Cúm gia cầm xuất hiện ở Nam Cực

25/10/2023 - 15:59

PNO - Lần đầu tiên trong lịch sử, virus H5N1 được phát hiện ở châu lục lạnh và khô nhất thế giới, gây lo ngại cho quần thể chim rộng lớn ở đây.

 

Chim cánh cụt tụ tập tại một bờ biển ở Nam Cực – Ảnh: Ant Photo Co
Chim cánh cụt tụ tập tại một bờ biển ở Nam Cực – Ảnh: Ant Photo Co

Kết quả xét nghiệm trên một loài chim ở Nam Đại Tây Dương xác nhận sự hiện diện chưa từng có tiền lệ của cúm gia cầm ở châu Nam Cực, một trong các khu bảo tồn chim lớn nhất thế giới, theo The Telegraph đưa tin ngày 24/10.

Theo đó, từ tháng 8 đến tháng 10/2023, đã có các báo cáo về cái chết không rõ nguyên nhân của chim cướp biển (stercorarius skua), loài chim ăn xác thối ở Đảo Chim, thuộc Nam Georgia. Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh (BAS) đã quyết định gửi mẫu để xét nghiệm.

Kết quả xét nghiệm vào ngày 23/10 vừa qua cho thấy, mẫu vật dương tính với virus cúm gia cầm H5N1. Tiến sĩ Norman Ratcliffe, nhà điểu học thuộc BAS nói trong cuộc phỏng vấn với The Telegraph: “Tỷ lệ tử vong của các loài chim trong khu vực đang gia tăng”.

Ông Ratcliffe cho biết: “Đảo Chim là một trong những môi trường sống đặc biệt nhất, sự đa dạng và mật độ của các loài chim ở đây thật đáng kinh ngạc, nguy cơ rất rõ khi cúm gia cầm vươn đến nơi quan trọng như vậy”.

Nhà điểu học cho biết, đảo Nam Georgia là nơi sinh sống của nhiều loài chim hải âu, bao gồm các loài chim hải âu lớn ở phía bắc và phía nam, cùng với chim cánh cụt macaroni và chim cánh cụt gentoo.

Tiến sĩ Ratcliffe cho biết: “Một số quần thể chim rất dày đặc và khi có sự tồn tại của cúm gia cầm, virus có thể lây lan nhanh chóng. Chúng ta không thể kiểm soát sự di chuyển của các loài chim hoang dã”.

Trong cuộc phỏng vấn với The Telegraph trước đó, Tiến sĩ Jane Rumble, thuộc nhóm phụ trách các vấn đề Nam Cực của Bộ Ngoại giao Anh, cho biết: “Vấn đề không phải là có hay không nữa, mà là thời điểm bùng phát đại dịch ở đây. Hậu quả có thể rất tàn khốc”.

Giới khoa học từng hy vọng cúm gia cầm sẽ không vươn đến đảo Nam Georgia, do nơi đây tương đối cách biệt với đất liền. “Rõ ràng hy vọng đó đã bị đặt nhầm chỗ”, tiến sĩ Ratcliffe nhận định.

Nhà điểu học cho biết, các nhà khoa học lần đầu tiên ghi nhận dấu hiệu bất thường, cho thấy khả năng xuất hiện cúm gia cầm ở Đảo Chim, vào cuối tháng 9/2023, khi họ đếm được ít nhất 29 con chim cướp biển chết đồng loạt, trong khi bình thường chỉ có 3 – 4 cá thể.

OFFLU, mạng lưới tập hợp chuyên gia về bệnh cúm toàn cầu, đã công bố báo cáo cho thấy, chỉ riêng Chile và Peru ghi nhận hơn 500.000 trường hợp chim hoang dã và 20.000 trường hợp động vật có vú chết vì cúm gia cầm. Tỷ lệ tử vong thực tế được cho là còn hơn gấp nhiều lần, do khó khăn trong xét nghiệm.

Trước đây, châu Nam Cực chưa từng bùng phát cúm gia cầm nên giới chuyên gia lo ngại các loài ở đây ít có khả năng miễn dịch với virus. Sau khi có kết quả xét nghiệm, phần lớn công việc khoa học liên quan đến xử lý động vật đã bị đình chỉ.

Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận sự lây lan ngày càng tăng của H5N1 ở các loài động vật có vú, làm dấy lên mối lo ngại rằng virus có thể thích nghi để lây nhiễm sang người dễ dàng hơn. Vào cuối tháng 2/2023, Campuchia thông báo ca tử vong ở người do virus H5N1.

Trường An (theo The Telegraph)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI