Câu chuyện kiến trúc sư Bùi Văn Huy cùng con sáng tạo những món đồ chơi từ rác thải đang dần lan tỏa.
Tôi nghĩ mình không quá lời khi cho rằng sau việc tái chế và lan tỏa tinh thần tái chế đồ chơi của cha con anh là những vấn đề lớn của gia đình thời hiện đại: dạy con bảo vệ môi trường bằng chính những hành động thiết thực, hữu ích; cả phụ huynh, con cái cùng thoát khỏi sự giải trí thụ động - smartphone - để tương tác, cùng sáng tạo và hiểu nhau hơn.
Chiếc vỏ chai và bài học từ đứa trẻ lên ba
Trước khi được biết đến với vai trò người cha biến rác thải thành đồ chơi cho con, anh Bùi Văn Huy (Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội) đã được nhiều người yêu mến với những vần thơ trong trẻo:
“Ông mặt trời đi ngủ/ Nằm ngả xuống đệm êm/ Kéo tấm chăn thật mềm/ Mây bồng bềnh về đắp” (bài thơ Ông mặt trời đi ngủ). “Gió đang vít cành tre/ Lá reo nghe xào xạc/ Con trâu còn ngơ ngác/ Hóng gió lộng chiều quê” (trích bài thơ Bà ơi)…
Trên Facebook của anh, dưới cái tên “Bùi Văn Huy” là vỏn vẹn ba chữ “Yêu gia đình”. Ba con chữ đơn sơ ấy ý nghĩa, giá trị hơn bất cứ diễn ngôn hoa mỹ, dài dòng nào. Ba chữ đó thôi là đủ để người ta ngưng đọng trái tim, xúc cảm.
Tôi không biết mình có sáo quá không khi nói kiến trúc sư Bùi Văn Huy yêu con cái, yêu gia đình bằng cả trái tim nhưng tôi dám chắc để viết được những vần thơ rất gần với đôi mắt trẻ như thế; ngoài tình yêu, anh phải hiểu bọn trẻ và thế giới của chúng lắm.
Đó cũng là lý do anh ghép tên của ba đứa con Châu - An - Khôi làm bút danh. Huy chỉ cười: “Tôi thích chơi và luôn chơi với các con những khi rảnh. Trước, tôi hay cùng các con chơi đất nặn. Có khi mấy bố con nặn cả đội chó cứu hộ, lúc lại dùng dây thép mảnh xâu các hạt vòng đủ kích cỡ để làm búp bê…”.
Khi COVID-19 làm xáo trộn đời sống loài người, xã hội giãn cách, công việc ít nhiều đình trệ; anh Huy lại có nhiều thời gian hơn để chơi với con.
Lúc đó, việc các con nhanh chán, không quý trọng các loại đồ chơi bố mẹ mua về - thậm chí cả những món đắt đỏ - đã khiến anh hành động ngược lại: không mua đồ chơi mà cùng con làm đồ chơi bằng giấy bìa.
Từ bìa các-tông, những rô-bốt, xe cộ các loại, thậm chí cả chú tuần lộc có đôi sừng rất đặc trưng đều thành hình hài sinh động qua những đôi tay khéo léo của mấy bố con. Vừa cùng các con cắt, ghép, gắn keo, anh Huy vừa kể câu chuyện môi trường sống của con người đang ngày càng bị rác do chính con người thải ra đe dọa.
Đến một ngày, mấy cha con đang đi chơi thì đứa trẻ ba tuổi nhặt một vỏ chai nhựa đựng nước lên, kéo áo hỏi bố: “Cái này có làm được đồ chơi không bố?”.
Anh Huy hơi sững lại khi thấy đứa trẻ mới ba tuổi đã có sự thay đổi chỉ trong vài tháng. Cái sững lại ấy còn vì con đã cho anh ý tưởng tái chế các loại rác thải thành đồ chơi chứ không chỉ giới hạn ở giấy bìa.
Loại rác đầu tiên và cũng là loại được cha con anh sử dụng thường xuyên nhất chính là vỏ giấy của hộp sữa và ống hút - thứ mà hầu hết gia đình có trẻ nhỏ nào cũng thải ra rất nhiều.
Chỉ với hai nguyên liệu này, cha con anh Bùi Văn Huy đã “biến hóa” thành rô-bốt, máy bay, bàn ghế; kết hợp với lõi giấy vệ sinh sẽ thành “Tớ là chiếc xe lu/ Người tớ to lù lù”; kết hợp với giấy bìa thành cây thông Noel, thành gian bếp trọn vẹn với đầy đủ chạn bát, bồn rửa, tủ lạnh…
Hay chỉ với vỏ chai nhựa, ống hút, thìa sữa chua, hộp xốp đựng đồ ăn là có trực thăng bốn cánh, xe đẩy bán kem cắm chiếc dù tròn xoe; thành chú chuồn chuồn sáu chân lều nghều và đôi mắt lồi che kín “mặt”; thành anh châu chấu tre có đôi chân khỏe khoắn…
Ngay vỏ hộp dầu gội đầu cũng có thể trở thành “siêu xe” thể thao với phần mui mở lên, hạ xuống…
|
Những món đồ chơi được làm hoàn toàn từ rác của cha con kiến trúc sư Bùi Văn Huy |
Trao cho trẻ sự chủ động
Nói đồ chơi tái chế do cha con anh làm 99,9% từ rác là bởi vẫn phải sử dụng keo để gắn kết các bộ phận. Song, đó có lẽ là chuyện nhỏ so với những gì cả anh và bọn trẻ nhận được. Điều đầu tiên anh Huy cảm nhận được là sự háo hức và niềm vui của các con.
Có khi thấy bố cùng hai chị làm, cậu con út cũng lẫm chẫm lại gần, ngồi vào lòng bố chăm chú quan sát bố hướng dẫn các chị. Ban đầu, anh Huy cũng giống như phần nhiều các ông bố bà mẹ, nghĩ rằng mua cho con những món đồ chơi hiện đại, đắt đỏ thì các con sẽ thích.
Thế nhưng đến khi cùng con làm đồ chơi, anh phát hiện trẻ nhỏ không phân biệt được, không quan tâm đến giá tiền của đồ chơi cũng như tương quan giữa chất lượng và giá thành. Điều bọn trẻ quan tâm chỉ đơn giản là món đồ nào làm chúng thích.
Có lần về quê Hưng Yên, mấy bố con anh còn bắt ốc sên cho… chạy thi. Với người lớn, đó là việc khá điên rồ nhưng với đám trẻ, đó lại là cả thế giới thú vị. Đôi khi người lớn không nhận ra việc xem ốc sên chạy thi cũng chính là lúc sự kiên nhẫn, khả năng quan sát được phát huy.
|
Bọn trẻ chăm chú nhìn “bác Huy khéo léo đôi tay” hướng dẫn làm đồ chơi từ vỏ hộp sữa và ống hút |
Điều khiến anh Huy ngạc nhiên nhất chính là sự sáng tạo không giới hạn của bọn trẻ. Từ rô-bốt, những chiếc xe đứng yên ban đầu; các “phiên bản” sau có sự chuyển động nhờ bánh xe làm bằng nắp chai nhựa hoặc giấy bìa cắt hình tròn với trục là que xiên thịt.
Cánh quạt cối xay gió từ vỏ hộp sữa trong nông trại dê, cừu (làm bằng bông và giấy bìa) của cha con anh có thể xoay tít khi gặp gió…
Anh Huy tâm sự: “Chơi với trẻ con mới thấy rõ chúng cần sự gắn kết và chúng đang thiếu thốn. Sự thiếu thốn ở đây chính là thiếu người đồng hành, hướng dẫn. Càng chơi với trẻ, bố mẹ sẽ càng mở được nhiều điều tích cực”.
Mỗi lần chơi hay khám phá cùng con, anh Huy lại nhận được thêm ý tưởng. Các món đồ chơi ban đầu chỉ dừng ở mức độ tạo hình; sau đó là lắp cánh, lắp bánh xe để đồ chơi chuyển động; tiếp nữa là các ô cửa (ở máy bay) có thể đóng mở để trẻ cho các món đồ chơi khác vào, giống như đang “nhập vai” vào một chuyến du lịch…
|
Kiến trúc sư Bùi Văn Huy hy vọng, việc cha mẹ cùng làm đồ chơi tái chế với con sẽ giúp sợi dây gắn kết gia đình thêm bền chặt; đồng thời việc giáo dục môi trường, rèn tính tiết kiệm cho trẻ cũng hiệu quả hơn |
Sau câu chuyện cùng con làm đồ chơi từ rác, anh Huy còn muốn để các con thực sự hành động, từ những điều nhỏ nhất. Anh mong các ông bố bà mẹ khác dành nhiều thời gian tương tác với con để sự gắn kết gia đình không chỉ ở nhà mình mà sẽ có và đậm hơn ở nhiều gia đình khác.
Kênh YouTube kheoleodoitay ra đời. Mỗi video anh chia sẻ cũng chính là hướng dẫn để các ông bố bà mẹ khác có thể làm được món đồ chơi giống như cha con anh đã và đang làm.
Kiến trúc sư Bùi Văn Huy đã phối hợp với một câu lạc bộ thiện nguyện tổ chức một số chương trình để phụ huynh cùng các con tự làm đồ chơi tái chế dưới sự hướng dẫn của anh.
Nhìn tín hiệu tích cực từ phụ huynh, nhìn bọn trẻ say sưa làm rồi nâng niu món đồ chơi từ rác thải; anh hy vọng câu chuyện làm đồ chơi tái chế gắn với sự kết nối giữa các thành viên trong gia đình sẽ ngày càng được lan tỏa.
Uông Ngọc