Cúm gia cầm ở Mỹ ngày càng căng thẳng

25/02/2023 - 16:59

PNO - Chỉ trong vòng 1 năm, hàng chục triệu cá thể gia cầm được nuôi trong các trang trại ở Hoa Kỳ, đã chết do dịch cúm A/H5 trong đợt bùng phát nguy hiểm nhất từng được ghi nhận.

Báo Wall Street Journal dẫn nguồn tin từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDCP) cho biết, cúm gia cầm gây ra tỉ lệ tử vong gần 100% ở gà. Từ tháng 2/2022, dịch cúm A/H5 đã dẫn đến cái chết của khoảng 58 triệu cá thể gia cầm trong các trang trại ở Hoa Kỳ, khiến giá gà tây và giá trứng lên cao kỷ lục trong dịp lễ Tạ ơn.

Những con gà nâu tại cơ sở chăn nuôi của Công ty Hickman’s Egg Ranch ở vùng Arlington, bang Arizona, Hoa Kỳ – Ảnh: Wall Street Journal
Những con gà nâu tại cơ sở chăn nuôi của Công ty Hickman’s Egg Ranch ở vùng Arlington, bang Arizona, Hoa Kỳ - Ảnh: Wall Street Journal

Sau khi mất 8 triệu con gà mái vì cúm gia cầm vào năm 2015, Công ty Versova, một trong 5 doanh nghiệp sản xuất trứng lớn nhất ở Mỹ, đã chi hàng chục triệu USD để cải thiện hệ thống bảo vệ và vệ sinh chuồng trại. Tuy nhiên, công ty vẫn thiệt hại ít nhất 2 triệu con gà mái trong đợt dịch lần này.

Ông J.T.Dean - Chủ tịch của Versova - cho biết, cúm gia cầm dễ lây lan đến mức chỉ cần một cơn gió thoảng qua cũng có thể mang theo phân chim hoang dã về phía lỗ thông hơi của chuồng gà và đưa vi rút vào bên trong. Chỉ cần một trường hợp bị phát hiện nhiễm bệnh là đủ để các trang trại phải tiêu hủy cả đàn.

Trong số 58 triệu cá thể gia cầm chết do cúm A/H5 ở Mỹ, có hơn 43 triệu con gà mái đẻ trứng. Đại diện Bộ Nông nghiệp (USDA) cho biết, điều này khiến lượng trứng tồn kho trong tuần cuối cùng của tháng 12 thấp hơn 29% so với đầu năm 2022. Theo số liệu của Công ty Urner Barry, sự thiếu hụt này đã khiến giá trứng cỡ lớn ở vùng Trung Tây tăng đến mức kỷ lục (5,46 USD/chục trứng) trong tháng cuối năm 2022.

Ông Glenn Hickman - Giám đốc điều hành của Doanh nghiệp gia đình Hickman's Egg Ranch, nhà cung cấp trứng lớn nhất vùng Tây Nam Hoa Kỳ - cho biết: “Rủi ro lây nhiễm vẫn còn đó. Chúng ta sẽ phải tìm giải pháp đối phó”.

Theo đó, không tính đường lây lan của vi rút sang gia cầm thương phẩm (do công nhân giẫm phải phân chim hoang dã bên ngoài rồi đưa vào chuồng trại), việc các loài chim như ó, vịt trời… lẻn vào các trang trại cũng có thể khiến vi rút lây lan qua chất nhầy hoặc nước bọt.

Đại diện Công ty Versova cho biết, gà đẻ trứng dễ bị nhiễm cúm gia cầm hơn vì chúng được nuôi trong vòng 1 năm, làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh so với gà thịt, được nuôi để lấy thịt và giết mổ trong vòng 6 - 10 tuần.

Ông J.T.Dean cho biết, tháng 10/2022, tại một trong những cơ sở được nâng cấp của Versova ở phía bắc Iowa, số lượng gia cầm chết tăng đột biến. Công ty đã gọi cho quan chức thú y của tiểu bang để lấy nước bọt của những con chim để kiểm tra. Với kết quả xét nghiệm dương tính, 1 triệu con gia cầm tại trang trại nói trên đã bị giết. Các công nhân đã dọn sạch những con chim chết và khử trùng từng ngóc ngách của cơ sở.

Ông Glenn Hickman cho biết, cơ sở lớn nhất của ông từng có lúc nuôi khoảng 4 triệu con gà thả rông: “Chúng tôi sẽ không bao giờ làm vậy nữa”. Lượng gia cầm được nuôi gần nhau quá lớn càng tăng rủi ro bùng dịch.

Vào tháng 12/2022, công nhân tại một trang trại của Hickman ở Colorado đã tìm thấy những con gia cầm chết tại khu vực nhà kho. Toàn bộ 300.000 con gia cầm tại trang trại này đã bị giết bằng khí carbon dioxide ngay khi những con gia cầm chết có kết quả xét nghiệm dương tính với cúm gia cầm.

Tiến sĩ John Clifford - cựu quan chức ngành thú y Hoa Kỳ - cho biết: “Cúm gia cầm ở khắp mọi nơi”. Các loài chim hoang dã ở Mỹ, nhất là vịt trời, đã mang vi rút đến các khu vực sinh sản của nhiều loài chim khác, khiến cúm A/H5 lây lan khắp đất nước.

Một giải pháp phòng dịch khác là vắc xin cúm gia cầm, vốn có sẵn ở Mỹ. Tuy nhiên, lựa chọn tốn kém này không xứng đáng với chi phí và công sức bỏ ra. Những người nông dân sẽ phải tiêm phòng, đôi khi nhiều hơn 1 mũi, cho hàng triệu con gà mái thường đẻ trứng trong thời gian không quá 1 năm.

Việc sử dụng vắc xin cũng có thể làm gián đoạn dòng chảy thương mại. Theo USDA, các quốc gia khác sẽ phải phê duyệt các sản phẩm làm từ gia cầm đã được tiêm phòng, trong khi Mỹ là nước xuất khẩu thịt gia cầm lớn thứ hai thế giới.

Ông J.T.Dean kết luận: “Thật dễ dàng để nói rằng chúng tôi sẽ tiêm chủng và giải quyết được vấn đề. Nhưng sự thật là, tình huống phức tạp hơn rất, rất nhiều”.

Trường An (theo Wall Street Journal)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI