Cúm gia cầm đang lan rộng khắp thế giới

01/04/2022 - 06:48

PNO - Cúm gia cầm - lây lan chủ yếu qua các loài chim di cư với số ca bệnh thường đạt đỉnh điểm vào mùa đông - đang hoành hành ở Mỹ sau khi xuất hiện khắp châu Âu, châu Á và châu Phi kể từ giữa năm 2021.

Gia cầm tại một trang trại ở bang Texas, Mỹ - ẢNH: BLOOMBERG
Gia cầm tại một trang trại ở bang Texas, Mỹ - Ảnh: Bloomberg 

Sau khi lưu hành trong nhiều tháng tại hơn 40 quốc gia trên khắp châu Âu, châu Á và châu Phi kể từ tháng 5/2021, dịch cúm gia cầm độc lực cao (HPAI) đã được phát hiện tại các trang trại thương mại và hộ chăn nuôi nhỏ ở Mỹ, đe dọa ngành công nghiệp xuất khẩu gia cầm của xứ cờ hoa.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) hôm 30/3 cho biết, cúm gia cầm độc lực cao vừa được ghi nhận tại các trang trại lớn nhỏ ở Hạt Bắc Carolina, Massachusetts, North Dakota, Ohio và Wyoming. Trước đó, tại một trang trại ở bang Colorado, 2,5 triệu con gia cầm đã bị tiêu hủy vì dịch bệnh. Kể từ giữa tháng Một, cúm gia cầm đã xuất hiện ở 23 tiểu bang với tổng đàn gần 17 triệu con. Henry Niman - nhà hóa sinh học ở Pittsburgh - đang theo dõi sự lây lan của dịch bệnh cả nước, cho biết: “Tình hình thật đáng lo ngại với tốc độ gia tăng nhanh chóng. Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể đối mặt một đợt dịch lịch sử”.

Mặc dù mức độ nguy hiểm đối với con người của các loại cúm gia cầm là thấp, các nhà khoa học vẫn đang theo dõi chặt chẽ chủng vi-rút cúm gia cầm Á - Âu H5N1. Chủng này có liên quan mật thiết với một chủng cúm tại châu Á đã lây nhiễm cho hàng trăm người kể từ năm 2003, chủ yếu là những người làm việc gần gia cầm bị nhiễm bệnh. Chủng vi-rút hiện đang lây lan trên khắp nước Mỹ chưa lây sang người, nhưng các nhà vi-rút học và dịch tễ học cho biết sự lây nhiễm ngày càng gia tăng ở các loài chim là đáng lo ngại vì nó làm tăng khả năng vi-rút có thể biến đổi theo cách dễ lây nhiễm sang người hơn. 

Nguồn lây bệnh chính của cúm gia cầm là các loài thủy cầm di cư, chẳng hạn như vịt và ngỗng trời vì chúng bị nhiễm bệnh nhưng không phát bệnh nặng. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp chăn nuôi đã dành nhiều thập kỷ để sửa đổi di truyền của gà và gà tây khiến chúng lớn nhanh nhất có thể. Cái giá phải trả cho điều này là hệ thống miễn dịch của chúng kém đi, kết hợp cùng điều kiện nuôi nhốt chật chội khiến dịch bệnh lây lan nhanh chóng. Hiện không có phương pháp điều trị bệnh cúm gia cầm ở chim, chỉ có một cách để ngăn chặn: bất kỳ cá thể nào đã tiếp xúc với vi-rút đều phải bị tiêu hủy. 

Làn sóng cúm gia cầm còn đe dọa khiến sản phẩm từ gia cầm trở nên đắt đỏ hơn. Tại Mỹ, lạm phát gia tăng, các vấn đề về chuỗi cung ứng và tình trạng thiếu lao động đã khiến giá thịt tăng trên diện rộng. Từ ngày 18/2 đến ngày 18/3, giá bán buôn của gà thịt tại Mỹ đã tăng gần 20%. Theo USDA, nhiều quốc gia đã tạm thời cấm nhập khẩu thịt gia cầm từ các bang của Mỹ nơi có dịch cúm gia cầm. Những nước nhập khẩu thịt gia cầm từ Mỹ hàng đầu như Mexico, Trung Quốc và Cuba cũng đặt mua ít hơn.

Theo báo cáo từ công ty cho vay nông nghiệp CoBank, cúm gia cầm cũng sẽ làm cho trứng tương đối khan hiếm vào kỳ nghỉ lễ Phục sinh do sản lượng thấp hơn mức trước đại dịch. Mặc dù số lượng gia cầm bị ảnh hưởng chiếm một phần nhỏ trong tổng sản lượng gia cầm nói chung, rủi ro có thể đè nặng lên tâm lý của nông dân và không khuyến khích họ mở rộng sản xuất. Các nhà sản xuất nuôi gà mái thả vườn cũng có thể phải bán trứng với giá trị thấp hơn, nếu đàn gia cầm buộc phải ở trong chuồng thời gian dài. 

Tấn Vĩ (theo Bloomberg, NY Times, Cnet, News24)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI