Cùng con yêu đọc sách

29/05/2015 - 11:39

PNO - PN - Với mấy chị em nhà mình, đọc sách tựa như một sở thích không thể thiếu, nên khi lớn lên, lập gia đình rồi có con, chúng mình cố gắng cho con tiếp cận sách từ khi còn rất nhỏ. Hồi Gia Toại con trai mình vừa qua tuổi thôi nôi, “bạn gối đầu giường” của ảnh đã là những quyển truyện tranh, cổ tích, chuyện ngụ ngôn…

edf40wrjww2tblPage:Content

Đêm nào trước khi ảnh đi ngủ, mình cũng đều đọc cho ảnh nghe, vừa đọc vừa lật giở các trang sách. Riết rồi ảnh ngấm lúc nào không hay, đến khi biết nói, mới hai - ba tuổi, ảnh đã có thể bắt chước mình, lật giở từng trang sách đọc lại làu làu từng câu từng chữ, biểu cảm, lên giọng xuống giọng… y hệt như mẹ từng đọc cho ảnh! Lúc đó, ảnh chưa biết một nét chữ nào. Có thể nói rằng, việc “nhận mặt” câu chữ đã được hình thành từ những hình ảnh minh họa vui nhộn, hấp dẫn trong sách. Và có lẽ cái máu mê sách hay khả năng diễn đạt tốt của con trai mình đã được “ngấm” dần từ thời điểm ấy.

Cung con yeu  doc sach

Mình thừa nhận, trong thời buổi của internet như hiện nay, “dỗ” con đọc sách không phải là điều dễ dàng. Tuy vậy, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng thói quen đọc sách cho con ngay từ bé, tương tự như xây nền móng cho một căn nhà vậy. Để làm được điều này, từ khi con thôi nôi, mỗi ngày nên kể cho con nghe một vài câu chuyện cổ tích đơn giản. Vì sao nên là cổ tích? Đơn giản vì cổ tích rất đẹp, long lanh, dễ thương, thường kết thúc có hậu, sẽ vẽ nên trong đầu con những bức tranh. Những bức tranh đó có sắc màu đẹp đẽ, tạo cho con cái nhìn lạc quan về cuộc sống. Sẽ có nhiều câu chuyện con đặc biệt yêu thích, muốn cha mẹ kể đi kể lại nhiều lần, dù con đã thuộc nằm lòng.

Sau đó, khi con lớn hơn một chút, khoảng hai - ba tuổi, nên đưa con đi nhà sách để chọn mua cho con đúng những câu chuyện mà con thích nhất ấy, và giới thiệu “đây chính là cuốn sách kể về A, B, C…”. Về nhà hãy cùng con lật từng trang sách ra, đọc lại từng câu chữ. Con sẽ thích thú “soi” để nhận ra những điểm khác biệt từ giọng kể của ba mẹ (qua cách kể ứng tấu trước đây) và khi đọc bằng câu chữ in trong sách. Từ đó, kết hợp với hình ảnh minh họa trong từng trang, con sẽ “ghi nằm lòng” trang đó nói về cái gì, thuộc luôn cách hành văn trong đoạn truyện đó.

Đây là giai đoạn cực kỳ quan trọng, cần sự lặp lại hàng ngày và kéo dài suốt thời gian mẫu giáo của con, cho đến khi nào con tự đọc được mặt chữ. Dĩ nhiên, trong thời gian này, ngoài những truyện con đã quen thuộc, nên thường xuyên dẫn con đi nhà sách để mua bổ sung “nguồn” sách cho “kho sách” ở nhà. Bên cạnh truyện cổ tích, giai đoạn sau của chặng này, chúng ta có thể mở rộng sang những quyển sách khoa học vui, sách thiếu nhi nhẹ nhàng vui nhộn… có tranh ảnh minh họa thật bắt mắt.

Thời gian này, những quyển sách cũng nên được để rải rác đâu đó trong nhà, cạnh giường, ở salon, ở các góc con thích ngồi chơi…, để lúc nào nhìn ở đâu, con cũng thấy sách. Và đọc sách con nghe cũng không cứ phải đợi tới giờ đi ngủ. Lúc nào chơi cùng nhau, cảm thấy hứng thú, thì cứ đọc thôi. Dần dà, sách tồn tại một cách hiển nhiên trong cuộc sống của con, như sữa con uống, như quần áo con mặc.

Khi con bắt đầu đọc được mặt chữ, hãy để con tự vỡ lòng những câu chuyện mà trước giờ con đã thuộc lòng… qua giọng đọc của ba mẹ. Đây là trải nghiệm “nhận mặt người quen” đầy lý thú! Từ những cuốn sách quen, hãy mua cho con thêm những quyển sách mới. Hãy đọc qua trước để đảm bảo nó hấp dẫn rồi hãy khuyến khích con bạn đọc.

Cuốn nào con không thích đọc, đừng ép, giới thiệu cuốn khác. Lúc nào có thời gian, hãy trích kể cho con nghe những đoạn tâm đắc trong cuốn sách mà bạn giới thiệu với con. Từ tò mò, con sẽ bắt đầu thích đọc. Và một khi con đã muốn đọc, chủ động đọc, thì bạn thành công rồi. Sau đó là quá trình con tự phát triển với sách, theo lứa tuổi mà thôi.

Yêu đọc sách và lấy ra được những điều bổ ích từ sách, hẳn nhiên con bạn sẽ không là người nhạt nhẽo vô vị. Từ sách, con có thể bắt đầu những đam mê mới, từ đó cuộc sống của con sẽ trở nên nhiều màu sắc, nhiều điều để khám phá.

Điều cuối cùng mình muốn nói, nếu muốn thành công trong việc khuyến khích con đọc sách, bản thân cha mẹ cũng phải thích đọc sách đã. Nếu không, mọi sự khuyến khích sẽ trở nên miễn cưỡng, và con cũng không thấy được những “hình mẫu” sống động quanh con từ khi con còn nhỏ, để thích nghi và “sống” cùng nó, một cách tự nhiên và nhẹ nhàng. Vậy, thật lòng muốn con mình là những đứa trẻ yêu sách với biết bao những lợi ích to lớn cho cuộc sống con mình sau này, các bố mẹ hãy cũng tập cho chính mình trở thành những người yêu sách nhé…

 LÊ ĐỖ QUỲNH HƯƠNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI