Họ là quan chức, doanh nhân, kẻ đau ốm, người hoạn nạn, bà khấn xin con, ông cầu trúng lớn, học trò chuẩn bị đi thi… Tất nhiên, tính theo tuổi tác, giới tính thì nhiều nhất vẫn là các bà, các cô. Con gái thì cắm đầu lạy, không biết xin chi, nhưng hẳn là có tình duyên; còn bà già thì mong cho an lạc (nhóm này đi nhiều nhất, siêng năng).
|
Nhiều người vẫn có thói quen mang lễ vật lên chùa dâng cúng (Ảnh minh họa) |
Thành phần cúng to nhất là quan chức và doanh nhân. Càng ngày, nhiều vụ án lớn liên quan đến quan chức bự bị phanh phui. Chẳng cần điều tra cũng biết thừa là các vị sợ lưới pháp luật chụp xuống, bèn lẳng lặng đi chùa cầu xin. Có người mời hẳn sư sãi về nhà cúng mấy ngày liền.
Thuở nào ăn nhậu, đêm ngày đặt bày mưu mô hại người, phá xã hội, nay chuyển qua ăn chay niệm phật, mà “phát tâm” đầu tiên thường là các mệnh phụ phu nhân. Mới hôm nào, mấy bà chỉ việc ngồi nghĩ cách đếm tiền, cất tiền, nay tụng kinh gõ mõ, mong cứu được ông chồng mà lúc tại chức thì tham tàn bạo ngược, “sạch sành sanh vét cho đầy túi tham”, giờ nghe tiếng còi xe cảnh sát cũng giật thót mình.
Họ thường lựa giờ chùa vắng, lẳng lặng vào, mắt dáo dác như sợ bị phát hiện. Một bữa, tôi gặp một ông - giám đốc một công ty quốc doanh lớn đã được cổ phần hóa. Ông này và tôi vốn là chỗ quen biết. Ông khoe mình có bốn bằng đại học, một bằng tiến sĩ, “nổ” như bom hạt nhân.
Thôi kệ ông nhiều bằng lắm chữ, nhưng công ty ông làm ăn cứ dần èo uột, chỉ có ông là giàu. “Lính” ông thuê rạp, nhờ chùa khai đàn chẩn tế hai ngày trời. Từ giám đốc đến nhân viên quỳ lạy rục cẳng.
Ông lạy là việc của ông, nhưng hàng xóm ngán nhất là ông đốt vàng mã, cháy rực cả góc chùa, khói tỏa như cháy rừng, tàn tro phủ lên cây cối. Nhưng lạ là chẳng nghe ai chửi, chỉ than phiền, vì bà con ở đây chịu đựng quen rồi.
Một bữa, tôi hỏi ông cớ chi mà cúng hoài, ông nói đó là cúng dường, bởi nhờ ơn trên nên làm ăn khá. Tôi không bỏ được tính điên khùng, phang luôn, ông khá chứ công ty ông bê bết, tôi biết thừa. Ông cười giả lả, bảo mình được phù hộ. Tôi không buông, rằng nghe đại đức trong chùa nói mỗi lần cúng, ông mất gần 100 triệu đồng; tiền đó ông giúp bá tánh nghèo khó, phật sẽ thấu lòng ông, chớ làm chi om sòm. Ông tỏ ra bí hiểm: “Tôi có lý riêng, anh không hiểu”.
Tôi càng không hiểu chuyện đám cho vay nặng lãi, cá độ đá banh cũng cúng chùa. Thường nhật họ sống kiểu dao quay, chửi mắng, cho vay cắt cổ, sống chết mặc bay… đến nỗi bà con chòm xóm cấm tiệt con cháu giao du; nhưng đến rằm hay mùng Một, tất cả đều mặc áo lam, nhang đèn kính cẩn sụp lạy trước bàn thờ la liệt bánh trái, bày ngay cổng chùa. Rằm tháng Bảy, họ đốt vàng mã, cháy một ngày mới hết, khói um lên.
Nhưng họ cúng ai? Một tay cho vay nói, em cúng ơn trên phù hộ cho làm ăn được. Hóa ra đám “anh em ngoài xã hội” này cũng cầu “ơn trên” y như ông giám đốc chuyên khoe bằng cấp. Chỉ không biết bề trên của họ là hai hay cùng một người. Tôi hỏi sư thầy: “Ông giám đốc cúng dường ơn trên giúp đỡ làm ăn được, nhưng công ty ổng nợ nần chồng chất, chỉ có ổng là xênh xang, vậy ơn trên không công bằng“. Sư thầy lắc đầu, rằng họ ưng cúng thì mình cúng, tâm nguyện họ tốt hay xấu, “ơn trên“ biết.
Tôi “rấn” tiếp, là giáo lý Phật giáo đâu khuyến khích đốt vàng mã, sao họ đốt dữ vậy? Sư thầy hạ giọng, là mình có can ngăn, nhưng họ muốn thế - hóa vàng cho thập loại chúng sanh ở thế giới bên kia có cái mà dùng. Thôi thì tạm chấp nhận, nhưng gieo duyên là ở hiện hữu. Doanh nghiệp như gia đình. Kẻ cận kề mình đêm ngày, cho nó một đồng cũng tiếc, đi mua áo giấy mấy chục triệu đốt đỏ góc trời, duyên đó bay về đâu?
Rồi đám người chuyên cho vay nặng lãi, cá độ, bóp họng người nghèo kia cúng ai? Đến đây thì sư thầy bật liền: thầy nói biết bao lần họ không nghe, ma quỷ mô dám đứng trước mặt Phật, thế mà cũng cúng. Đó là vô minh, anh biết không? Tôi nghe, không kìm được, vậy cái ông tiến sĩ giám đốc, rồi đám quan chức có tội với dân, có vô minh không? Sư lại cười.
Tôi vẫn chưa chịu: “Phật có cứu những người như vậy không?”. “Phật chỉ giúp chúng sanh rẽ lối mê về bến giác, chứ Phật có chi mà cho”. “Vậy thầy nghĩ sao từ người ít học đến kẻ “ghế trên ngồi tót sỗ sàng” đều dập đầu lạy xin cái điều không thể có?”. Sư thầy nhẹ nhàng: “Trăm sự do bệnh giả mà ra. Họ đã lún sâu nên khó thoát, dù đầu xanh tuổi trẻ hay đã già”.
Biết làm sao được, đời là những trượt dài lầm lỗi. Tôi quay sang sư thầy: “Nhưng thầy vẫn đứng ra cúng cho họ, khác gì tiếp tay cho vô minh trượt dài”. “Họ phát tâm, mình không từ chối, chỉ mong họ quay về nẻo thiện”. “Nếu được thì được cho họ, chứ chúng sanh đã chịu biết bao cực khổ từ họ, ai giúp chúng sanh?”. “Kiếp này họ tỉnh ra, thì kiếp sau con cháu họ sẽ hành thiện”. Tôi “chọc khe”: “May mà chúng sanh lầm lỗi quá, chứ không thì chùa im ắng hè”. Sư thầy bật cười, dẫn Hegel: “Cái gì hợp lý thì tồn tại”.
Trung Việt