Cúm gia cầm đang lan rộng trên toàn cầu

09/07/2024 - 07:05

PNO - Các quốc gia như Mexico, Mỹ, Trung Quốc... liên tục ghi nhận các ca nhiễm cúm gia cầm ở người trong thời gian gần đây.

Cúm gia cầm bùng phát tại nhiều trang trai chăn nuôi ở Mỹ - Ảnh: CNA
Cúm gia cầm bùng phát tại nhiều trang trại chăn nuôi ở Mỹ - Ảnh: CNA

Tại Mỹ, vi rút cúm gia cầm đã tấn công hơn 130 đàn bò và khiến một số công nhân chăm sóc bò sữa nhiễm bệnh.

Trong khi đó, Úc đang phải chống chọi với các đợt bùng phát tại 11 cơ sở chăn nuôi, tất cả đều liên quan đến các chủng vi rút cúm gia cầm. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt trứng và khiến McDonald's phải cắt giảm thời gian phục vụ bữa sáng 1,5 giờ.

Các trường hợp nhiễm cúm gia cầm ở người cũng được ghi nhận ở Mexico, Ấn Độ và Trung Quốc.

Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng biến đổi khí hậu là một yếu tố gây ra đợt bùng phát diện rộng lần này, khi nhiệt độ thay đổi làm thay đổi mô hình di cư và sinh sản của chim.

Giáo sư Ooi Eng Eong (Trường Y Duke-NUS, Singapore) cho biết, việc phá hủy môi trường sống và đô thị hóa cũng làm tăng sự tiếp xúc giữa con người với động vật và có thể sẽ xảy ra tình trạng vi rút lây nhiễm sang người phổ biến hơn.

WHO cho biết nguy cơ mắc bệnh H5N1 đối với cộng đồng nói chung vẫn ở mức thấp. Dẫu vậy, chúng ta vẫn không nên lơ là cảnh giác.

Bởi khi con người mắc cúm gia cầm, tỉ lệ tử vong rất cao, dữ liệu của WHO trong 2 thập niên qua, cho thấy có hơn 450 ca tử vong trong số gần 900 người bị nhiễm H5N1. Các triệu chứng nhiễm cúm gia cầm khá giống với COVID-19, bao gồm sốt, ho và trong một số trường hợp có thể gây khó thở và tức ngực.

Gần đây, các quốc gia liên tục đưa ra cảnh báo và các biện pháp phòng ngừa quyết liệt hơn, khi cúm gia cầm đang lan rộng trên toàn cầu.

Vào tháng Sáu, chính quyền Singapore đã yêu cầu người dân không nên chạm vào hoặc cho chim hoang dã ăn, bao gồm cả gà thả rông, như một biện pháp phòng ngừa cúm gia cầm.

Trong khi đó, Mỹ đã cung cấp 176 triệu USD cho công ty dược phẩm Moderna, để thúc đẩy phát triển vắc xin cúm gia cầm. Vắc xin này cũng dựa trên cùng công nghệ mRNA, được sử dụng tạo ra vắc xin phòng ngừa COVID-19.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã lên tiếng lo ngại về sự lây lan ngày càng gia tăng của H5N1. Dịch bệnh đã giết chết hoặc dẫn đến việc tiêu hủy hàng trăm triệu gia cầm trên toàn cầu trong những năm gần đây, làm đảo lộn chuỗi cung ứng thực phẩm.

Minh Hương (theo CNA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI