Giới trẻ đang có xu hướng check-in tại các địa điểm từng xuất hiện ấn tượng trên phim hay các sản phẩm âm nhạc. Trào lưu này của giới trẻ giúp các địa danh trở thành chốn khám phá mới, hoặc đưa những di tích bị lãng quên trở lại trên bản đồ du lịch.
Nếu Mắt biếc biến một nhà dân bình thường – từng là nhà của nhân vật Hà Lan ở trên phim thành quán cà phê hút khách sau khi phim rời rạp, thì MV Không thể cùng nhau suốt kiếp của Hoà Minzy đã đưa cung An Định (thuộc Quần thể di tích Cố đô) trở lại thành điểm du lịch hấp dẫn.
|
Những địa danh bỗng chốc nổi tiếng sau khi xuất hiện trên phim, MV trở thành điểm du lịch thu hút giới trẻ. |
Việc tìm ra các địa danh đẹp nhưng ít được biết đến không chỉ giúp tác phẩm nghệ thuật được chú ý mà sau đó, tên địa điểm gần như gắn liền với tên tác phẩm. Điều này vừa giúp bộ phim, MV được nhớ đến vừa giúp kích cầu du lịch tại địa phương. Một số sản phẩm nghệ thuật đã làm rất tốt điều này, có kể đến như phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2015), Mắt biếc (2019), Tháng năm rực rỡ (2018), Kong: Skull Island (2017)...
1. Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2015) và cảnh đẹp nao lòng tại Phú Yên
Bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của đạo diễn Victor Vũ lấy bối cảnh chính tại Phú Yên. Cùng với kịch bản giàu chất thơ từ truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, những cảnh quay tuyệt đẹp tại Phú Yên giúp phim trở thành hiện tượng phòng vé năm 2015.
|
Đồi cỏ xanh tại Bãi Xép trở thành địa điểm thu hút khách du lịch vì từ vị trí này, du khách có thể phóng tầm mắt nhìn thấy biển xanh mênh mông trước mắt. |
Những thước phim được Victor Vũ thực hiện chỉn chu, tôn lên được vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên. Điều mà bộ phim làm được là giới thiệu một số địa danh vốn quen thuộc với dân địa phương nhưng hoàn toàn mới lạ với du khách. Do vậy, sau khi phim ra rạp, nhiều tín đồ du lịch muốn tìm đến khám phá. Theo thống kê, trước khi Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh ra mắt, du lịch tại Phú Yên tăng trung bình 12 – 13%/năm nhưng sau phim, tốc độ tăng 20%, có năm 30%.
|
Cầu gỗ Ông Cọp cũng được ê-kíp đoàn phim chọn thực hiện cảnh quay. Đây là cây cầu gỗ dài nhất Việt Nam, toạ lạc xã Bình Thạnh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Cầu bắc qua sông Bình Bá, dài hơn 700m. |
Một số cảnh đẹp xuất hiện trên phim như bãi Xép, ngôi trường làng, cầu gỗ bắc qua sông... đều được nhiều khách du lịch tìm đến. 5 năm sau khi phim ra mắt, lượng khách đổ về các bối cảnh trên phim vẫn được duy trì, thậm chí dịp Tết Nguyên đán 2020 vừa qua, xảy ra tình trạng kẹt xe hàng dài ở địa điểm dẫn vào gành Đá Dĩa. Nhiều quán cà phê, điểm lưu trú cũng được đặt theo tên bộ phim. Trong đó, bãi Xép - nơi có đồi cỏ xanh hút mắt cho anh em Thiều, Tường thả diều giờ đây được biết đến nhiều hơn với tên đồi Hoa vàng trên cỏ xanh.
|
Đến Phú Yên, chỉ cần chọn tour "Hoa vàng trên cỏ xanh", người dân sẽ biết để chỉ bạn đến các bối cảnh từng xuất hiện trên phim. |
2. Mắt biếc (2019) tạo cơn sốt du lịch tại Huế
Mắt biếc là bộ phim thành công tiếp theo của Victor Vũ được chuyển thể nội dung từ tác phẩm cùng tên của Nguyễn Nhật Ánh. Trong phim, khung cảnh thơ mộng của làng Đo Đo - nơi Ngạn và Hà Lan lớn lên dầy ấn tượng với bối cảnh đồi hoa sim tím, chợ làng, cây vông đồng – cây cô đơn, trường tiểu học Đo Đo...
|
Ngôi nhà Hà Lan từng ở khi lên thành phố giờ là quán cà phê Mắt biếc, ỏ địa chỉ 66 phố cổ Bao Vinh. |
Dù theo truyện, làng Đo Đo ở Quảng Nam nhưng bối cảnh quay chính được thực hiện ở thị xã Hương Trà và huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Do đó, sau khi phim ra rạp, nhiều địa danh trên phim tại Huế trở thành “điểm phải đến” khi đi du lịch Huế.
Hiện một số công ty lữ hành đã đưa vào khai thác tour Mắt biếc khám phá các bối cảnh trên phim. Trong đó, rừng thông đồi Thiên An, cây vông đồng, nhà số 66 ở phố cổ Bao Vinh – nhà của Hà Lan từng ở là 3 địa điểm được du khách lui tới nhiều nhất.
|
Nơi Ngạn và Hà Lan từng ngồi nói chuyện cũng trở thành một điểm đến trong tour Mắt biếc. |
|
Cây cô đơn trong phim nơi Ngạn khắc lên 2 chữ "mắt biếc" cũng được giới trẻ thường xuyên lui tới chụp ảnh. |
|
Đồi hoa sim tím trong phim được đạo diễn Victor Vũ cho bày trí hoa để giống nguyên tác. Còn hiện tại, nếu du khách đến đồi thông Thiên An chỉ có thể thấy cây cối, không có hoa như trên phim. |
3. Tháng năm rực rỡ và con dốc "thần thánh" tại Đà Lạt
Thành phố Đà Lạt lâu nay được các nhà sản xuất phim lựa chọn làm bối cảnh cho rất nhiều dự án. Trong đó, Tháng năm rực rỡ - bộ phim được đạo diễn Quang Dũng chọn remake từ kịch bản của Hàn Quốc làm tốt công việc quảng bá du lịch sau khi phim ra rạp. Với Tháng năm rực rỡ, địa điểm được giới trẻ để mắt đến nhiều nhất là con dốc nằm ngay đường Đào Duy Từ, phường 4, Đà Lạt. Con dốc có tên gọi khác là dốc Nhà Bò.
|
Dốc Nhà Bò xuất hiện trên phim ở cảnh Hiểu Phương chạy theo mối tình đầu. |
Trong phim, nhân vật Hiểu Phương (Hoàng Yến Chibi thủ vai) xuất hiện tại con dốc này để chạy theo mối tình đầu. Bối cảnh tại dốc Nhà Bò được quay chớp nhoáng nhưng thu hút sự chú ý của khán giả vì cảnh trên phim vừa nên thơ, vừa đáng yêu nhờ diễn xuất của nhân vật.
|
Dốc Nhà Bò trở thành điểm thăm thú quen thuộc khi khách đến du lịch tại Đà Lạt nhưng sau nhiều vụ tai nạn cũng như tình trạng tụ tập đông đúc, tháng 4/2019, Ban An toàn Giao thông của khu phố đã dựng biển cấm tụ tập, chụp hình. |
Theo người dân Đà Lạt, nơi đây được gọi là dốc Nhà Bò vì từ năm 1953, ở cuối dốc là vị trí đặt chuồng bò của người Pháp. Dốc Nhà Bò là đường tắt để người dân đi từ trung tâm thành phố lên Dinh Bảo Đại thay vì phải vòng quãng đường khá xa.
Tuy nhiên, nếu muốn đi gần, bạn phải cam kết luôn vững tay lai vì dốc dựng đứng, đặc biệt vào mùa mưa đường trơn trợt, dễ xảy ra tai nạn. Từ tháng 4/2019, Ban An toàn Giao thông khu phố đã cho dựng biển mang nội dung “Cấm quay phim chụp hình, dốc đứng nguy hiểm thường xuyên xảy ra tai nạn”, vì nhận thấy việc tụ tập đông đúc ảnh hưởng giao thông và một số tai nạn đáng tiếc đã xảy ra.
4. MV Không thể cùng nhau suốt kiếp và cung An Định "lên ngôi"
MV Không thể cùng nhau suốt kiếp của ca sĩ Hoà Minzy lấy bối cảnh chính tại cung An Định bên cạnh một số địa điểm khác của thành phố Huế. Trong MV, Hoà Minzy và các diễn viên mô tả lại cuộc sống ngày trước của vua Bảo Đại, Nam Phương hoàng hậu cùng các con. Sự chuẩn bị chỉn chu của ê-kíp cùng với hỗ trợ từ ban quản lý di tích đã giúp đạo diễn Kawaii hoàn thành xuất sắc phần quay hình.
|
Cổng cung An Định trở thành bức tường chụp ảnh khá lý tưởng nếu các bạn trẻ ăn mặc cùng tông màu. |
Sau khi MV ra mắt, cung An Định trở thành địa điểm tiếp theo được giới du lịch chọn lựa mỗi khi đến Huế. Còn trước đây, do không nổi tiếng bằng khu Đại Nội, chùa Thiên Mụ, lăng vua Khải Định... nên cung An Định không được nhiều người chọn đến tham quan vì có quá nhiều cảnh đẹp khác tại Huế được quảng bá rầm rộ hơn.
|
Kiến trúc của công trình hơn 100 năm tuổi mang vẻ đẹp cổ kính. |
Cung An Định được xây dựng vào năm 1917, là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo của triều Nguyễn, mang phong cách châu Âu kết hợp nội thất, trang trí theo phong cách truyền thống cung đình. Nơi đây từng là địa điểm tổ chức các lễ hội quan trọng của dòng tộc, nơi gặp gỡ của các quần thần. Năm 2002, cung An Định được giao lại cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế để quản lý và lên kế hoạch tôn tạo, trung tu.
|
Phía bên trong cung An Định trưng bày một số vật dụng từ thời vua Bảo Đại. Cung An Định kết hợp giữa kiến trúc Đông - Tây. Sử dụng nội thất nhiều quốc gia để bày biện, trang trí. |
Minh Tú