Cùng cha đi săn cá mát

28/06/2021 - 18:17

PNO - Tôi luôn nhớ về cha, người đàn ông rám nắng, thoăn thoắt với những cuộc săn cá ở suối xa sông gần, nhưng thâm trầm, vững chãi, lặng yên ngồi cùng tôi bên bờ đá nhỏ.

Cuối xuân đầu hạ, khi cái nắng hanh hao phủ khắp núi rừng cũng là lúc tôi theo cha ngược lên thượng nguồn săn cá mát. 

Nhà tôi nằm trên khu đất ở lưng chừng đồi, lưng tựa vào núi, mặt hướng ra nhánh sông quanh năm thao thiết chảy về phía đồng bằng. Thượng nguồn của dòng sông được dân bản quê tôi gọi là Acho.

Khoảng tháng Ba tháng Tư âm lịch, nơi đây trở thành điểm hẹn lý tưởng cho những cuộc săn cá mát. Với nhiều kinh nghiệm lặn ngụp và đoán luồng cá chạy, cha tôi được mọi người xem là một “rái cá”.


Cha thường bắt đầu cuộc săn của mình vào lúc sáng sớm. Vì quãng đường khá xa, phải di chuyển nhiều nên ngoài túi đồ nghề tươm tất với đủ loại ngư cụ và mồi câu, cha còn mang theo một túi vải, trong đó chứa phần xôi nếp nóng hổi mẹ vừa trao tay. 

Đến bìa rừng, cha phăm phăm xuống dốc, hướng đến một đoạn suối nguyên sơ khuất lấp sau lùm cây rậm. Trên bờ nhiều cuội to cuội nhỏ, dưới suối nước trong xanh đến mức có thể soi tỏ mặt người. 

Sau khi dùng bữa trưa, cha bắt đầu soạn tay lưới. Ông bảo: “Cá mát sống ở các khe đá, ăn rong rêu. Chúng thường tỏa đi kiếm ăn khi mặt trời chếch bóng về bên kia núi hoặc vào tối đêm. Khi nước sông hồ hạ lưu ô nhiễm và người ta rà điện đánh bắt nên cá ít hẳn. Chỉ ở vùng thượng nguồn này còn nhiều loại cá ngon”. 

Nếu bắt cá chình phải dùng lưỡi câu thì với cá mát cha lại dùng lưới, loại lưới có mắt lưới nhỏ, vì con cá mát to nhất chỉ cỡ 3-4 ngón tay. 

Cũng như rau rừng, cá mát là đặc sản, là món quà thiên nhiên đã ban tặng cho dân bản tôi. Cá mát nấu món gì cũng ngon, từ nướng trui đến hấp hành, kho lạt hay nấu canh chua. Trong đó, đặc biệt nhất phải kể đến món cheo cá mát, một món ăn “gây thương nhớ” bởi nhiều hương vị quyện hòa đặc biệt. 

Cá mát sau khi được cha đánh bắt về, giao lại cho mẹ, sẽ được bà làm sạch ruột, rửa kỹ lớp rêu bám ngoài thân và mang cá. Sau đó, mẹ dùng các thanh tre chẻ nhỏ, vót nhọn một đầu để xiên cá thành xâu. Mỗi xâu cá độ từ 5-10 con.

Rồi mẹ treo cá trên giàn bếp (lúc nắng to thì phơi ngoài trời). Chục ngày sau, cá đủ độ khô sẽ được đem xé nhỏ, chế biến thành món cheo. 

Món cheo cá mát khi nhìn vào gần giống như món chà bông được làm từ thịt heo ở dưới xuôi, nhưng khi ăn sẽ cảm nhận được sự khác biệt rõ rệt. Nó không dai như chà bông nhưng có vị ngọt đậm hơn. Với những người giỏi chế biến, món cheo cá mát sẽ được biến tấu để có vị dễ ăn hơn. Và tất nhiên, mẹ tôi chính là một đầu bếp lành nghề.

Món cheo của mẹ luôn quyện hòa và bắt miệng nhờ vị bùi ngọt của thịt cá, hương thơm của tiêu rừng và cay nồng của một ít muối hạt giã nhuyễn với ớt khô. 

Tại miền đất trập trùng gió núi và sương trời như quê tôi, quả thực sẽ không có một món thực phẩm dự trữ nào lý tưởng hơn món cheo cá mát. Bốn mùa trong năm, mẹ đều cẩn thận để dành những hũ cheo thơm nưng nức.

Chị em tôi thường được mẹ cho ăn kèm cheo cá mát với xôi nếp than, loại nếp đặc sản được gieo trồng trên núi đồi Trường Sơn. Cứ một vắt xôi lại được chấm với một ít cheo. Xôi dẻo thơm đẩy đưa tung hứng với cheo cá đậm vị, cay xè…

Cheo cá mát thơm nức mũi
Cheo cá mát thơm nức mũi

Bây giờ, dù đã đi qua bao ngọn núi, nhưng mỗi dịp nhớ nhà, tôi vẫn luôn hình dung về mẹ, người phụ nữ ngày đêm cặm cụi không ngừng bên gian bếp bập bùng lửa. Tôi luôn nhớ về cha, người đàn ông rám nắng, thoăn thoắt với những cuộc săn cá ở suối xa sông gần, nhưng thâm trầm, vững chãi, lặng yên ngồi cùng tôi bên bờ đá nhỏ.

Khi hai cha con nướng cá, ông kể tôi nghe những câu chuyện về thần rừng, thần sông, về tộc người kiêu hùng từng theo chân thủ lĩnh tìm đến bên ngọn núi thiêng để bạt đá mở làng.

Tôi sẽ nhớ mãi mùi cá nướng thơm lừng và làn gió từ suối thổi lên, mát rượi giữa đại ngàn lặng im… 

Minh Thi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI