các mối quan hệ của con, thậm chí xâm phạm cả quyền cá nhân: đọc lén nhật ký, xem lén điện thoại... của con. Tất cả những điều này được cha mẹ nhân danh bằng mỹ từ: yêu con, quan tâm con. Trong khi ngày nay, tuổi trẻ được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa, văn minh chỉ bằng vài cú click chuột, quẹt tay. Vì vậy, dễ nảy sinh tình trạng cực đoan là con cái chống đối và phớt lờ những “ông bố bà mẹ trực thăng”.

Đó là sự phản kháng dễ hiểu (dù không dễ chấp nhận), dẫn đến cha mẹ và con cái không thể đối thoại được nữa - đó là một thất bại và là tình trạng xấu nhất có thể với mọi mối quan hệ. 

Thùy Dương

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI