Cùng trẻ chơi trò chơi tưởng tượng

12/05/2016 - 09:41

PNO - Vận dụng một cách đúng mức, trò chơi tưởng tượng sẽ là công cụ hữu hiệu để bố mẹ dạy trẻ những yếu tố quan trọng trong các quan hệ xã hội.

Các trò chơi tưởng tượng gắn liền với tuổi thơ, từ đóng giả thành các nhân vật hoạt hình, nghề nghiệp của bố mẹ, đến sáng tạo cả một câu chuyện hư cấu với những người bạn tưởng tượng. Các dạng trò chơi trong tâm trí này không chỉ đơn giản là giải trí, mà còn góp phần quan trọng cho sự phát triển của trẻ nhỏ. Các lợi ích bao gồm nâng cao khả năng sáng tạo của trẻ, thiết lập kỹ năng đồng cảm với người khác và kỹ năng giao tiếp xã hội. Quan sát các hoạt động chơi tưởng tượng của trẻ có thể giúp bố mẹ hiểu hơn tâm tính của bé.

Một trong những trò chơi tưởng tượng thường thấy của trẻ là hội thoại với các nhân vật không có thật. Trong trò chơi này, trẻ vừa thể hiện chính bản thân mình, vừa đóng vai người bạn tưởng tượng để tương tác. Trò chơi cho trẻ cơ hội khám phá thế giới bằng các góc nhìn khác nhau. Nếu người bạn tưởng tượng là một cô công chúa, trẻ sẽ nghĩ ra cách xử sự lịch thiệp của người bạn đó, cùng lúc học cách cư xử cho chính mình.

Cung tre choi tro choi tuong tuong
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Khi trẻ đóng giả làm một bà mẹ chăm em bé, trẻ phải nghĩ ra xem em bé sẽ khóc như thế nào để học được cách chăm sóc người khác. Nếu trẻ chơi trò nói chuyện với các con vật, như chú chó của gia đình, trẻ lại nghĩ xem làm sao con chó có thể “nói chuyện” với mình mà không sử dụng ngôn ngữ như người. Đóng giả làm một siêu anh hùng, trẻ sẽ tìm được cảm giác mạnh mẽ, giúp đỡ người khác thay vì là người nhận sự giúp đỡ. Thông qua các người bạn tưởng tượng, trẻ học được nhiều sắc thái của những mối quan hệ.

Trường hợp trẻ chơi trò tưởng tượng với bạn bè, trẻ phải tập trung chú ý vào nhiều chi tiết để cùng nhau phối hợp duy trì thế giới tưởng tượng. Chúng phải liên tục xem xét hành vi của chính mình để diễn tả rõ ràng hình ảnh mà chúng đang tạo ra trong tâm trí khi tìm cách hiểu được bạn bè đang mô tả hình ảnh gì. Trẻ sẽ tham gia vào một cuộc tương tác tinh vi bao gồm hội thoại, thương thuyết, thỏa hiệp, hợp tác... - những yếu tố tồn tại trong các tương tác xã hội thực sự. Nhìn vào các trò chơi tưởng tượng, ta có thể thấy cách trẻ suy nghĩ, cảm nhận thế giới xung quanh.

Chẳng hạn, xem cách trẻ vào vai trong trò chơi đóng giả thành một gia đình, gồm bố, mẹ, con cái, bạn sẽ thấy được cảm nhận của trẻ về chính bố mẹ và các thành viên trong nhà. Đôi khi chúng ẩn chứa các thông điệp và ý muốn của trẻ. Bố mẹ nhìn vào các mối quan hệ trong thế giới tưởng tượng của bé để biết trẻ muốn được người khác đối xử với mình như thế nào.

Tuy nhiên, trò chơi tưởng tượng chỉ là một trong những yếu tố giúp trẻ phát triển tâm lý. Sự hiện diện của các trò chơi tưởng tượng trong cuộc sống của trẻ không đủ để tạo ra các tác dụng tích cực. Các bậc phụ huynh nên chủ động vận dụng trò chơi tưởng tượng thành công cụ để dạy trẻ khả năng đồng cảm, đàm phán và hợp tác.

Bố mẹ cần tỏ thái độ chấp nhận và khuyến khích thế giới tưởng tượng của bé. Không phải lúc nào trẻ cũng có khái niệm đúng về những gì chúng tưởng tượng. Bố mẹ nên giúp trẻ điều chỉnh những suy nghĩ sai về vai trò, tính chất, cách hoạt động của các nhân vật, mối quan hệ tưởng tượng, trong khi vẫn không can thiệp sâu vào sự sáng tạo của bé. Bố mẹ có thể tham gia vào thế giới tưởng tượng của con. Đóng vai một nhân vật tưởng tượng trong thế giới của trẻ, bằng các phản ứng, trả lời và đàm thoại với trẻ, bố mẹ sẽ để lại các ảnh hưởng tích cực.

Ngoài ra, bố mẹ cũng có thể đứng ra tổ chức các trò chơi tưởng tượng, gợi ý cho trẻ những chủ đề, đưa ra “chất liệu” cho thế giới tưởng tượng thông qua các câu chuyện, thậm chí giúp trẻ vẽ, viết lại hình ảnh trong tâm trí bé. Vận dụng một cách đúng mức, trò chơi tưởng tượng sẽ là công cụ hữu hiệu để bố mẹ dạy trẻ những yếu tố quan trọng trong các quan hệ xã hội.

Thành Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI