Cùng con tận hưởng mùa hè

15/04/2018 - 10:00

PNO - Mỗi năm đến hè... điệp khúc ấy luôn “ám ảnh” các bậc cha mẹ. Cho con nghỉ hè thế nào để vui và an toàn?

Làm gì để chấm dứt cảnh cha mẹ thay nhau nghỉ phép, cáo bệnh trốn việc cơ quan ở nhà trông con? Những “đứa trẻ công sở” có vui khi theo cha mẹ đến nơi làm việc? Giải pháp nào để con và cả cha mẹ vui hè?

Chị Trần Vân Anh, Tổng biên tập Tạp chí Kilala, chị Triệu Thị Vẽ, giáo viên Trường THPT Trần Quang Khải (Q.11, TP.HCM) và anh Phạm Phú Quốc, Giám đốc Công ty du lịch cộng đồng châu Á chia sẻ những ý tưởng để các bậc cha mẹ tổ chức một mùa hè ý nghĩa cho con.

Mỗi nhà mỗi cảnh

Phóng viên: Nghỉ hè là chuyện “đến hẹn lại lên” nhưng lại là nỗi lo lắng của những bậc phụ huynh ở các đô thị lớn. Câu chuyện nghỉ hè mọi năm của gia đình anh/chị diễn ra như thế nào?

Chị Trần Vân Anh: Như mọi gia đình khác, mỗi khi con tôi bước vào mùa thi là cả nhà lại xôn xao: hè này cho con đi đâu, làm gì, học gì, đưa đón thế nào... Nhà tôi lên kế hoạch từ rất sớm cho việc này vì vợ chồng đều rất bận, lại không có ông bà chú bác kề bên để nhờ vả. Năm nào cũng như năm ấy, dù đã có kế hoạch nhưng vẫn lộn xộn cả lên. Rồi các con cũng như mọi đứa trẻ khác, được đi chơi vài hôm, học một môn gì đó nhưng chủ yếu vẫn là… ở nhà. 

Cung con tan huong mua he
Chị Trần Vân Anh

Anh Phạm Phú Quốc: Giống nhiều gia đình trẻ khác ở thành phố, nhà tôi chỉ có vợ chồng con cái với nhau. Tôi thấy thời gian nghỉ hè thật sự của trẻ chỉ được vỏn vẹn gần 2 tháng, khá ít, nên vợ chồng tôi thường thu xếp công việc để gần gũi với các con nhiều hơn, cả nhà cùng đi du lịch hoặc đưa các con về quê.

Điều tôi quan tâm là giá trị cốt lõi mà mùa hè mang đến, là cho trẻ được nhiều trải nghiệm thực tế về kỹ năng sống. Tôi luôn muốn, vào mùa hè con mình được thoải mái bay nhảy. Có một lợi thế là tôi kinh doanh trong ngành du lịch, mùa các con nghỉ hè cũng là mùa du lịch, nên năm nào tôi cũng kết hợp cho các con đi theo; vừa trải nghiệm, vừa biết đây biết đó, lại không phải nhờ cậy ai trông con giúp. Hè năm ngoái, gia đình tôi đã đi được một số nơi, các con vui lắm.

Chị Triệu Thị Vẽ: Mùa hè của các con tôi thường bắt đầu từ 23/5 đến hết 15/8. Vợ chồng tôi vẫn phải đi làm nên thông thường sẽ lên lịch trước cho các con. Hồi nhỏ, lịch nghỉ hè của các con do ba mẹ quyết nhưng mấy năm nay chúng tôi hỏi ý kiến con. Lịch đó thường cụ thể như sau:

- Sẽ có một tuần con về quê chơi với ông bà.

- Chơi thể thao với lịch dày hơn lúc còn đi học.

- Sẽ đi du lịch một - hai chuyến, thường là hai chuyến, một xa một gần.

- Còn lại các con sẽ ở nhà đọc sách, chơi với nhau.

- Học một kỹ năng gì đó nếu con thích: ví dụ bé nhỏ học đàn nhiều hơn, bé lớn học vẽ.

Cung con tan huong mua he
Anh Phạm Phú Quốc

Cho con tự quyết định mùa hè của mình - Tại sao không? 

* Nói chuyện cùng con, cho phép trẻ tự quyết định mùa hè của mình có thể là một giải pháp. Dĩ nhiên là trong sự giám sát của mình. Anh chị có nghĩ đến điều này bao giờ chưa?

Chị Trần Vân Anh: Chúng tôi luôn nói chuyện, đưa ra những gợi ý cho con chọn, đương nhiên là đưa ra trong khuôn khổ điều kiện kinh tế gia đình. Hai con tôi từ nhỏ đã rất dân chủ, luôn được hướng theo kiểu tự ra quyết định. Vì thế, cả kế hoạch hè, con sẽ tự tìm hiểu rồi lựa chọn. Con có thể đưa ra ý kiến thuyết phục vì sao mình chọn nơi này, đi trong mấy ngày... Nếu thấy hợp lý, tôi sẽ “duyệt”. Con sẽ học được biết bao thứ từ những lần ra quyết định. 

Anh Phạm Phú Quốc: Tôi chưa hình dung về việc này như thế nào. Từ trước giờ và kể cả mùa hè tới, kế hoạch nghỉ hè của các con thường do vợ chồng tôi cùng thống nhất với nhau. Bắt đầu vào học kỳ II, thường chúng tôi sẽ có dự định cho kỳ nghỉ hè và bắt đầu tích lũy tài chính cho riêng việc này. Nhưng có lẽ tôi cũng nên suy nghĩ về ý tưởng này, biết đâu con sẽ thấy mùa hè hấp dẫn và lý thú hơn.

Quả thật, tôi cũng ít khi lắng nghe cảm xúc của con sau mỗi khóa học hoặc mỗi đợt đi chơi. Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng, hễ con vui là được. Có thể vài năm nữa, khi con vào cấp III, tôi sẽ trao cho con quyền quyết định mùa hè của mình.

Chị Triệu Thị Vẽ: Nói chuyện với trẻ để con quyết định mùa hè của mình là một ý kiến hay. Có lẽ năm nay tôi sẽ thử để các con tự lên một kế hoạch chi tiết, mình sẽ xem xét, thống nhất ý kiến với các con và cả nhà sẽ thực thi kế hoạch ấy. Đó cũng là cách tập cho con biết tổ chức và có trách nhiệm với những gì mình đề ra.

Nếu có khả năng sắp xếp, anh chị muốn mùa hè lý tưởng của con diễn ra như thế nào?

Chị Trần Vân Anh: Nếu có điều kiện, mỗi năm tôi muốn đưa con đi nghỉ hè ở một quốc gia có khung cảnh, thời tiết và nếp sống khác hoàn toàn với Việt Nam, để con thấy thế giới rộng lớn, phong phú và học hỏi được nhiều điều mới lạ.

Cung con tan huong mua he
Chị Triệu Thị Vẽ

Chị Triệu Thị Vẽ: Tôi không biết mùa hè lý tưởng của con là thế nào. Bởi lẽ mỗi người, tùy theo hoàn cảnh mà có những mong muốn khác nhau. Nhưng thiết nghĩ, đã là trẻ con, hè, có lẽ các con đều muốn chơi thoải mái với bạn bè cùng trang lứa, ba mẹ, ông bà trong một không gian an toàn, nhiều tiếng cười...

Anh Phạm Phú Quốc: Gia đình tôi luôn mong muốn có một kế hoạch nghỉ hè hợp lý cả về thời gian lẫn tài chính cho con từ rất sớm. Cha mẹ nào cũng nên tập trung đầu tư thời gian nhiều hơn cho con; cũng nên chi nhiều hơn (theo khả năng) cho thời gian hè của con. Cho con thấy được sự khác biệt, sự hấp dẫn theo từng thời gian trải nghiệm thì kết quả sự trưởng thành sẽ hiệu quả hơn. Đó chính là mùa hè lý tưởng trong suy nghĩ của chúng tôi: cùng con trưởng thành và lưu dấu kỷ niệm.

Để con có một “mùa hè đáng nhớ”

* Các học kỳ quân đội hay khóa du học hè với thời gian trung bình từ một đến vài tuần cũng chỉ là giải pháp tình thế trong thời gian ngắn, phù hợp với những gia đình có thu nhập khá trở lên. Anh chị có hướng nào để phần còn lại trong mùa hè của các con trôi qua một cách đáng nhớ? Với những trẻ lớn, làm thế nào để tránh cho trẻ khỏi những cạm bẫy nếu bé ở nhà một mình cùng smartphone, iPad...

Chị Trần Vân Anh: Thật may là các con tôi có cả đại gia đình nội ngoại ở quê, để có một chỗ đi về, thay đổi không gian sống ngoài bốn bức tường bức bối. Tôi cũng chưa từng cho con tham gia các khóa rèn luyện như chị nhắc đến, vì nghĩ đó cũng chỉ là giải pháp tình thế. Phần lớn thời gian hè, nếu có thể, tôi muốn con kết nối tình thân với gia đình, họ hàng nội ngoại để lớn lên, có đi xa, con vẫn luôn nhớ về quê hương. 

Mùa hè, tôi thường gửi các con về quê ở với ông bà một thời gian, vừa cho trẻ hít thở không khí trong lành, làm quen ruộng đồng thiên nhiên, vừa tạo mối quan hệ thân thiết với gia đình họ hàng. Cũng có khi tôi gửi con ở nhà anh em ruột, với mỗi nhà các cháu được ở chơi một tuần. Ở quê thì các con không có điều kiện vào internet nhiều. Khi gửi con, tôi cũng dặn dò người nhà “đuổi” bọn trẻ ra vườn chơi, phụ giúp ông bà cắt cỏ bỏ phân, quét dọn, cho gà vịt ăn... 

Chị Triệu Thị Vẽ: Để tránh cho con khỏi cạm bẫy nếu ở nhà với iPad, smartphone, ta có thể khuyến khích trẻ tham gia hoạt động mà con thích. Ví như, con trai lớn của tôi thích đá banh, con trai nhỏ thích đàn và chơi với thú cưng. Với bé gái nhỏ, ta có thể hướng bé đến niềm vui múa hát, tô màu; bé gái lớn có thể sẽ yêu thích nấu ăn, thêu thùa. Chúng ta chỉ có thể cố gắng hạn chế thôi, chứ thời buổi hiện tại, cấm tuyệt các con sử dụng công nghệ, tôi e là khó.

Anh Phạm Phú Quốc: Bố mẹ nên tôn trọng ý kiến của con nếu trẻ từ 8 tuổi trở lên, nhưng phải qua gợi ý của người lớn. Qua gợi ý ấy, khi đưa ra quyết định của mình, các con sẽ thấy thích thú hơn. Bố mẹ không nên áp đặt sự sắp xếp theo ý của mình vì dễ gây ức chế tâm lý con.

Nhà tôi thường cho các con cùng nhau tham gia một chuyến du lịch trên 4 ngày. Sau đó cho trẻ về quê để con được trải nghiệm cuộc sống và nét văn hóa tại địa phương. Thời gian còn lại nên cho con tham gia các khóa học ngắn hạn (bơi lội, cầu lông, bóng đá, làm bánh, làm kem hay chế biến các món ăn đơn giản…), thỉnh thoảng có thể đưa con đi xem phim hay các chương trình giải trí dành cho thiếu nhi.

 Lan Khôi (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI