Lúc mới về ra mắt nhà chồng, tôi đã phải khóc lên khóc xuống và nghĩ đến chuyện chia tay bởi mẹ chồng tỏ rõ thái độ không ưa thậm chí ghét bỏ. Nhớ bữa cơm đầu tiên tôi nấu, bà chê hết món này đến món kia, thậm chí còn cười cợt: “Nấu cho người ăn hay heo ăn thế”. Nguyên nhân chỉ vì tôi không phải dân thành phố, giọng nói trọ trẹ khó nghe và gia đình lao động.
|
Mẹ chồng tôi vốn rất đảm đang nên bà cũng khắc nghiệt với các nàng dâu. Ảnh minh họa |
Vì yêu nên chồng tôi bỏ qua mọi ngăn cản của mẹ để lấy tôi. Khi về làm dâu, tôi biết mình sẽ có cuộc sống khá khắc nghiệt nên phần nào chuẩn bị tâm lý. Biết là không thể ở riêng, tôi đành xuống nước, tìm cách “chinh phục” bà thay vì đối kháng. Nhờ suy nghĩ như thế nên dù bà có ghê gớm đến mức nào, tôi cũng cố gắng chịu đựng đồng thời tỏ rõ thiện ý muốn chung sống hòa bình.
Nhờ mấy chị đồng nghiệp làm dâu lâu năm tư vấn, tôi biết các bà mẹ chồng luôn muốn con dâu quan tâm đến công việc nhà chồng. Vì thế tôi không thờ ơ hay tìm cách trốn tránh khi nhà có việc, nhưng tìm cách giải quyết theo hướng tiện cho mình.
Gia đình chồng tôi vốn là nơi thờ tự của cả họ nên giỗ chạp rất nhiều. Tính ra, nếu phải xin nghỉ làm để lo việc gia đình thì có lẽ tôi phải nghỉ tổng cộng gần một tháng. Tất nhiên điều đó là không thể vì tôi làm kinh doanh, thời gian là vàng bạc. Vậy nên, mỗi lần nhà có việc, tôi đều tìm cách đưa trước cho mẹ chồng một khoản tiền cùng lời nhờ vả “con bận việc nên mẹ lo giúp con với”.
Mẹ chồng chẳng thể từ chối vì việc này là trách nhiệm chung chứ đâu phải riêng tôi. Cẩn thận hơn, tôi luôn chọn những giỏ quả tươi ngon về đặt lên bàn thờ thắp nhang trước khi đi làm, họ hàng đến hỏi về tôi thì mẹ chồng không thể phàn nàn vì “há miệng mắc quai”. Bởi vậy, hôm nào được nghỉ thì phụ mẹ còn bận việc thì cứ đi làm mà nhà chồng chẳng thể lời ra tiếng vào.
Mặc dù rất muốn chiều theo ý mẹ chồng nhưng có nhiều chuyện tôi cũng cần có chính kiến đúng lúc. Bởi nếu tôi nhẫn nhịn khi bị mẹ chồng nhắc nhở vô lý thì bà sẽ cho mình luôn luôn đúng và tôi sẽ bị ức chế. Vốn là người nấu nướng khá đảm đang, nhưng đôi lần, khi vào bếp cùng với mẹ chồng, bà luôn chê cách tôi nấu.
|
Khi mới làm dâu, mẹ chồng luôn chê tôi. Ảnh minh họa |
Dĩ nhiên là tôi khó chịu nhưng không im lặng, chỉ nói nhẹ nhàng: “Con thử nấu, lát mẹ ăn xem có ngon không nhé”. Có thể mẹ chồng đánh giá không công bằng nhưng các thành viên khác trong gia đình đều khen ngon thì bà không thể nói gì. Tôi nghĩ, nếu mình làm đúng thì cứ giữ chính kiến của mình, chẳng vì mẹ chồng nói này nói kia mà thay đổi với cách không phù hợp.
Ban đầu, tôi biết, mẹ chồng vốn không thích mình nên tìm cách soi mói, vì vậy tôi phải tìm cách đảm bảo mẹ chồng không thể can thiệp được vào việc riêng của mình.
Nhiều lần, mẹ chồng phàn nàn sau lưng tôi chuyện hay bỏ cơm nhà, đi sớm về muộn. Tôi biết vậy nhưng không giải thích gì nhiều, đợi đến lúc cả nhà quây quần mới nói: “Công việc của con rất bận nên không về ăn cơm đúng giờ nên lúc nào con gọi điện thì mẹ nấu cho con, nếu không thì thôi chứ lãng phí”.
Nghe tôi lặp lại ý kiến của mình theo một cách nói khác, mẹ chồng ngầm hiểu cô con dâu mình không phải là không biết phải trái. Bởi vậy, tôi vẫn gặp gỡ bạn bè, đối tác sau giờ làm chứ không phải lo ngay ngáy về sớm kẻo mẹ chồng phàn nàn.
Kể cả khi có con cũng vậy, tôi nuôi con theo phương pháp hiện đại trong khi mẹ chồng lại thích truyền thống. Thay vì cự nự, tôi vui vẻ áp dụng cách của mình rồi tranh thủ mua sách về cho bà đọc để hiểu hơn. Lúc đầu mẹ chồng thấy khó chịu nhưng sau dần nhìn cháu khỏe mạnh bụ bẫm cũng phải thừa nhận tôi chăm con khéo.
Tôi xác định sẽ ở chung với ba mẹ chồng nên thay vì đối đầu, tôi luôn dùng phương pháp đối thoại. Mẹ chồng luôn dậy sớm để làm việc nhà, ngày thường, tôi cũng vậy nhưng cuối tuần, tôi muốn ngủ nướng.
|
Mẹ chồng nào chẳng thích khen, an ủi, động viên. Mẹ chồng tôi cũng vậy thôi. Ảnh minh họa |
Tất nhiên là mẹ chồng khó chịu cố ý gây tiếng động làm tôi ngủ không được. Biết ý vậy nên có lần tôi thủ thỉ với mẹ chồng: “Thứ 7, Chủ nhật mẹ cho con ngủ nướng tí nhé, cả tuần mệt rồi”. Bà chẳng thể nào mà từ chối lời đề nghị đó và đã đồng ý thì không thể “đá thúng đụng nia” được.
Nắm được tâm lý của bà thích được khen ngợi, tỏ ra có uy với con dâu nên trước mặt mọi người tôi đều ủng hộ ý kiến của mẹ chồng. Khi sinh con hơn tháng, các bà các cô đến chơi và chia sẻ kinh nghiệm kiểu gì tôi cũng “dạ” và luôn kèm theo câu: “Bà nội cu Bin cũng nói thế”, làm mẹ chồng mát lòng mát dạ.
Khi có mặt đông người, mẹ bảo gì là tôi làm nấy chứ chẳng bao giờ nói lại nên nhìn bề ngoài, mọi người vẫn nghĩ con dâu rất nể phục bà. Mẹ chồng thấy thế vui, khoe con dâu ngoan hiền với các bà bạn, khi đã như thế thì cấm đặt điều nói xấu được. Tôi nghĩ “tránh voi chẳng xấu mặt nào” cả, cứ giữ thể diện cho mẹ chồng thì cuộc sống thường ngày cũng đỡ ngột ngạt hơn.
Theo tôi, điều rất quan trọng trong quá trình chinh phục mẹ chồng là phải luôn làm chủ kinh tế. Mẹ chồng luôn nể trọng con dâu làm ra tiền, có tiền thì tiếng nói cũng có trọng lượng hơn.
Bởi thế, ở nhà, vật dụng gì hư chỉ cần mẹ chồng nói là tôi đi khuân đồ mới về ngay. Chẳng phải tôi không tính toán nhưng trước sau gì đây cũng là nhà của vợ chồng tôi, sắm cũng không thừa.
Thỉnh thoảng, tôi mua quà biếu mẹ, mua tour cho bố mẹ chồng đi du lịch vì biết tâm lý người già thích được quan tâm. Dưới quê xây nhà thờ tôi cũng thoáng tay góp vài chục triệu thay phần bố mẹ chồng.
Dĩ nhiên mẹ chồng rất ưng ý bởi tôi biết ông bà cũng chẳng để dành được bao nhiêu, làm vậy cũng là trọn chữ hiếu đồng thời làm nở mày nở mặt nhà chồng.
Sau hai năm, tôi thực sự đã “chinh phục” được mẹ chồng khó tính. Không phải nói quá chứ, trong số các chị em bạn dâu, bao giờ bà cũng quan tâm và nể trọng tôi nhất, việc gì trong gia đình đều hỏi ý kiến của tôi.
Tất nhiên, để làm được điều đó, tôi cũng phải dẹp bỏ cái tôi của mình, chịu đựng và nhẫn nhịn khá lâu mới được mẹ chồng ghi nhận.
Hồng Nhung