edf40wrjww2tblPage:Content
RỘNG MỞ VIỆC HỌC, VIỆC LÀM
“Con tôi mới học hết lớp 10 nhưng không chịu học văn hóa nữa. Nếu cháu học nghề hay học trung cấp phải mất hai-ba năm, rồi chờ ba năm nữa mới được liên thông lên CĐ-ĐH... Như vậy là quá lâu. Có cách nào để học lấy bằng CĐ-ĐH nhanh hơn không?” - PH Nguyễn Văn Nhàn đặt câu hỏi mở đầu cho buổi giao lưu. ThS Phạm Thái Sơn - Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm, mách nước: ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM đang triển khai chương trình đào tạo 9+5, là một chương trình CĐ nghề chính quy dành cho học sinh (HS) tốt nghiệp THCS (lớp 9). Chương trình này không phải thi đầu vào, HS sẽ học song song các môn văn hóa (chương trình giáo dục thường xuyên) và chương trình CĐ nghề. Tốt nghiệp, các em được nhận bằng tốt nghiệp THPT và bằng CĐ, đồng thời có cơ hội học liên thông lên ĐH về sau. Lợi điểm của chương trình là rút ngắn thời gian đào tạo, sau 5 năm đã có thể tốt nghiệp CĐ (thay vì sáu năm nếu học xong THPT rồi mới vào CĐ), giảm chi phí đào tạo và đặc biệt là phù hợp với học lực của các em. Những HS đã học xong lớp 10 và 11 đều có thể tham gia chương trình này.
Tương tự, Trường CĐ nghề iSpace cũng xét tuyển (không thi tuyển) nhiều đợt trong năm cho chương trình CĐ 2,5 năm dành cho các em có bằng tốt nghiệp THPT. Đợt gần nhất sẽ tổ chức vào tháng 4/2014. Đó là chưa kể, kể từ năm 2014, Bộ GD-ĐT cho phép các trường ĐH được xét tuyển nhiều lần trong năm, những HS có học lực trung bình khá trở lên đều có cơ hội học tập.
Ở góc độ việc làm, TS kiệt297 băn khoăn: “Theo học ngành công nghệ thông tin (CNTT) thì cơ hội việc làm sau khi ra trường có nhiều không, chương trình đào tạo của các trường có sát với thực tế không?”. ThS Nguyễn Hoàng Anh - Hiệu trưởng Trường CĐ nghề iSpace khẳng định: trong quá trình đào tạo, các kỹ năng hành nghề của SV sẽ được chú trọng rèn luyện thông qua mô hình Học kỳ trải nghiệm (khoảng 500 giờ làm việc thực tế). Ngoài ra, trường còn cam kết giới thiệu việc làm đúng chuyên ngành cho tất cả SV trong vòng ba tháng sau khi tốt nghiệp.
ĐÀO TẠO HƯỚNG ĐẾN THỰC TẾ
Đã qua rồi cái thời “có gì dạy nấy”, đào tạo nặng lý thuyết, coi nhẹ thực hành. ThS Vương Thanh Long cho biết, hiện chương trình đào tạo ngành CNTT tại trường ĐH Văn Hiến rất chú trọng về ứng dụng các công nghệ, giúp SV vừa nắm vững lý thuyết, vừa thành thạo các kỹ năng thực hành, để khi ra trường có thể ứng dụng hiệu quả vào những công việc sẽ làm như: thiết kế và quản trị cơ sở dữ liệu, quản trị mạng internet…
Ngoài việc hướng quy trình đào tạo vào thực tế, điểm đáng ghi nhận ở các trường ĐH là chú trọng đến việc gắn kết đào tạo với việc làm qua mô hình Trung tâm hỗ trợ SV và quan hệ doanh nghiệp tạo điều kiện cho SV có chỗ thực tập cũng như có cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Trường ĐH Văn Hiến đã ký kết hợp tác với Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM nhằm cung cấp nguồn “sản phẩm” đầu ra. Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm cũng “bắt tay” với nhiều doanh nghiệp, đưa SV thực tập và giới thiệu việc làm. Trường ĐH Hoa Sen còn áp dụng chương trình đào tạo “xen kẽ” giữa lý thuyết và thực tiễn qua từng môn học, nhằm “đẩy” SV đến gần với công việc thực tế hơn. Tại trường ĐH Lạc Hồng, ngoài các đợt thực tập thường xuyên, toàn bộ SV phải đi lao động thực tế sáu tháng tại doanh nghiệp trước khi tốt nghiệp. Các trường ĐH Lạc Hồng và Hoa Sen còn có mối liên kết với hàng ngàn doanh nghiệp để có nơi cho SV thực tập và có nguồn sử dụng “sản phẩm” đầu ra.
THÍ SINH CÒN LƠ MƠ…
Ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Bộ GD-ĐT khẳng định: “Không mô tả được công việc của ngành mình muốn học sau khi ra trường là điểm yếu nhất của TS hiện nay”. Những câu hỏi của TS gửi về cho chương trình giao lưu trực tuyến cũng cho thấy nhiều TS còn rất “mơ hồ” về ngành mình dự định theo học. Một TS hỏi: “Cháu muốn biết ngành Việt Nam học sẽ học những gì? Ra trường có phải đi dạy không?”. ThS Vương Thanh Long trả lời: SV chuyên ngành này được trang bị về lý thuyết và kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ và tin học để có thể tham gia vào các công việc giới thiệu, quảng bá văn hóa Việt Nam trong thời mở cửa và hội nhập với thế giới. Sau khi tốt nghiệp, SV làm việc tại các cơ quan nghiên cứu, giảng dạy về văn hóa - xã hội, các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức có liên quan đến văn hóa, xã hội…
Có TS còn không hiểu được mình thuộc đối tượng và khu vực ưu tiên nào, thi tuyển - xét tuyển - nguyện vọng ra sao. Có em khi chọn ngành nghề lại theo “tiêu chí” sướng-khổ.
Tỷ lệ chọi là một yếu tố TS rất quan tâm và có ảnh hưởng lớn đến việc chọn ngành, chọn nghề của TS. Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành khuyên TS đừng “quan trọng hóa” thông tin này. Điều quan trọng là mỗi TS phải chuẩn bị cho mình kiến thức vững chắc và tâm lý thật thoải mái khi bước vào kỳ thi.
Còn rất nhiều câu hỏi của PH và TS gửi về cho chương trình nhưng chưa được giải đáp vì thời gian có hạn. Các chuyên gia tư vấn sẽ lần lượt giải đáp những câu hỏi đó và Báo Phụ Nữ sẽ đưa lên www.phunuonline.com.vn. Mời quý PH và TS đón đọc.
Nhóm PV giáo dục
Các chuyên gia tư vấn tham dự chương trình giao lưu trực tuyến gồm:
1. Ông Nguyễn Quốc Cường, Chuyên viên tuyển sinh Bộ GD-ĐT tại TP.HCM
2. Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Anh - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành
3. Thạc sĩ Phạm Thái Sơn - Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM
4. Thạc sĩ Vương Thanh Long - Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Văn Hiến
5. Ông Ngô Quốc Anh - Phó giám đốc Trung tâm Quan hệ doanh nghiệp - hỗ trợ SV, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng
6. Ông Nguyễn Hoàng Anh - Hiệu trưởng Trường CĐ nghề iSpace