Cùng con tổng kết năm học

29/05/2023 - 06:42

PNO - Trẻ học để hiểu thế giới nhưng trước tiên cần phải hiểu chính mình.

Một ngày cuối năm học, con trai rụt rè đưa tôi bảng tổng kết điểm cùng lời nhận xét của từng giáo viên. Mở bảng tổng kết, tôi thấy có một số môn đạt điểm 9, 10 và một số môn 7, 8. Dù vậy, tôi vẫn động viên: “Con giỏi quá! Mẹ chúc mừng con đã hoàn thành năm học một cách vui vẻ”.

Con tôi ngạc nhiên vì được mẹ khen giỏi với điểm số 7, 8: “Mẹ thấy con giỏi thiệt hả? Bạn con điểm cao hơn con nhưng còn sợ mẹ bạn ấy la vì mẹ bạn yêu cầu các môn phải đạt điểm 10”.
Ngay từ khi con đi học, tôi chưa bao giờ lấy điểm số làm áp lực cho con. Nhưng ngoài gia đình, trẻ cũng bị tác động từ nhà trường, thầy cô, bạn bè nên khi con bị các bạn khác so sánh, bị thầy cô ở trường áp lực thành tích thì tự nhiên cũng cảm giác “có lẽ mẹ sẽ không hài lòng với điểm số của mình”.

Nhân cơ hội này, tôi đã có cuộc trò chuyện với con. Tôi hỏi: “Con tự thấy mình nỗ lực hết mức chưa?”, “Con có thấy yêu thích những môn học mà điểm bị thấp hơn những môn khác không?”, “Số điểm đó có đánh giá đúng sức lực, khả năng và sự đầu tư của con cho môn học không?”...
Biết mẹ không trách mắng, con cũng trả lời thật lòng: “Dạ, cũng có lúc con hơi ẩu, không coi lại bài thi”. Hay như: “Con cũng cố gắng hết mức rồi mà có phần không hiểu nên bỏ qua không trả lời”, “Con còn không ngờ được 8 điểm, môn đó con không thích, học qua loa nên nghĩ chắc là 6, 7 điểm thôi”... 

Cứ thế chúng tôi đã có một cuộc trao đổi cởi mở và chân thành, nhìn sâu vào vấn đề, đánh giá tác động, vai trò của điểm số; nhìn nhận thái độ học tập và tình yêu dành cho môn học. Tôi quan niệm giáo dục là dẫn dắt từ bên trong, giúp mỗi đứa trẻ kết nối với những niềm đam mê, kích thích sự tò mò và sáng tạo; cũng như nhận diện được sở trường và cả sở đoản của mình để tìm cách phát huy và cả khắc phục điểm yếu. 

Giáo dục là hành trình hoàn toàn mang tính cá nhân, mỗi đứa trẻ sẽ có những điểm nổi trội riêng mà không phải tất cả đều được phản ánh bằng điểm số. Việc so sánh và chạy theo tiêu chuẩn của người khác không phù hợp với sở trường, sở thích và năng lực của mình hoàn toàn giết chết tình yêu học tập và tiềm năng riêng biệt của từng đứa trẻ.

Những cuộc trò chuyện như vậy giúp tăng cường sự đánh giá mang tính 2 chiều, con hiểu mình hơn và chấp nhận khả năng của mình, thay vì cảm thấy tự ti vì mình thua điểm bạn. Trẻ hiểu rõ bản thân mình, mức độ nỗ lực của mình, cảm thấy xứng đáng với công sức học tập bỏ ra và nỗ lực hơn trong tương lai… là phần còn thiếu sót trong giáo dục hiện nay. 

Trò chuyện với con cuối năm học về quá trình học tập cả năm, tôi hy vọng giúp con hiểu được có nhiều điều giá trị hơn điểm số. Chính những bài học về các giá trị này sẽ theo con trong suốt quá trình trưởng thành. Khả năng tự học hỏi và tự đánh giá cung cấp cho con cái nhìn sâu sắc cũng như giúp con xây dựng các công cụ để đo lường sự phát triển cá nhân, phát triển nghề nghiệp sau này.

Trẻ học để hiểu thế giới nhưng trước tiên cần phải hiểu chính mình. Đây là cách mà gia đình tôi đã làm dịp tổng kết năm học, cùng nhìn lại chặng đường của con trong năm qua và có những chỉnh sửa phù hợp cho năm tới. Học hành và điểm số không nên là áp lực khổ ải cho cả con cái và phụ huynh. Nhà trường cũng cần nhìn nhận điểm này và có hướng tiếp cận mang tính cá nhân hơn, phù hợp cho từng đứa trẻ. 

Nhất Phương

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI