Cùng đọc sách giúp giảm đau mạn tính

17/03/2017 - 20:30

PNO - Đau mạn tính ảnh hưởng hàng triệu người ở Mỹ, và là trở ngại nghiêm trọng cho mọi hoạt động hàng ngày. Các nghiên cứu gần đây cho thấy một phương pháp điều trị mới có thể giúp giảm đau:

Đau mạn tính ảnh hưởng hàng triệu người ở Mỹ, và là trở ngại nghiêm trọng cho mọi hoạt động hàng ngày. Các nghiên cứu gần đây cho thấy một phương pháp điều trị mới có thể giúp giảm đau: cùng đọc sách, hay còn gọi là “đọc sách chia sẻ”.

Tiến sĩ Josie Billington từ Trung tâm nghiên cứu về đọc, văn học và xã hội thuộc Đại học Liverpool (Anh) và các đồng nghiệp vừa báo cáo kết quả công trình nghiên cứu này trên tạp chí Medical Humanities.

Đọc sách chia sẻ là một trải nghiệm đọc tương tác, trong đó những nhóm nhỏ tập hợp lại để cùng đọc truyện ngắn, thơ và các thể loại văn học khác. Bằng cách sử dụng những tài liệu gợi lên kỷ niệm về trải nghiệm trong suốt cuộc đời, chẳng hạn như thời thơ ấu và mối quan hệ vợ chồng, các nhà nghiên cứu nhận thấy việc đọc sách cùng nhau dường như là phương pháp hiệu quả giúp giảm đau mạn tính, thậm chí tốt hơn cả liệu pháp hành vi nhận thức (CBT).

Đau mạn tính được định nghĩa là bất kỳ dạng đau nào kéo dài ít nhất 12 tuần. Chỉ riêng tại Mỹ, ước tính khoảng 100 triệu người thường xuyên phải chịu đựng cơn đau mạn tính. Đau lưng, nhức đầu trầm trọng hoặc chứng đau nửa đầu, đau nhức cổ là các hình thức đau phổ biến nhất; đặc biệt, chứng đau lưng là nguyên nhân hàng đầu gây tàn tật ở Mỹ.

Cung doc sach giup giam dau mạn tinh
 

Dù một số loại thuốc có thể giúp điều trị cơn đau mạn tính, nhưng chúng không phải lúc nào cũng hiệu quả. Bệnh nhân ngày càng ưa chuộng các phương pháp phi dược lý, chẳng hạn như CBT, nhằm giảm bớt cơn đau.

CBT là một hình thức trị liệu thông qua trò chuyện nhằm thay đổi cách mọi người suy nghĩ và hành xử, từ đó có khả năng quản lý tốt hơn các vấn đề về tinh thần và thể chất. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, kỹ thuật này rất hiệu quả đối với đau mạn tính, nhưng kết quả chỉ duy trì trong ngắn hạn.

Trong nghiên cứu mới, Billington và các đồng nghiệp muốn so sánh việc đọc chung với CBT về mặt khắc phục cơn đau, vì trước đây, việc đọc sách theo nhóm thường sử dụng để giúp giảm bớt triệu chứng của nhiều bệnh mạn tính khác, chẳng hạn như hội chứng suy giảm trí tuệ.

Những người mắc bệnh đau mạn tính trầm trọng tham gia vào nghiên cứu được chia thành hai nhóm. Một nhóm hoàn thành chương trình CBT trong năm tuần, và nhóm còn lại bắt đầu thực hiện kế hoạch 22 tuần đọc sách cùng nhau. Sau năm tuần, những người hoàn thành trị liệu CBT cũng tham gia vào nhóm đọc chung.

Chiến lược đọc sách chung giúp nhóm đối tượng nhớ lại những kỷ niệm về mối quan hệ, thành viên trong gia đình, công việc và những trải nghiệm khác phát sinh trong suốt cuộc đời. Ngược lại, phương pháp CBT vốn chỉ tập trung vào một giai đoạn duy nhất trong khoảng thời gian mà bệnh nhân bị ảnh hưởng bởi cơn đau mạn tính.

Bên cạnh đó, nhóm tham gia báo cáo mức độ đau đớn và cảm xúc trước và sau mỗi lần can thiệp, đồng thời họ cũng giữ một quyển nhật ký, nơi ghi lại các cơn đau và cảm xúc cá nhân hai lần mỗi ngày.

Trong khi CBT giúp người tham gia “quản lý” cảm xúc của mình bằng cách sử dụng các phương pháp có tổ chức, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng việc đọc sách cùng nhau giúp bệnh nhân giải quyết những xúc cảm đau đớn, vốn có thể góp phần gây ra cơn đau mạn tính của họ.

Hơn nữa, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, mức độ đau và tâm trạng đều cải thiện trong suốt hai ngày sau buổi đọc sách. “Nghiên cứu chỉ ra rằng, đọc sách cùng nhau có thể là phương pháp thay thế cho CBT, giúp bệnh nhân nhận thức, kiểm soát nỗi đau tinh thần, một phần nguyên nhân gây nên đau mạn tính” - tiến sĩ Josie Billington cho biết.

Bảo Tùng 
(Theo Medical News Today)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI