Cùng lúc tập trận tại 3 vùng biển châu Á, Trung Quốc muốn “răn đe” các nước láng giềng?

06/07/2020 - 11:16

PNO - Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận quân sự ở vùng biển Hoa Đông, Biển Đông và Hoàng Hải vào đầu tháng 7 giữa lúc căng thẳng gia tăng với Mỹ.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc tiết lộ các cuộc tập trận bất thường đồng thời tại nơi mà Bắc Kinh gọi là "ba khu vực chiến đấu chính". Thực tế cho thấy các cuộc tập trận quy mô lớn của Trung Quốc không chỉ nhằm gửi một thông điệp mạnh mẽ ra thế giới bên ngoài, mà còn để đánh lạc hướng dư luận khỏi những vấn đề nội địa.

Đài truyền hình trung ương nhà nước Trung Quốc đưa tin một tàu khu trục tên lửa và hai máy bay trực thăng vừa thực hành bắt giữ các tàu không được công nhận ở Biển Hoa Đông. Cuộc tập trận được cho là diễn ra ở vùng biển gần Đài Loan và quần đảo Senkaku do Nhật Bản quản lý - mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với tên gọi Điếu Ngư.

Bức ảnh chụp ngày 5/5/2016 cho thấy thành viên Hạm đội Biển Nam Trung Quốc tham gia một cuộc tập trận tại Biển Đông.
Bức ảnh chụp ngày 5/5/2016 cho thấy thành viên Hạm đội Biển Nam Trung Quốc tham gia một cuộc tập trận tại Biển Đông

Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) cũng đã tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật ở Biển Hoàng Hải và Biển Đông. Các tàu dân sự đã bị cấm đi gần quần đảo Hoàng Sa ở vùng biển Hoàng Hải từ thứ Tư 1/7 đến Chủ nhật 5/7.

Đáp lại, Việt Nam khẳng định việc Trung Quốc tập trận tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Đồng thời, Bộ Ngoại giao đã trao công hàm phản đối Trung Quốc.

Trong khi đó, Hải quân Mỹ đang tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn ở Biển Đông liên quan đến hai nhóm tấn công tàu sân bay của mẫu hạm USS Nimitz và USS Ronald Reagan. Một máy bay ném bom B-52 đã được gửi từ Mỹ để tham gia tập trận.

Rất hiếm khi cả Trung Quốc và Mỹ tiến hành các cuộc tập trận quân sự ở cùng khu vực, làm nổi bật căng thẳng đang gia tăng ở vùng biển.

Nguồn tin quân sự từ Trung Quốc cho biết: "Có những mối quan tâm ngày càng tăng trong nội bộ Trung Quốc về căng thẳng leo thang với các quốc gia như Mỹ và Ấn Độ".

Nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Dương Khiết Trì đã đến thăm một căn cứ quân sự của Mỹ ở Hawaii vào tháng 6 để gặp gỡ với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, nhưng các quan chức dường như không đạt được nhiều tiến bộ trong việc cải thiện quan hệ song phương.

Căng thẳng tăng lên kể từ khi Trung Quốc ban hành luật an ninh quốc gia gây tranh cãi về Hồng Kông. Thượng viện Mỹ đã nhất trí thông qua một dự luật cho phép Washington trừng phạt các quan chức Trung Quốc và các tổ chức tài chính làm suy yếu quyền tự trị của Hồng Kông.

Máy bay của lực lượng tấn công tàu sân bay Nimitz và máy bay ném bom B-52 từ căn cứ không quân Barksdale ở Louisiana tiến hành các hoạt động chung trên Biển Đông..
Máy bay của lực lượng tấn công tàu sân bay Nimitz và máy bay ném bom B-52 từ căn cứ không quân Barksdale ở Louisiana tiến hành các hoạt động chung trên Biển Đông

Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền của Nhật Bản cũng đã soạn thảo một nghị quyết vào ngày 3/7, yêu cầu chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe hủy bỏ chuyến thăm cấp nhà nước đến Trung Quốc và đối thoại cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Kế hoạch vốn bị hoãn lại do dịch COVID-19.

Bắc Kinh tăng cường các hoạt động hàng hải kể từ tháng 3/2020, khi dịch COVID-19 vượt qua đỉnh điểm ở Trung Quốc. Hai tàu Cảnh sát biển Trung Quốc hiện diện khoảng 39 giờ tại vùng lãnh hải Nhật Bản quanh Senkaku vào cuối tuần qua. Cảnh sát biển Nhật Bản cho biết đây là cuộc xâm phạm dài nhất kể từ khi Nhật Bản quốc hữu hóa các đảo vào năm 2012. Mặt khác, các quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã leo thang cuộc chiến ngôn từ chống lại Úc và Canada.

Tờ Asian Nikkei dẫn nguồn tin ngoại giao nước ngoài tại Bắc Kinh cho biết: "Đó là một chu kỳ tiêu cực trong đó các động thái của Trung Quốc kích hoạt sự phản kháng từ các quốc gia khác, và Trung Quốc tiếp tục tăng gấp đôi hành động của mình".

Tấn Vĩ (theo Asian Nikkei, Kyodo)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI