Cùng nhau chịu khó sửa mình

11/06/2024 - 06:08

PNO - Sau khi làm “thùng rác” giúp tôi xả hết những uất ức, phiền muộn trong cuộc sống vợ chồng, Hạnh nói: “Nếu khó chịu thì mình chịu khó. Chứ chẳng lẽ bây giờ vì mấy lý do vặt vãnh mà bạn bỏ chồng, chia con”. Đúng là tôi không muốn bỏ chồng, chia con, nhưng những thói tật của chồng thì tôi không chắc đó là vặt vãnh.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Lỗi anh, lỗi ả
Anh ăn ở, sinh hoạt luộm thuộm, bừa bãi. Ngày nào đi làm về tôi cũng mắng chồng như hát về chuyện giày dép, áo quần, mũ nón anh bày bừa. Anh cũng chẳng mấy khi phụ vợ rửa chén, nấu cơm; chỉ khi tôi nhờ anh mới làm. Việc học của con thế nào, anh cũng vô tâm, không giám sát. Tôi nhắc thì anh bao biện mình không đủ trình độ để bám theo chương trình của con. Thay vào đó, anh ráng nhận thêm việc làm ngoài giờ để lo chi phí cho con theo các lớp phụ đạo, học thêm.

“Việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng”. Mỗi lần ai nhờ vả, vay mượn gì thì anh lại “nhảy số” răm rắp. Vì sự cởi mở, tốt tính đó mà “vòng tròn” bạn bè của anh ngày càng nới rộng. Nào bác đồng hương sống cùng tầng chung cư, bác bảo vệ tầng trệt, anh trung niên đang giữ chức trưởng khu phố, hay như chị gái bán tạp hóa ở đầu ngõ, mỗi lần gặp anh đều xởi lởi, chào hỏi nhiệt tình.

Chồng còn khiến tôi khó chịu vì không chí thú nâng cấp sự nghiệp, theo đuổi công danh. Bao lần, nhìn chồng mấy đứa bạn đang giữ chức giám đốc, trưởng phòng các doanh nghiệp lớn, tôi thực sự nản lòng. Từ ngày ra trường, đầu quân vào một doanh nghiệp nhỏ gần nhà, công việc của chồng hầu như chẳng có tiến triển gì.

Tôi nhận ra, trong công việc lẫn cuộc sống, nếu tôi bươn bả thì chồng chọn an nhiên, nếu tôi muốn sống một cuộc đời sôi động thì chồng chỉ muốn lắng lại. Tôi nhiều lần tự vấn: “Sao ngày xưa mình lại chọn cưới người này?”. “Do tôi và anh ngay từ đầu đã có nhiều “gấp khúc”, khập khiễng mà tôi không để ý hay do tôi bây giờ đã thay đổi, khác biệt so với ngày xưa?”.

Cả năm nay, vì tâm trạng luôn bức bối, hình như tôi đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống chung của gia đình. Giữa tôi và chồng, các con ngày càng nới rộng khoảng cách. Trong cơn căng thẳng, không cần trình bày lý do, tôi gào lên: “Bây giờ anh muốn gì?”. “Câu đó anh nên hỏi em mới đúng. Nói anh nghe, em thực sự muốn gì?” - chồng tôi trả lời.

“Em muốn anh giàu, anh sạch sẽ, anh phụ em làm việc nhà, dạy con học. Em muốn anh bớt quảng giao, còn muốn anh nghĩ đến phương án sẽ thay đổi công việc trong tương lai nữa” - tôi đáp.

“Xin lỗi, nhưng không có điều gì em mong muốn mà anh có thể thực hiện. Anh không thể bỏ công việc mình yêu thích, đúng chuyên môn, sở trường và từng gắn bó hơn 10 năm chỉ để có một công việc mới với mức lương như vợ anh mong muốn. Anh vẫn làm việc nhà, phụ em những lúc rỗi việc. Chuyện học của con, như nhiều lần anh đã thú nhận, giờ anh không đủ khả năng để cập nhật chương trình giáo dục mới nhất, anh không cố chấp khi biết sự hướng dẫn của mình sẽ dẫn đến một kết quả sai. Còn bừa bãi, luộm thuộm, quảng giao ư? Để anh kể em nghe những điều em làm anh khó chịu nhé”.

Sau khi đanh thép từ chối yêu cầu của tôi, chồng tuôn ra một tràng những điều anh không hài lòng về vợ. Anh bảo, anh không thích tính cách hay càm ràm - một vấn đề mà tôi cứ “nhai đi nhai lại”. Anh không thích cách tôi khép kín, thiếu cởi mở vì luôn mang tâm lý nghi ngờ những người xung quanh. Anh không thích tôi ôm đồm, chạy theo lối sống chuộng danh vọng hay những thăng hoa từ tiền bạc. Anh không thích tôi tham gia các nhóm bà tám chuyên nói xấu chồng trên mạng mà có lần anh vô tình thoáng qua. Anh không thích mùa mưa là tôi lại tha mấy bao đất mang về nhà trồng rau, trồng hoa khiến không gian trước nhà trở nên quá ẩm ướt…

Khó chịu thì mình chịu khó

Vậy đó, thì ra không chỉ tôi khó chịu về chồng, mà ngược lại cũng vậy. Ngày trước, chồng tôi từng nói: “Anh nghĩ khi đã chọn trở thành gia đình thì tuy vợ chồng không cùng tần số nhưng cũng phải cố gắng, kiên nhẫn để những tần số khác biệt ấy không gây xung đột, đổ vỡ. Nếu chán người này, ta đi tìm người khác thế chỗ thì rốt cuộc, điều ta tìm thấy chỉ là cái bóng của chính mình. Ai cũng có điểm hay, điểm dở; khi sống chung, ta nên bỏ qua điểm dở và khích lệ những điểm hay”.

Tôi nhớ lại, mẹ tôi từng dặn, làm phụ nữ, đôi khi mong cầu nhiều quá, nắn chỉnh người khác nhiều quá thì người ôm thất vọng lại là chính mình. Một người anh của tôi từng nói, trong những mối quan hệ 2 chiều, điều ta nên quản không phải là những tâm tình, thói quen của người bên cạnh mà cần chuyển hóa chính lòng mình. Và hôm nay, Hạnh - cô bạn tôi tin cậy nhất cũng lấy hết trải nghiệm bản thân để khuyên tôi: “Khó chịu thì mình chịu khó, vậy thôi”.

Có lẽ mọi người nói đúng, chồng tôi nói đúng. Trong khi tôi chọn gây thêm căng thẳng thì điều chồng ưu tiên là sự yên ấm, hài hòa; trong khi tôi nóng lòng muốn mọi thứ được nâng cấp thì người bạn đời lại chọn những gì hợp lý, vừa sức. Từ ngày mai, tôi sẽ quay về quán chiếu lại lòng mình. Chồng tôi làm công việc phù hợp, anh quảng giao, sống một cuộc đời đơn giản. Liệu những điều đó có gì sai? Tôi nhận ra, sự khó chịu của tôi không phải do những điều xung quanh chưa đẹp, mà là do tôi cố chấp, kỳ vọng quá nhiều.

Diệu Thông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI