Mỗi năm, hàng ngàn người mắc bệnh tim mạch phải đối mặt với nguy cơ tử vong do các biến chứng của cúm. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng cúm có thể làm tăng gấp nhiều lần nguy cơ nhập viện và tử vong ở bệnh nhân tim mạch. Thế nhưng, tỉ lệ bệnh nhân tim mạch tại Việt Nam có ý thức chích ngừa vắc xin cúm còn rất thấp. Trong khi đó, đây là cách đơn giản nhất giúp họ phòng ngừa hiệu quả, an toàn, giảm thiểu đáng kể những rủi ro cho sức khỏe.
Ý thức tiêm phòng còn thấp
Cúm mùa là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây ra, thường xảy ra hằng năm, đặc biệt vào mùa đông. Bệnh lây lan rất nhanh qua đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi họng của người bệnh. Các triệu chứng thường gặp của cúm bao gồm sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, hắt hơi, đau họng. Dù nhiều người chỉ xuất hiện những triệu chứng nhẹ và tự khỏi sau vài ngày nhưng đối với nhóm bệnh nhân tim mạch và người mắc bệnh nền mạn tính, trẻ em, phụ nữ mang thai, cúm mùa khá nguy hiểm.
|
Ước tính hiệu quả của tiêm phòng cúm có khả năng ngăn ngừa từ 15 - 45% trường hợp nhồi máu cơ tim cấp |
Bà N.T.N. (68 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) đã sống chung với bệnh tăng huyết áp và tim mạch suốt 10 năm qua. Đến mùa cúm năm ngoái, bà bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, ho khan và sốt nhẹ. Ban đầu, bà tự điều trị tại nhà bằng thuốc cảm cúm thông thường. Tuy nhiên, tình trạng bệnh ngày càng trở nên nghiêm trọng: bà khó thở, tức ngực, phải nhập viện cấp cứu.
Các bác sĩ chẩn đoán bà bị viêm phổi do cúm, tình trạng sức khỏe suy yếu nhanh chóng và phải điều trị tích cực trong nhiều tuần. Sau khi xuất viện, sức khỏe của bà N. suy giảm rõ rệt, khả năng vận động hạn chế, chất lượng cuộc sống giảm sút đáng kể. Bà được bác sĩ cảnh báo cần tiêm vắc xin ngừa cúm mỗi năm. Với trường hợp như bà, nhiễm cúm rất dễ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Anh T.V.B. (45 tuổi, ngụ quận 10, TPHCM) mắc bệnh hẹp van tim và đã phẫu thuật thay van tim. Dù biết rằng người bệnh tim cần đặc biệt chú ý đến sức khỏe, anh B. vẫn chủ quan không tiêm phòng cúm hằng năm. Một lần, trong chuyến công tác, anh B. bị cảm lạnh và sốt nhẹ, nghĩ rằng chỉ cần nghỉ ngơi là khỏi nên không đi khám. Nào ngờ, bệnh tình của anh trở nặng rất nhanh, dẫn đến suy tim cấp, phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Các bác sĩ nói rằng nếu anh B. được tiêm phòng cúm đầy đủ hằng năm sẽ giảm được nguy cơ gặp phải biến chứng nguy hiểm này.
Thêm một trường hợp là chị L.T.H. (48 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TPHCM). Chị H. bị suy tim mãn tính, thường xuyên phải nhập viện điều trị. Biết rằng tiêm phòng cúm rất quan trọng đối với người bệnh tim nhưng do lo ngại tác dụng phụ của vắc xin, chị đã trì hoãn. Mùa cúm năm trước, chị H. bị nhiễm cúm, phải nhập viện cấp cứu. Viêm phổi do cúm khiến tình trạng suy tim của chị trở nên trầm trọng hơn, đe dọa đến tính mạng. Các bác sĩ đã phải tiến hành nhiều biện pháp điều trị tích cực để cứu sống chị.
Nguy hiểm khôn lường với bệnh nhân tim mạch
Bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Hoài Nam - Phó trưởng khoa Nội tim mạch Bệnh viện Nhân dân Gia Định - cho biết, đa số người dân nghĩ cúm mùa chỉ gây các triệu chứng như sốt, sổ mũi, đau họng vài ngày rồi tự khỏi. Thật ra, mọi người chưa hiểu hết về độ nghiêm trọng của cúm mùa: có thể dẫn đến những hậu quả nặng nề trực tiếp lên hệ hô hấp dẫn khởi phát cơn hen cấp, đợt kịch phát phổi tắc nghẽn mạn tính, nhiễm trùng cấp tai/xoang, viêm phổi/viêm phế quản cấp…
|
Bệnh nhân tim mạch dễ trở nặng khi nhiễm cúm mùa |
Ngoài ra, cúm mùa còn có nguy cơ ảnh hưởng gián tiếp lên đa cơ quan. Cụ thể là bệnh nhân có thể khởi phát nhồi máu cơ tim cấp, mắc bệnh tim thiếu máu cục bộ, tai biến mạch máu não. Cúm mùa còn làm nặng thêm các bệnh lý nền mạn tính khác như tim mạch, hen, phổi tắc nghẽn mạn tính, đái tháo đường. Nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời, người bệnh thậm chí có thể tử vong.
Cơ chế tác động của cúm lên các cơ quan trong cơ thể phải kể tới là sự kích thích hệ thống miễn dịch, viêm nhiễm, tăng khả năng đông máu, tăng Cytokines, nứt vỡ mảng xơ vữa, kích hoạt hệ thống thần kinh giao cảm, tăng nhu cầu và giảm cung cấp ô xy cho cơ tim, hoại tử tế bào cơ tim, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, suy tim.
Một kết quả nghiên cứu tại Canada cho thấy, trong số 227.000 ca xét nghiệm tìm vi rút hô hấp cấp thì có 19.000 ca dương tính với cúm. Trong các ca mắc cúm đó, 499 ca nhập viện vì nhồi máu cơ tim cấp. 332 bệnh nhân có triệu chứng cảm cúm trước đó 1 tuần. Nguy cơ nhồi máu cơ tim của bệnh nhân tăng 6-10 lần trong 1 tuần sau khi điều trị cúm; hơn thế, nguy cơ nhồi máu cơ tim cũng tăng gấp 3 lần so với nhiễm các vi rút khác.
Một nghiên cứu khác của Mỹ theo dõi tình trạng nhiễm cúm trên hơn 451.000 người, độ tuổi từ 35-84, kết luận rằng những người này tăng 5% tỉ lệ mắc cúm, tăng 24% nhập viện vì suy tim trong cùng tháng đỉnh của cúm mùa. Nếu bệnh nhân đã suy tim thì tác hại của nhiễm cúm sẽ nặng nề hơn rất nhiều. Cụ thể, một hồi cứu cơ sở dữ liệu quốc gia bệnh nội trú của Mỹ thể hiện rằng trong số 8.180.119 lượt bệnh nhân suy tim từ 18 tuổi nhập viện do mọi nguyên nhân, 54.590 trường hợp có nhiễm cúm đồng thời.
Không chỉ vậy, tất cả nguy cơ suy hô hấp cấp phải thở máy của những bệnh nhân nhiễm cúm đều cao hơn so với thông thường.
Một số liệu nữa của Canada nói rằng nguy cơ tử vong do cúm ở người cao tuổi bị bệnh tim mạch tăng gấp 5 lần và tăng gấp 12 lần ở bệnh nhân cao tuổi có bệnh phổi mạn tính. Ở bệnh nhân cao tuổi vừa có cả bệnh tim mạch lẫn phổi tắc nghẽn mạn tính, nguy cơ tử vong khi nhiễm cúm tăng gấp 20 lần.
Vắc xin cúm giảm thiểu rủi ro cho sức khỏe
Vắc xin cúm có cơ chế bảo vệ không đặc hiệu và cơ chế bảo vệ đặc hiệu. Cơ chế bảo vệ không đặc hiệu giúp giảm nhiễm cúm, từ đó giảm tỉ lệ nhiễm trùng, giảm viêm, giảm hình thành cục máu đông và nứt vỡ mảng xơ vữa. Còn cơ chế bảo vệ đặc hiệu liên quan với hiện tượng bắt chước kháng nguyên của mảng xơ vữa động mạch, giảm tiến triển của mảng xơ vữa.
Một nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh rằng việc tiêm vắc xin cúm giúp giảm 35% nguy cơ nhập viện, 48% nguy cơ tử vong, 16% nguy cơ bệnh mạch máu não, 20% bệnh mạch vành, 19% bệnh tim mạch, 32% nguy cơ viêm phổi và cúm trên 286.383 người ngoài 65 tuổi. Có chuyên gia cho rằng vắc xin cúm được coi như can thiệp mạch vành, là biện pháp phòng ngừa nhồi máu cơ tim. Ước tính hiệu quả của tiêm phòng cúm có khả năng ngăn ngừa từ 15 - 45% trường hợp nhồi máu cơ tim cấp.
Lời dặn của bác sĩ cho bệnh nhân tim mạch là hạn chế ăn mặn, mỡ, theo dõi mạch huyết áp tại nhà và tiêm ngừa cúm, phế cầu. Cụ thể là nên tiêm vắc xin cúm vào tháng Mười một hằng năm. Tóm lại, chích ngừa cúm được coi như điều không thể thiếu đối với bệnh nhân tim mạch.
Bên cạnh nhóm bệnh nhân tim mạch, vắc xin cúm còn đóng vai trò thiết yếu trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Khi một số lượng lớn người dân được tiêm phòng sẽ tạo ra hàng rào miễn dịch giúp ngăn chặn sự lây lan của vi rút cúm. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những người có hệ miễn dịch yếu, trẻ em, người cao tuổi và phụ nữ mang thai - những đối tượng dễ bị tổn thương bởi biến chứng của cúm.
Trâm Anh - Nguồn ảnh: Internet