Cùng con giải tỏa tâm lý tiêu cực nếu điểm thi thấp

17/07/2024 - 06:10

PNO - Hôm nay 17/7, ngành giáo dục công bố điểm thi tốt nghiệp THPT. Với các em học sinh, thi cử luôn là gánh nặng rất lớn. Báo Phụ nữ TPHCM đã phỏng vấn tiến sĩ tâm lý học Tô Nhi A - giảng viên Trường đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM - về giải pháp để phụ huynh, học sinh vượt qua cảm xúc, tâm lý tiêu cực nếu điểm thi không như kỳ vọng.

Tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A
Tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A

Phóng viên: Mới đây, một nam sinh ở Hà Nội đã tự tử vì điểm thi lớp Mười kém. Theo bà, vì sao học sinh lại có tâm lý tiêu cực trầm trọng đến như vậy?

Tiến sĩ Tô Nhi A: Áp lực học tập, cảm giác quá tải và tâm lý tiêu cực khi kết quả học tập không như ý của học sinh có thể do áp lực từ sự kỳ vọng hoặc sự áp đặt của gia đình. Áp lực từ xã hội, từ nhu cầu định vị bản thân bằng điểm số, giữa thế giới mạng luôn trình diễn thành công của nhiều người khác. Áp lực từ chính bản thân học sinh tìm kiếm cảm giác tự hào qua thành tích học tập. Áp lực đa chiều: từ yêu cầu của xã hội, từ những tiêu chuẩn đánh giá của hệ thống giáo dục, từ tiêu chí của các môi trường giáo dục mà các em muốn bước vào. Trong bối cảnh đó, học sinh thiếu sự hỗ trợ tâm lý, khiến các em cảm thấy cô đơn, phụ huynh bế tắc. Vì vậy, khi có kết quả không mong muốn, các em dễ xuất hiện hành vi tiêu cực.

* Làm sao để cha mẹ nhận diện được những vấn đề tâm lý tiêu cực nơi con?

- Tâm lý tiêu cực sau thất bại thi cử có thể sẽ bộc lộ thành một hành vi rất rõ ràng: tự cô lập. Con trở nên ít nói, trầm lặng, hoặc gắt gỏng, khó chịu. Con có thể ăn ít hoặc nhiều hơn, ăn cực đoan một nhóm chất nào đó và có thể ngủ rất nhiều, hoặc không ngủ, bỏ những thói quen lành mạnh như tập thể dục, đọc sách… Thậm chí, từ ý nghĩ mình không còn giá trị, các em có thể nổi loạn, xung đột với người khác, từ chối tham gia việc học để né tránh áp lực; thậm chí còn tìm dùng chất gây nghiện, hành động chống đối, phạm pháp.

* Khi con có những suy nghĩ tiêu cực, cha mẹ nên làm gì?

- Một khi kết quả thi không như mong muốn sau khi đã nỗ lực thì cha mẹ và con hãy xem đó như một dữ liệu để hiểu rõ hơn về năng lực của con, để một lần nữa tính toán lại mục tiêu cần đạt. Hãy lắng nghe, tránh phán xét, định tội, để con cảm thấy mình có nơi an toàn mà nói ra tâm tư từ thất bại thi cử. Sự lạc quan của phụ huynh rất quan trọng, hãy cho con thấy luôn có rất nhiều phương án, con đường… Cuộc thi không phải là cuộc đời và con sẽ phải trải qua rất nhiều cuộc thi trong cuộc đời của mình. Cha mẹ cần cho con thấy, gia đình luôn là nơi để con nương tựa, quay về khi thất bại. Cha mẹ cũng tiếp tục duy trì cảm giác an toàn cho con để con có thể đứng lên từ thất bại của mình, và không đồng nhất điểm thi thấp với giá trị của con.

Điều quan trọng nhất là giá trị của trẻ không nằm duy nhất trên điểm số, mà còn ở rất nhiều thuộc tính nhân cách khác mà trẻ sẽ học, trải nghiệm từ cuộc sống. Vì vậy, cha mẹ hãy hướng tới một đứa trẻ bình an, hạnh phúc, có chí cầu tiến chứ không phải là một đứa trẻ chỉ có thông tin duy nhất được mô tả là: điểm cao.

Thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 xem phòng thi  tại điểm thi Trường THPT  Trần Khai Nguyên  (quận 5, TPHCM)  - ẢNH: TRANG THƯ
Thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 xem phòng thi tại điểm thi Trường THPT Trần Khai Nguyên (quận 5, TPHCM) - Ảnh: Trang Thư

* Bà có lời khuyên nào dành cho các phụ huynh đang hoang mang không biết nên hỗ trợ con thế nào trong học tập?

- Để có thể tác động một cách tích cực đến con, phụ huynh cần tập trung vào con, lấy con làm trung tâm. Tập trung vào năng lực, nguyện vọng, mục tiêu của con. Từ đó, cùng con đưa ra những giải pháp, cũng như mức độ thành tích phù hợp. Giúp con thấy những tiến bộ và nỗ lực của con, để con hiểu đây là hành trình của mình, dựa trên sức của mình với giải pháp đã được thiết kế theo những khả năng mình có được. Đừng ngại khen ngợi con trong từng hạng mục mà con đạt được dù nhỏ nhất. Sự ghi nhận này làm con cảm thấy mình có giá trị và con sẽ yên tâm nỗ lực của mình vẫn đang được cha mẹ quan sát mỗi ngày.

Trẻ cũng cần một môi trường học tập mang tính làm gương, ví dụ ở đó, phụ huynh vẫn học tập mỗi ngày. Trẻ sẽ hiểu rằng việc học có giá trị và theo đuổi nó là điều mà mọi người đều đang làm.
Cuối cùng, đừng quên những hoạt động cộng đồng, thể thao, giải trí, thiện nguyện, và những hoạt động chung với gia đình. Những hoạt động này giúp cuộc sống con cân bằng, không quá phụ thuộc cảm xúc vào việc học.
* Xin cảm ơn bà.

Tránh những lời an ủi tác dụng ngược

Cha mẹ cần tránh những kiểu động viên quen thuộc với con nhưng có thể tác dụng ngược. “Con phải cố gắng hơn nữa” - nghe vậy, con sẽ hiểu là mình chưa đủ cố gắng. Con có thể rơi ngay vào trạng thái hoang mang và cảm thấy mình không đủ khả năng để đáp ứng kỳ vọng của cha mẹ.
“Cha mẹ kỳ vọng vào con nhiều lắm, con đừng làm cha mẹ thất vọng”. Câu này vô tình gieo cho con áp lực vì phải gánh vác thêm kỳ vọng của cha mẹ, và nếu kết quả không như mong muốn, sẽ khiến con cảm thấy “mình vô dụng” và cảm giác thất bại gia tăng.
“Con chỉ cần tập trung học, không cần phải làm gì hết” - câu động viên này vô tình cho thấy giá trị của con nằm hoàn toàn ở điểm số. Vì thế, nếu điểm thấp, con sẽ thấy bản thân không còn giá trị gì khác. Trong khi, nếu không có câu này, con hoàn toàn có thể tìm được sự cân bằng ở những khía cạnh, năng lực khác của con.

Tiến sĩ Tô Nhi A

Thùy Dương (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI