Cùng con vượt cú sốc yêu đương

04/10/2014 - 00:36

PNO - PN - Yêu đương sớm, nhanh chóng rơi vào trạng thái đau khổ, bế tắc do tình yêu tan vỡ, bị bỏ rơi, mang thai ở tuổi vị thành niên… là những cú sốc đầu đời của giới trẻ. Có em, do thiếu kỹ năng ứng phó, vượt qua các cảm xúc...

edf40wrjww2tblPage:Content

Các bậc cha mẹ có thể tham khảo một số thông tin sau của chuyên viên tư vấn tâm lý Đỗ Văn Sự (Trung tâm Ý tưởng Việt) nhằm giúp con phòng tránh và vượt qua cú sốc tinh thần trong quan hệ yêu đương.

Cung con  vuot cu soc yeu duong

Làm la bàn cho con

Có thể nói, chuyện giới tính, yêu đương của con cái là vấn đề rất nhiều phụ huynh ngại nói, ngại đề cập. Trong khi đó, ở độ tuổi dậy thì, những chuyển biến tâm - sinh lý khiến trẻ rất tò mò, muốn khám phá bản thân lẫn người khác giới. Tình cảm nam nữ dễ phát sinh trong độ tuổi này. Để con không bị “đánh gục” bởi cú sốc tình yêu tan vỡ, cha mẹ cần đóng vai trò một “la bàn” luôn bên cạnh con nhằm định hướng, giúp con tìm lối ra thông qua nắm bắt diễn biến cảm xúc trong quan hệ tình cảm của con.

- Khéo léo gợi chuyện để con kể về tình trạng của mình bằng nhiều cách: vờ khen một người bạn của con xinh xắn, giỏi giang nhưng không biết người bạn ấy có đang yêu ai, từ đó chuyển “đề tài” sang con; tổ chức cho con những bữa tiệc để con tự do mời bạn bè đến dự, qua đó dễ dàng quan sát con; theo dõi Facebook, những cuốn tập có thể là nơi con trải dòng tâm trạng. Tránh việc tra hỏi trực tiếp bởi sẽ càng khiến con giấu giếm như một cách bảo vệ sự riêng tư.

- Khi biết con đang yêu, cha mẹ tuyệt đối không cấm đoán, ngược lại cần sự cảm thông và “vẽ đúng đường” để con có tình cảm lành mạnh thông qua tặng những cuốn sách tâm lý, giáo dục giới tính cho con; giới thiệu những trang web, diễn đàn gỡ rối tơ lòng lành mạnh để con tham khảo. Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần cho con biết đó chỉ là những rung động đầu đời, tình cảm ấy dễ mất đi hoặc dễ thay đổi. Tình yêu thực sự còn ở phía trước, khi con có một công việc ổn định, tự lo được cho bản thân và có trách nhiệm, sẵn sàng với việc gầy dựng cuộc sống riêng. Cha mẹ có thể kể những câu chuyện của bản thân hoặc người quen nhằm truyền tải kinh nghiệm cho con về xúc cảm, tốt - xấu ở những mối tình non dại.

- Hãy để con được tự do, thoải mái yêu đương trong sự kiểm soát âm thầm của cha mẹ với việc nắm bắt con đang yêu ai, trong bao lâu và đã ở mức độ nào. Ở độ tuổi này, nhu cầu được chia sẻ của con rất lớn nên cha mẹ hãy đóng vai trò một người bạn của con: sẵn sàng một cách cởi mở, thông cảm để tiếp cận và nghe con tâm sự những vướng mắc, diễn biến cảm xúc trong tình cảm của con để kịp thời khuyên nhủ, động viên.

Khi được cha mẹ - một người bạn lớn luôn đồng hành san sẻ buồn vui, thậm chí là nơi để “trút sầu” và sẵn sàng làm “quân sư”, con sẽ không thấy sốc hoặc đắm mình trong nỗi đau. Hãy luôn tạo cho con cảm giác gia đình, người thân là chỗ dựa gần gũi và đáng tin cậy nhất để trẻ không bị chới với, bơ vơ, cô đơn, lạc lõng khi sự việc không như ý muốn.

Đừng mắng nhiếc, trách giận

Có nhiều phụ huynh, do bận bịu đã không thể làm bạn, gần gũi con. Đến lúc con thất bại khi yêu đương… lại quay ra mắng nhiếc, trách giận. Việc này khiến con cảm thấy đau thêm, cơn sang chấn tinh thần càng dữ dội. Con có thể nghĩ quẩn và làm điều dại dột khi không tìm thấy một chỗ dựa tinh thần. Thực tế, nhiều vụ “tự tử vì tình” ở trẻ có nguyên nhân sâu xa từ sự ruồng rẫy, hành động và lời nói gây tổn thương… của cha mẹ, người thân. Chìa cho con bàn tay trong lúc con bế tắc, chới với sẽ giúp con vượt qua cú sốc một cách nhẹ nhàng, an toàn.

- Tuyệt đối không trách mắng con, ngược lại, cha mẹ hãy nhận một phần lỗi về mình do đã không hiểu con đang gặp phải vấn đề khó khăn, không có mặt để kịp thời định hướng, gỡ rối cho con. Mượn câu chuyện của bản thân, bạn bè từng rơi vào hoàn cảnh giống con để chia sẻ nhằm chứng minh cho con hiểu đó là chuyện hiển nhiên, tất yếu phải xảy ra khi cuộc tình đi qua, khi ta yêu nhầm người… Khuyên con trong độ tuổi này, nỗi đau ấy có thể “đánh gục” mình nhưng vài năm sau, nhìn lại, nó chỉ như một vết xước tinh thần và là bài học lớn. Hướng con đến niềm vui, sự ấm áp trong mối quan hệ gia đình, người thân hoặc đưa con đến những khu vui chơi, có không gian mát lành… để con khuây khỏa.

- Nếu con lỡ mang thai, hãy để con tự quyết định dựa trên sự định hướng, vạch cho con thấy tương lai với những mất mát, thay đổi nếu giữ hoặc bỏ. Trong trường hợp con bị bạn bè chọc ghẹo, xa lánh, cha mẹ hãy mạnh dạn bảo lưu kết quả, cho con nghỉ học một thời gian hoặc xin chuyển trường, đợi đến khi nỗi mặc cảm, cơn sang chấn tinh thần trôi qua.

- Khi đối diện cú sốc, con không thể học tốt hoặc có những ứng xử… bất thường, cha mẹ cần hiểu để thông cảm, chấp nhận. Bên cạnh đó, hãy giúp con biết nhận trách nhiệm, thấy được phần lỗi bằng việc phân tích sai đúng trong các quyết định, câu chuyện của mình khi con đã bình tâm trở lại. Việc này nhằm tránh con không tái phạm lỗi lầm.

 PHONG VÂN (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI