Cùng trải nghiệm 'thử thách dọn rác'

26/03/2019 - 06:00

PNO - Theo thông tin từ Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM, trung bình mỗi ngày, công nhân vớt được khoảng 10 tấn rác thải trên tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Lượng rác này tăng bình quân 10 - 15%/năm.

Trong hai buổi sáng 23 và 24/3, hơn 130 bạn trẻ là tình nguyện viên của chiến dịch Giờ trái đất năm 2019 đã tham gia chương trình “Thử thách dọn rác” tại kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và chợ đầu mối nông sản Thủ Đức. 

Cung trai nghiem 'thu thach don rac'
Các tình nguyện viên chiến dịch Giờ trái đất năm 2019 cùng vớt rác trên kênh

Rác gì cũng vứt bừa xuống kênh

Sáng 23/3, trước Nhà thi đấu thể dục thể thao Rạch Miễu (Q.Phú Nhuận), gần 30 tình nguyện viên của chiến dịch Giờ trái đất năm 2019 đã cùng các công nhân vệ sinh đi thuyền dọc tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè để thực hiện thử thách đặc biệt: dọn rác trên hệ thống tuyến kênh này.

Mỗi năm, lượng rác thải trên cả nước tăng 12%

Theo ông Nguyễn Văn Hòa - Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Môi trường đô thị và khu công nghiệp Việt Nam - lượng chất thải trên cả nước phát sinh khoảng 12,8 triệu tấn/năm, tốc độ gia tăng trung bình khoảng 12%/năm. Trong khi đó, lượng rác thải thu gom được chỉ khoảng 85,5% (khu vực đô thị) và 45,5% (khu vực nông thôn). Hiện còn một lượng lớn doanh nghiệp sản xuất ngoài khu chế xuất, khu công nghiệp, cụm công nghiệp không ký hợp đồng với các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, khiến lượng rác thải “trôi nổi” ngày càng nhiều.

T.Long

Trang bị đầy đủ áo quần bảo hộ, tình nguyện viên Nguyễn Thanh Trà hăm hở xuống thuyền. Vừa cầm cây sào vớt rác, Trà suýt chúi ngã xuống lòng thuyền. Theo sự chỉ dẫn của các công nhân vệ sinh, ngay sau đó, cô đã trụ vững hai chân và bắt đầu vớt đủ thứ rác gồm lục bình, túi ni-lông, ly nhựa, lá hoa, cỏ dại, giấy các-tông, vỏ thùng xốp, quần áo, giày dép...

Trà thốt lên kinh ngạc: “Ôi, sao cái gì người ta cũng vứt xuống kênh”. Chỉ hơn nửa giờ, thùng chứa rác trên thuyền đã đầy ắp. Trên khắp tuyến kênh, những thuyền khác cũng trong tình trạng tương tự, phải thay thùng chứa mới. 

Theo thông tin từ Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM, trung bình mỗi ngày, công nhân vớt được khoảng 10 tấn rác thải trên tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Lượng rác này tăng bình quân 10 - 15%/năm. Phần lớn rác thải trên kênh là rác sinh hoạt của các hộ dân sống ven kênh, một phần khác do những người buôn bán vãng lai đổ xuống kênh. 

Ông Cao Văn Tuấn - Trưởng phòng Kiểm tra chất lượng và Công nghệ môi trường, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP.HCM - cho biết, công ty đã nhiều lần phối hợp cùng chính quyền, đoàn thể tuyên truyền, nhưng việc đổ rác xuống kênh vẫn tiếp diễn. Ông nói: “Rất nhiều trường hợp, công nhân chúng tôi phải sử dụng thiết bị chuyên dụng để vớt rác thải công nghiệp hoặc đồ nội thất có kích thước lớn trên kênh”. 

Cung trai nghiem 'thu thach don rac'

Sau thực phẩm là... rác thối

Sáng 24/3, từng đoàn xe chở nông sản từ các tỉnh, thành tấp nập đổ về chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, liền sau đó, khắp mặt chợ lộ ra cơ man nào là rác. Mới 8g, đường A, B và D của chợ đã ngập rau củ quả hư, thùng xốp... Mỗi ngày, chợ đầu mối nông sản Thủ Đức tiếp nhận khoảng 3.500 - 5.000 tấn hàng hóa, trong đó phần lớn là nông sản từ các tỉnh, thành. Lượng rác thải ra khoảng 60 tấn/đêm. 

Ngày 30/3, cùng tắt điện từ 20g30 - 21g30 

Chiến dịch Giờ trái đất năm 2019 mời gọi cộng đồng “chung tay tắt điện toàn cầu” nhằm góp phần tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường. Chiến dịch kêu gọi toàn thể người dân TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung cùng tắt điện 1 giờ trong ngày 30/3, từ 20g30 - 21g30.

Chị Lê Thị Thanh Hà - phụ việc tại một quầy rau trên đường D - cho biết: “Tháng mưa thì lầy lội, còn mấy hôm nay, trời quá nắng nên rau củ mau phân hủy. Ngày nào cũng vậy, chưa tới 11g, cả đoạn đường hơn 200m này đã bốc mùi hôi thối nhức óc. Rác nhiều quá mà mỗi phiên trực, cả chợ chỉ có hơn 10 công nhân vệ sinh, họ có làm hết sức cũng không kịp”.

Sau 2 giờ tham gia dọn rác cùng các công nhân vệ sinh, hơn 100 tình nguyện viên vã mồ hôi như tắm. Tình nguyện viên Thanh Ngân chia sẻ: “Nhìn lượng rác khổng lồ đang từ từ phân hủy giữa nắng trưa, tôi mới thấm nỗi ước ao có một nơi xử lý rác thải cho khu chợ nông sản này của những thương nhân và người dân sống ở các tuyến đường lân cận chợ”. 

Hai buổi “đối mặt với rác” đã giúp các tình nguyện viên trải nghiệm thực tế và thấu hiểu một cách toàn diện hơn mối nguy từ rác. Có tình nguyện viên chia sẻ: “Tôi từng tham gia dọn rác trên các tuyến đường, sân trường, khu vui chơi, nhưng khi tự tay cầm sào, vớt và kéo rác ở dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, tôi mới thật sự biết thế nào là sự vất vả của người đi dọn rác. Từ trải nghiệm này, tôi sẽ tiếp tục kêu gọi mọi người hãy ngừng xả rác. Đừng nghĩ việc bạn vứt bừa một cái túi ni-lông, một cái chai nhựa là việc nhỏ mà chính hành vi đó đang góp phần hủy hoại môi trường sống của tất cả chúng ta”.

Tinh Châu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI