Cùng nữ thương nhân xây dựng chợ văn minh

23/04/2021 - 06:59

PNO - Trong tuần qua, Hội Phụ nữ một số chợ trên địa bàn TP.HCM đã tổ chức Đại hội đại biểu Phụ nữ xác định mục tiêu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ mới 2020-2025. Bà Trần Thị Phương Hoa - Phó chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - đã chia sẻ về sự kiện này.

* Phóng viên: Thưa bà, đại hội đại biểu phụ nữ các chợ đều nhận định, nhiệm kỳ 2016-2021 là một nhiệm kỳ nhiều khó khăn. Tuy nhiên, báo cáo tổng kết ở các chợ đều cho thấy phong trào “Người kinh doanh văn minh” vẫn được nhiều thương nhân tham gia?

- Bà Trần Thị Phương Hoa: Phong trào “Người kinh doanh văn minh” (trước đây có tên gọi là phong trào “Người kinh doanh mới”) do Hội LHPN TP.HCM phối hợp cùng Sở Công thương thành phố phát động từ năm 1998, đã được giới thương nhân nhiệt tình hưởng ứng. Hiện, TP.HCM có 182 chợ, trong đó 53 chợ có Hội Phụ nữ thuộc cấp quận huyện quản lý với hơn 25.000 hội viên thương nhân/46.000 thương nhân đang kinh doanh. Ngay từ đầu, phong trào đã có 100% nữ thương nhân đăng ký tham gia và hằng năm có trên 80% thương nhân được bình chọn “Người kinh doanh mới”. Đây không chỉ là phong trào mà còn là một cuộc vận động bền bỉ, thiết thực nhằm đồng hành cùng chị em thương nhân vượt khó, xây dựng hình ảnh người thương nhân văn minh, chợ văn minh thương nghiệp, nên phong trào không ngừng phát triển là lẽ tất nhiên.

Bà Trần Thị Phương Hoa (thứ hai từ trái qua) - Phó chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - cùng các nữ thương nhân - ảnh: diễm trang
Bà Trần Thị Phương Hoa (thứ hai từ trái qua) - Phó chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - cùng các nữ thương nhân - ảnh: diễm trang

Nhiệm kỳ qua, quả thật là rất khó khăn cho các nữ thương nhân ở các chợ. Những năm đầu nhiệm kỳ thì bị dịch cúm gia cầm H5N1, H1N1, dịch tả heo châu Phi… Đến cuối nhiệm kỳ lại đối diện dịch COVID-19. Tuy nhiên, trong khó khăn, Hội Phụ nữ các chợ vẫn nỗ lực để chia sẻ cùng chị em hội viên phụ nữ, thương nhân, nhờ đó, các dì, các chị cũng nhiệt tình ủng hộ các phong trào, cuộc vận động của Hội, đặc biệt là trong các hoạt động xã hội từ thiện. Nhiều tổ, nhóm, câu lạc bộ từ thiện và Hội Phụ nữ các chợ đã hoạt động bền bỉ, mạnh mẽ, đóng góp hàng tỷ đồng mỗi năm, giúp đỡ biết bao mảnh đời khó khăn, cơ nhỡ, đặc biệt là đồng bào bị ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh.

* Phong trào “Người kinh doanh văn minh” đã thật sự hỗ trợ thiết thực cho các nữ thương nhân?

- Phong trào “Người kinh doanh văn minh” và hoạt động của Hội Phụ nữ các chợ đã hỗ trợ thiết thực cho các nữ thương nhân. 

Trong năm năm qua, cùng với sự phát triển của thành phố, nhiều siêu thị và cửa hàng tiện lợi mọc lên khiến mãi lực ở các chợ truyền thống ngày càng giảm. Hàng rong và chợ tự phát cũng ảnh hưởng đến sức mua tại các chợ. Ngoài ra, sức mua ở chợ còn bị ảnh hưởng bởi giá cả khi thương nhân đang chịu nhiều áp lực về thuế, phí hoa chi, phí vệ sinh, điện, nước. Trước những khó khăn đó, các cấp Hội đã tổ chức nhiều hoạt động như tập huấn, nói chuyện chuyên đề về kỹ năng quản lý vốn, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong buôn bán, kinh doanh, cung cấp kiến thức về chuỗi thực phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm… Hội Phụ nữ các chợ cũng ghi nhận, hỗ trợ vốn vay kịp thời, bảo lãnh tín chấp vay vốn ưu đãi cho chị em thương nhân. Trong năm 2020, chỉ tính riêng Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế (CWED) đã phát vay cho 10.367 thành viên (trong đó đa phần là tiểu thương, nữ doanh nhân) với gần 260 tỷ đồng. Ngoài nguồn vốn tín dụng tiết kiệm, CWED còn thực hiện các dự án hỗ trợ vốn cho phụ nữ sản xuất, kinh doanh giai đoạn 2016-2026 với tổng nguồn vốn ủy thác hơn 200 tỷ đồng. Nhờ đó đã góp phần hạn chế vấn nạn cho vay nặng lãi, tín dụng đen, giúp thương nhân ổn định việc kinh doanh buôn bán. 

* Trong nhiệm kỳ mới, những khó khăn được dự báo còn phức tạp, Hội có những chuẩn bị gì để đồng hành cùng chị em thương nhân trong chặng đường sắp tới?

- Hội vẫn xác định, hoạt động phụ nữ ở các chợ là tập trung đẩy mạnh các phong trào “Người kinh doanh văn minh, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thực hiện các quy tắc đảm bảo vấn đề an toàn thực phẩm, hàng hóa đảm bảo nguồn gốc rõ ràng, “Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, vận động thương nhân kiên trì niêm yết giá các mặt hàng thiết yếu, cân đo, đong đếm chính xác; thương nhân chợ chung tay cùng thực hiện giữ vệ sinh môi trường, vệ sinh tại các điểm kinh doanh, thường xuyên nhắc nhở thương nhân không vứt rác bừa bãi, không đổ nước bẩn ra lối đi chung, giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, không bán hàng gian, hàng giả… từng bước hướng đến xây dựng thương hiệu “Chợ văn minh thương nghiệp”. Từ phong trào “Người kinh doanh văn minh” sẽ xác định cho thương nhân những nội dung thiết thực nhất giúp tăng mãi lực, xây dựng thương hiệu ngành hàng, góp phần tạo thương hiệu cho chợ truyền thống.

Từ cấp thành đến cơ sở, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm, gửi kiến nghị đến các cấp chính quyền quyết liệt hơn trong việc xóa chợ tự phát, hàng rong để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của thương nhân trong kinh doanh, để họ có môi trường buôn bán, cạnh tranh lành mạnh. 

* Xin cảm ơn bà. 

Nghi Anh (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI