Cúng cháo gà ngày Mùng 3 và “vụ án” gà 4 chân của má

24/01/2023 - 06:08

PNO - Trong các lễ tục cúng bái đậm đà bản sắc dân tộc ngày tết cổ truyền của người Việt, thì việc “cúng gà mùng ba” không có nhiều lý giải cũng như không có sự tích như các lễ tục khác. Đơn giản đó là lễ đưa ông bà, tổ tiên trở về nơi ở của họ sau mấy ngày ăn tết với con cháu.

 

Chuẩn bị ăn Tết, nhà nào có thờ ông bà, muộn lắm hăm chín, ba mươi là cúng rước ông bà về ăn tết. Có rước về thì có đưa đi. Dân gian chọn hừng đông sớm ngày Mùng 3 làm ngày đưa tiễn ông bà với món gà nấu cháo. Còn tại sao lại là gà nấu cháo thì không nghe kể tích gì.

Ngoài thể hiện “Chim có tổ người có tông” cùng đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, lễ cúng tiễn đưa ông bà ngày đầu năm còn thể hiện sự cầu mong tổ tiên ban phước cho con cháu được một năm nhiều may mắn, sức khỏe, làm ăn phát tài. Và bao nhiêu hy vọng người ta đặt hết vào cặp chân gà để tiên đoán thời vận cả năm cho chủ nhà... Dân gian cho rằng, chân gà bên phải là tài (vật chất, tiền bạc), còn chân bên trái là mệnh (sức khỏe, thời vận). Chân gà tốt phải hồng hào, nhuận sắc, bàn chân gà đầy đặn, các ngón chân gà chụm lại, khít khao, không có khe hở…  

Cũng giống như bao lão nông ở miệt sông nước, ông nội tôi cũng là tín đồ “coi bói” chân gà. Năm nào cúng  Mùng 3 xong, bà nội tôi cũng lắc cặp chân gà đưa cho ông. Trong thời gian bà xé phay gà, xắt chuối trộn gỏi dưới bếp thì ông nội ngồi nhà trên đăm chiêu ngắm nghía cặp chân gà, lúc thì ông chau mày, khi thì gật gù ra chiều khoái chí. Nhìn ông tập trung vẻ mặt rất khẩn trương, tôi im re ngồi chờ ăn, không dám “manh động”.

Cũng vì cặp chân gà mùng ba mà hồi má tôi mới về làm dâu, đã từng gây ra một “vụ án oan”. Má tôi kể, năm đó cũng Mùng 3 tết, cái tết đầu tiên má tôi về làm dâu nhà nội. Một cô gái nghèo may mắn về làm dâu nhà ông hội đồng, má tôi sợ ông nội đến nỗi cả năm trời chưa dám lần nào nhìn thẳng mặt ông.

Sáng Mùng 3 tết năm đó, gà mới bắt đầu gáy hiệp chót, ngoài trời còn chưa tỏ, má đã dậy bắt nước mần gà. Con gà trống được bà nội lựa thiệt kỹ, nhốt vào bội từ chiều ba mươi, cả bầy chạy chục lựa được có một con. Con gà giò chừng non ký, no tròn, chắc nịch, lông vàng, chân vàng, cái màu mới nhú đo đỏ như trái dâu tây, đặc biệt, cặp chân thẳng đuột,  không có lấy một vết thẹo, ngón đều tăm tắp, cái cựa nhỏ xíu vừa nhú lên tròn ủm...

Mặc dù hồi ở nhà ngoại, má cũng từng luộc gà cúng Mùng 3 nhưng lần đầu tiên làm dâu, má run lắm. Má ngồi lẩm nhẩm như thí sinh ôn bài trước giờ thi. Sau một hồi vả mồ hôi, nhìn con gà hai cánh chéo nhau kẹp vào cái đầu gà ngó thẳng về phía trước, miệng há rất oai phong, má thở phào.

Đến luộc gà mới là công đoạn quyết định, làm sao để gà chín đều mà hình dáng vẫn giữ được nguyên vẹn, da gà không bị nứt mà thịt gà chín đều không còn chỗ sống. Cái này sau tôi lớn lên được má dạy, phải cho gà vào nồi nước khi nước còn lạnh, khi nước trong nồi luộc gà đã sôi, thì bớt lửa, hớt bọt. Đặc biệt trong quá trình luộc gà không được đậy nắp nồi.

Sau khi cúng xong, má bưng con gà xuống để trên bộ ván ngựa trong bếp, xách dao ra vườn chặt cây chuối hột chưa trổ buồng vô xắt trộn gỏi, xé phay gà. Chừng è ạch vác cây chuối vô thì phát hiện con gà đâu mất cặp chân, má nói lúc đó má sống không bằng chết, tim đập, chân run. Má ngồi dựa lu gạo, nước mắt chảy ra, ước gì có ông bụt hiện lên hỏi “Tại sao con khóc”. Cầu được ước thấy. Nhưng không phải ông bụt mà là bà nội tôi.

Phần vì sợ ông nội, phần vì thương má, bà nội cầm dao vô chuồng gà quơ đại con gà trống tơ cắt phăng cặp chân, kêu má bắt nước lên luộc gấp, còn con gà bà nội mần kho xã ớt.

Má luộc xong cặp chân gà đem lên cho ông nội thì… hỡi ơi, ông nội đang bắc cái ghế đẩu vói lên treo cặp chân gà phía trên cánh cửa cùng với mấy trái cau và lá bùa dựng nêu có hình ông cọp.

Thì ra lúc má tôi ra vườn đốn chuối, ông nội nóng ruột quá xuống bếp lấy cặp chân gà lên “coi bói”. Vụ án con gà 4 chân trở thành giai thoại trong họ hàng gia tộc nhà tôi cho tới tận bây giờ.

Bây giờ cứ mỗi bận Mùng 3 tết, năm nào má tôi cũng nhắc lại “vụ án” cười ra nước mắt này. Bằng giọng điệu hài hước, câu chuyện được má thêu dệt y như một chuyện trinh thám, phá án ly kỳ với đầy đủ “máu” và nước mắt lẫn niềm hân hoan trong năm mới.

Lương Gia Cát Tường

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI