Cùng hành động để phát triển du lịch xanh

03/04/2022 - 10:40

PNO - Trong bài phát biểu tại lễ khai mạc Năm du lịch quốc gia 2022 diễn ra tối 26/3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Quảng Nam chọn du lịch xanh để định vị thương hiệu du lịch sau đại dịch COVID-19 là hướng đi phù hợp với xu thế. Để làm được điều này, cần có sự vào cuộc của chính quyền, doanh nghiệp và người dân.

 

 
Để du lịch xanh thực sự xanh và bền vững, cần có  sự vào cuộc của các cấp chính quyền, doanh nghiệp du lịch và người dân (trong ảnh: Khách du lịch  quốc tế rất hứng thú với những tour du lịch xanh ở Quảng Nam) - ẢNH: NGUYỄN DƯƠNG
Để du lịch xanh thực sự xanh và bền vững, cần có sự vào cuộc của các cấp chính quyền, doanh nghiệp du lịch và người dân (trong ảnh: Khách du lịch quốc tế rất hứng thú với những tour du lịch xanh ở Quảng Nam) - Ảnh: Nguyễn Dương

Không tùy tiện điều chỉnh quy hoạch

Theo tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch - phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh góp phần hình thành nền kinh tế xanh, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm. TP.Hội An nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung cần nêu chủ trương phát triển đa dạng sản phẩm du lịch, trong đó thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề, tạo điều kiện cho người dân tham gia làm du lịch, đồng thời thúc đẩy phát triển sản phẩm du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng đẳng cấp ở khu vực phía nam Hội An để đáp ứng nhu cầu của du khách.

“Cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, quy định quản lý về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh. Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch cần được thực hiện nghiêm túc, không tùy tiện phá vỡ quy hoạch hay điều chỉnh quy hoạch. Cần khuyến khích doanh nghiệp du lịch có trách nhiệm đầu tư bền vững, đầu tư xanh, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ xanh, thúc đẩy xu hướng tiêu dùng xanh” - tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn nói.

Cũng theo ông, việc phát triển du lịch cần gắn với trách nhiệm xã hội lớn hơn, hài hòa trong việc chia sẻ lợi ích cho cộng đồng. Cần kiểm soát các hoạt động đầu tư, kinh doanh “núp bóng” du lịch xanh để đầu cơ bất động sản, chiếm dụng quỹ đất, quỹ rừng, đồng thời xây dựng cơ chế xử phạt nghiêm khắc đối với các đơn vị gây tổn hại đến tài nguyên, môi trường.

Ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch - cho rằng Quảng Nam cần tăng cường phối hợp, liên kết với các địa phương, doanh nghiệp để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng Quảng Nam, giảm áp lực của du lịch lên di sản vào mùa cao điểm, đồng thời cơ cấu lại thị trường để không chỉ tiếp tục khai thác hiệu quả thị trường khách truyền thống mà còn thu hút được một số thị trường khách mới, tiềm năng, chi tiêu cao.

Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam - cho biết Quảng Nam đã trải qua giai đoạn đáp ứng gần như vô điều kiện các nhu cầu của tour, tuyến, lưu trú và các dịch vụ du lịch khác của du khách. Điều này khiến chúng ta không kịp quy hoạch và nhìn lại để xác định một hướng đi bền vững, đó là tăng trưởng xanh. Với định hướng và sự chuyển mình rõ rệt theo hướng xanh, địa phương cần hành động mạnh mẽ, đồng bộ hơn để nắm lấy cơ hội này.

Ông nói thêm rằng, cần có chính sách khuyến khích du lịch nông nghiệp, thúc đẩy du lịch tái tạo thông qua chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, chuyển dịch cơ cấu lao động và đào tạo lại lao động ngành du lịch, thiết lập chính sách ưu tiên và phát triển đô thị xanh từ lợi thế cân bằng giữa khai thác tiềm năng của địa phương với vấn đề bảo vệ môi trường, tái tạo tài nguyên. 

“Năm, bảy đơn vị doanh nghiệp đạt chứng nhận hay thậm chí vài chục, vài trăm cũng chưa thể tạo ra môi trường du lịch tăng trưởng xanh, nhưng nếu chúng ta không đánh động, không bước đi thì sẽ không bao giờ đạt được mục tiêu. Muốn có sự tăng trưởng xanh, bền vững, cần sự tham gia đồng bộ chứ một mình doanh nghiệp du lịch không làm được. Nếu sản phẩm du lịch xanh mà quản lý nhà nước không xanh, vận tải không xanh thì không làm được gì cả” - ông nói.

Cần sự đồng hành, đồng bộ

Ông Trần Văn Khoa - Giám đốc Công ty Du lịch Jack Tran Tours  - cho rằng những cơ chế hiện tại đối với các doanh nghiệp du lịch tương đối ổn, nhưng cần phải có sự đồng hành của người dân trong việc chung tay bảo vệ môi trường: “Chính quyền, doanh nghiệp thì đi dọn rác, tổ chức những điểm du lịch xanh mà người dân cứ xả rác bừa bãi thì chẳng thể làm gì được. Về điều này, chỉ có chính quyền địa phương can thiệp được bằng một chế tài xử phạt nào đó đủ nghiêm khắc để răn đe, từ đó nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng”.

Ông Đinh Văn Lộc - Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Việt Đà (TP.Đà Nẵng) - cho rằng một sản phẩm du lịch dù tốt đến mấy mà không có sự đồng hành, ủng hộ của du khách và doanh nghiệp lữ hành thì khó tồn tại hoặc lan tỏa: “Liệu họ có muốn đồng hành với doanh nghiệp và chính quyền để hiện thực hóa và duy trì bền vững các tiêu chí, sản phẩm du lịch xanh không? Qua quan sát một vài nơi, tôi thấy du lịch xanh chỉ mới thể hiện ở cảnh quan thiên nhiên, dựa vào môi trường xung quanh để tạo nên những thứ xanh bên trong, còn cộng đồng dân cư bên ngoài thì hoàn toàn khác, nhất là vấn đề về vệ sinh môi trường”. Theo ông, du lịch xanh là phải đồng bộ, phải xanh từ ý thức, xanh từ môi trường, nên cần có sự hậu kiểm của các cơ quan liên quan về việc đảm bảo các tiêu chí.

Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An - nói : “Nhiệm vụ đầu tiên và rất quan trọng để chuyển động theo quỹ đạo du lịch xanh là chuyển đổi nhận thức từ bộ máy quản lý. Sắp tới, sẽ có những buổi làm việc kỹ hơn để xác định rõ vì sao phải hướng theo du lịch xanh và đội ngũ quản lý cần phải làm những gì. UBND TP.Hội An cũng sẽ tổ chức nhiều cuộc mạn đàm, gặp gỡ với các doanh nghiệp để hướng dẫn, khuyến khích cùng làm du lịch xanh. Tùy theo loại hình như lưu trú, lữ hành, giải trí mà sẽ có những nội dung phù hợp để doanh nghiệp hành động, chuyển mình theo đúng các tiêu chí đã định vị trong bộ tiêu chí du lịch xanh mà UBND tỉnh đã ban hành”. 

Nguyễn Dương

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI