Cùng con vượt qua nỗi sợ

20/03/2016 - 06:04

PNO - Bạn không thể nào hiểu nổi vì sao con bạn lại sợ ngủ trong phòng riêng. Bạn bực tức khi con nói có gì đó trong gầm giường hay tủ quần áo...

Cung con vuot qua noi so
Ảnh mang tính minh họa

Bạn không thể nào hiểu nổi vì sao con bạn lại sợ ngủ trong phòng riêng. Bạn bực tức khi con nói rằng có gì đó trong gầm giường hay trong tủ quần áo đang chờ nhảy xổ vào con khi đèn vừa tắt. Bạn cố gắng khua khoắng mọi nơi, để chứng minh cho con chẳng có gì trong đó cả. Bé có vẻ yên tâm, thế nhưng chỉ cần bạn quay lưng và định tắt đèn là chúng đã òa khóc hay tái nhợt vì sợ hãi. Làm gì đây?

1. Đừng cố gắng phủ nhận nỗi sợ hãi của trẻ bằng sự hiểu biết của người lớn

Sai lầm thường gặp đầu tiên của các bậc phụ huynh đó là thái độ bực bội, cáu gắt và “phủ đầu, trấn áp” trẻ. Chị Hoàn, một bà mẹ có nguyên tắc dạy con khá kỷ luật và cứng rắn kể: “Tôi thật sự cảm thấy bực bội vì những tưởng tượng của con. Lúc đầu, tôi nghĩ nó nhõng nhẽo, không muốn ngủ một mình và tìm cớ để có ai đó ở bên cạnh nó. Tôi khó chịu với ý nghĩ con trai mình là một đứa trẻ nhút nhát, yếu kém. Tôi nghĩ rằng mình cứ cương quyết tắt đèn và bước ra. Phải cho con quen với bóng tối và đừng yếu bóng vía như vậy nữa”. Chị Nhi, một bà mẹ khác: “Tôi nghĩ là nó tìm cớ để không tắt đèn. Nó muốn “câu giờ” để khỏi ngủ? Tôi tức giận vì nghĩ nó bé xíu mà đã láu lỉnh”.

Với suy nghĩ đó, các bà mẹ đã để con lại một mình với nỗi sợ hãi mà chúng không thể kiềm chế nổi. Theo các bác sĩ nhi, đó không đơn giản là những nỗi sợ hãi của trẻ con và sẽ hết khi trẻ lớn lên. Chúng có thể phát triển thành một hội chứng loạn thần kinh nhẹ rất khó chữa. Hãy thử nhớ lại, bạn cũng từng sợ bóng tối, sợ những điều vô hình như vậy. Vì thế, đừng để con trẻ lại một mình và tắt đèn. Hãy giúp con thoát khỏi chúng.

2. Một căn phòng ấm áp sẽ giúp trẻ bớt lạnh

Bạn có “mất công” đầu tư cho trẻ một căn phòng chưa? Nếu con bạn không cảm thấy ấm áp và vui vẻ trong căn phòng ấy, hãy cùng bé trang trí lại. Thay màu tường bằng màu bé thích, dán những bức tranh, hình ảnh những nhân vật hoạt hình, cổ tích mà bé thích, hay những ngôi sao trên trần nhà. Trò chuyện với trẻ vào những lúc trẻ vui và tin tưởng để có thể biết rằng trẻ muốn có “ai” bên cạnh hơn tất cả, ngoài mẹ ra.

Hãy mua cho trẻ một chiếc đèn ngủ nhỏ xinh, giúp trẻ yên tâm hơn. Bật cho trẻ nghe một khúc nhạc êm dịu trước khi để trẻ lại một mình, để trẻ có một giấc ngủ nhẹ nhàng.

3. Đừng để phòng con quá bừa bộn

Trẻ nhiều tưởng tượng, vì vậy, những khoảng không quá rộng luôn luôn ẩn chứa những sự nguy hiểm mơ hồ nào đó. Đừng chất quá nhiều bàn ghế, tủ quần áo, tủ đồ chơi… lộn xộn. Cho trẻ một căn phòng hợp lý và đầy đủ ở mức cần thiết nhất. Một chiếc giường nhỏ, một chiếc bàn học nhỏ, tủ quần áo xinh xinh, các kệ sách đơn giản và ghế là đủ. Hãy nghe con kể lại những hình dung đáng sợ từ những món đồ thừa và tin con để dẹp bỏ chúng đi. Giấc ngủ của con sẽ yên bình hơn!

4. Không nên cho trẻ đọc hay xem những truyện, phim kinh dị trước khi ngủ

Trẻ con thường chưa biết phân biệt giữa những điều tưởng tượng và sự thật nên chúng có thể tin vào những con ma trong phim ảnh, văn chương. Ngay cả những nhân vật phản diện có thật mà trẻ đọc được hay xem được cũng khiến chúng sợ hãi, và có thể tưởng tượng rằng kẻ khủng khiếp đó đang theo dõi mình. Hãy giải thích cho bé về sự khác biệt giữa tiểu thuyết và hiện thực. Kiểm soát những gì trẻ đọc hay xem trước khi đi ngủ. Tốt hơn hết hãy tạo thành nếp kể những câu chuyện nhân ái, tích cực trước giờ ngủ.

5. Đừng cho bé ăn no trước khi đi ngủ

Hãy cho bé ăn những bữa ăn cuối cùng cách vài giờ trước khi đi ngủ. Nếu bé của bạn quen ăn nhẹ trước khi ngủ thì hãy cho bé một ly sữa ấm với mật ong - sữa và mật ong có tác dụng an thần nhẹ.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI