Giống ít, loại nhiều
Hầu hết đại lý gạo lớn tại TPHCM đều có đến bốn, năm chục loại gạo. Cửa hàng nhỏ, sạp chợ ít hơn cũng một vài chục loại với đủ tên như: Lài Thơm, Tám Thơm, 64 Thơm, Lài Miên, Thơm Mỹ, Thơm Nhật, Tài Nguyên Chợ Đào, Nàng Hoa... Có những loại còn được phân thành loại thường hay loại ngon hơn, chẳng hạn như gạo Đài Loan còn có Đài Loan đặc biệt; Thơm Thái, Thơm Thái đặc biệt, Thái Đỏ... Tất nhiên, mỗi loại mỗi giá khác nhau, tùy nhu cầu của khách thích cơm dẻo mềm, dẻo khô hay xốp... mà người bán tư vấn.
|
Hầu hết các điểm bán tự phối trộn, đặt tên, làm giá gạo dẫn tới tình trạng một loại gạo nhưng có nhiều tên gọi, hương vị khác nhau |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, cùng một tên gọi nhưng giá chênh lệch giữa các cửa hàng, đại lý khá lớn. Đều là gạo Lài Sữa nhưng có nơi bán 18.000 đồng/kg, nơi bán 16.000 đồng/kg; gạo Đài Loan chỗ để giá 18.000 đồng/kg, chỗ khác lại để 20.000 đồng/kg... dù khoảng cách các cửa hàng chỉ vài bước chân. Chúng tôi thử mua gạo cùng tên gọi Thơm Lài tại hai cửa hàng khác nhau về nấu và rõ ràng cho hai loại cơm khác nhau rất nhiều. Thắc mắc thì người bán giải thích: “Thơm Lài Việt Nam khác Thơm Lài Miên nhập từ Campuchia. Có nơi ghi rõ Thơm Lài Miên nhưng có nơi chỉ ghi chung chung Thơm Lài, theo người bán, vì có khách không thích mua gạo nhập...” (!?).
Theo chủ cửa hàng Kim Phát (đường Lê Thị Hồng, Q.Gò Vấp), chị bán hơn 40 loại gạo nhưng vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu rất đa dạng của khách. Chẳng hạn có khách thích ăn cơm dẻo nhưng phải khô. Do đó, cửa hàng phải phối trộn các loại gạo với nhau, thường là hai loại gạo có hình dáng, màu sắc khá tương đồng...
Chuyện phối trộn gạo theo một số người bán là khó tránh, vì hầu hết gạo bán ra dưới dạng hàng xá. Việc trộn một phần gạo có giá rẻ hơn với loại đắt tiền hơn, ngon hơn là cách kiếm lời của những người buôn gạo. Giá gạo sau khi phối trộn sẽ căn cứ theo tỷ lệ các loại gạo trong đó, gạo ngon (thường theo tiêu chí thơm, dẻo…) nhiều thì giá cao.
Nhiều gia đình hiện có xu hướng chọn mua gạo đóng gói sẵn, vì tin rằng chất lượng gạo từ các doanh nghiệp sẽ đồng nhất. Thế nhưng, ngay cả một số loại gạo đặc sản bán trong siêu thị, cửa hàng cũng có tình trạng cùng một tên gọi gạo Nhật, Tài Nguyên... nhưng thương hiệu khác nhau bán giá khác nhau; hạt gạo, màu gạo khác nhau và cơm nấu ra cũng khác nhau (!?).
Gạo đóng bịch cũng… hên xui
Bà Ngô Ngọc Yến, Giám đốc doanh nghiệp gạo Yến Ngọc, cho biết tên gọi các loại gạo chủ yếu do người bán tự đặt. Việt Nam chỉ có khoảng 10 - 20 giống lúa gạo, như: ST24, ST25, Đài Thơm Tám, 5451, Nàng Hoa, Thơm Đài Loan, Hồng Châu, 504... Miền Bắc có một số loại như gạo Tám Xoan nhưng không phổ biến ở phía Nam. Một số điểm bán lấy gạo Đài Loan ba tháng và nơi ghi Tám Xoan, nơi ghi Thơm Đài Loan…
|
Không chỉ gạo bán theo dạng xá, các loại gạo đóng bịch của không ít doanh nghiệp cũng không đồng nhất về chủng loại, chất lượng |
Theo ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cùng một giống lúa nhưng cách chế biến khác nhau cũng ra chất lượng, giá thành khác nhau. Chẳng hạn lúa OM4900 có hai tên gọi là Hương Lài và Hương Lài Sữa. Hương Lài Sữa được sấy khô từ Hương Lài, hạt gạo chuyển từ màu trong sang màu đục. Gạo Hương Lài Sữa dẻo cơm hơn và bảo quản được lâu hơn Hương Lài và giá bán cao hơn khoảng 4.000 - 5.000 đồng/kg. Nhưng tại những điểm bán gạo xá, người bán phối trộn, tự đặt tên là Thơm Lài, Lài Thơm, Hương Lài Sữa đặc biệt... và làm giá gạo. Có nơi trộn hai loại gạo Jasmine với OM4900 (tương đối giống về hình dáng) với nhau; hoặc nhiều người không thích thơm dẻo mà thích dẻo vừa, nhưng khô quá thì không được, người bán lại trộn 504 và 5451 để cơm bớt khô, vẫn dẻo.
Ngoài ra, quy trình canh tác cũng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng gạo. Chẳng hạn, với giống ST24, dù mua trực tiếp, đúng hàng của tác giả giống lúa này tại Sóc Trăng nhưng khi đưa vào gieo trồng, chất lượng gạo của các nơi canh tác có thể không giống nhau. ST24 chỉ là giống lúa, còn quy trình trồng ra sao, trồng ở vùng đất nào, có sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu hay không... cho chất lượng gạo khác nhau, kể cả các giống lúa khác cũng vậy. ST24 trồng ở đất phù sa gạo sẽ không thơm bằng trồng ở vùng phèn mặn, đặc biệt vùng giáp ranh biển, trồng một vụ lúa, một vụ tôm thì gạo rất thơm...
“Các doanh nghiệp lớn thường bán loại gạo nào ra loại gạo nấy chứ không trộn. Nếu người bán trộn gạo một cách tùy ý, không theo khẩu vị khách hàng thì rất dễ bị người tiêu dùng tẩy chay”, ông Bình nói.
Tuy nhiên, theo bà Dương Thanh Thảo, Phó giám đốc Công ty cổ phần gạo Ông Thọ, không chỉ một số cửa hàng, nhà phân phối hướng dẫn người bán cách trộn lẫn nhiều loại gạo với nhau theo tỷ lệ để lời nhiều hơn, nhiều loại gạo đóng gói bán trong một số siêu thị, cửa hàng cũng chưa hẳn đúng giống gạo. Bà Thảo cho biết, từng thấy những bịch gạo trên bao bì ghi gạo Nhật, ST25 hay Tài Nguyên Chợ Đào nhưng với chuyên môn của mình, bà nhận ra hạt gạo bên trong không đúng với tên trên bao bì. Giá bán thì bằng giống gạo chuẩn.
“Người tiêu dùng mua gạo xá bán cân ký hay gạo đóng gói đều có nguy cơ mua nhầm loại gạo. Một số doanh nghiệp “treo đầu dê bán thịt chó” nhưng cơ quan quản lý cũng bó tay. Ngay cả siêu thị cũng chỉ căn cứ vào giấy tờ của doanh nghiệp chứ không có chuyên môn nhận biết, phân biệt từng loại gạo. Vì vậy, có tình trạng cùng một túi gạo ghi Nàng Hoa nhưng của doanh nghiệp A thì hạt gạo dài, thon; doanh nghiệp B thì hạt gạo bầu, tròn...” bà Thảo lưu ý.
Nguyễn Cẩm