Cúm gia cầm càn quét nhiều loài chim hoang dã ở Trung Quốc

30/06/2023 - 17:05

PNO - Đợt bùng phát cúm gia cầm chưa từng có tiền lệ cho thấy loại virus gây bệnh này vẫn tiếp tục biến đổi, nguy hiểm và khó đoán định hơn.

 

Một số cá thể chim hoang dã bị nhiễm cúm gia cầm trong đợt bùng dịch mới nhất ở TQ: A – gà lôi tía, B – công, C và D – trĩ vàng. Ảnh: Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã Tần Lĩnh
Một số cá thể chim hoang dã bị nhiễm cúm gia cầm trong đợt bùng dịch mới nhất ở TQ: A – gà lôi tía, B – công, C và D – trĩ vàng. Ảnh: Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã Tần Lĩnh

Báo cáo của các nhà khoa học Trung Quốc được công bố gần đây trên Tạp chí Bệnh Động vật (Animal Diseases Journal), cho thấy tầm quan trọng của việc tiếp tục nghiên cứu virus gây bệnh cúm gia cầm, sau đợt lây lan đe dọa nhiều loài chim đặc hữu của đất nước tỉ dân, theo bản tin của News Medical ngày 27/6.

Virus cúm gia cầm, tên khoa học là avibacterium paragallinarum, gây bệnh sổ mũi truyền nhiễm ở gà và các loài chim khác. Bệnh ảnh hưởng chủ yếu đến đường hô hấp, dẫn đến các triệu chứng như viêm, sưng mặt, viêm kết mạc, chảy nước mũi, tiêu chảy và chán ăn, có thể dẫn đến các bệnh mạn tính và nhiễm trùng máu.

Một số loại thuốc kháng sinh, như cotrimoxazole, có tác dụng điều trị bệnh cúm gia cầm. Nhưng dù gia cầm có thể hồi phục lâm sàng, vẫn phải mang mầm bệnh suốt đời.

Đợt bùng dịch cúm gia cầm được ghi nhận ở nhiều khu vực, nhưng “điểm nóng” tập trung với nhiều báo cáo nhất là ổ dịch ở dãy núi Tần Lĩnh, nơi đánh dấu ranh giới giữa miền bắc và miền nam, gần như là vùng nằm giữa Trung Quốc. Đây cũng là một trong các khu bảo tồn đa dạng sinh học lớn nhất thế giới, với một số loài đặc hữu.

Cá thể chim hoang dã bị nhiễm đầu tiên được báo cáo trong đợt dịch này là một con gà lôi vàng, vào tháng 5 năm ngoái. Nó bị phù mặt và các xoang dưới ổ mắt tiết dịch. Các trường hợp chim hoang dã bị phát hiện nhiễm bệnh sau đó cũng có các triệu chứng tương tự, tất cả đều đến từ khu bảo tồn thiên nhiên Tần Lĩnh.

Bất chấp các biện pháp kiểm dịch và cách ly, ít nhất 4 loài chim hoang dã khác, là gà lôi tía, gà lôi vàng, trĩ vàng và công, đã phát triển các dấu hiệu của cúm gia cầm. Kết quả khám nghiệm tử thi gà lôi vàng cho thấy các xoang dưới hốc mắt chứa chất tiết dịch nhầy trong khi chảy máu nhẹ vào khí quản.

Sau khi thực hiện xét nghiệm PCR để xác nhận sự hiện diện của cúm gia cầm ở các loài chim bị giảm thị lực và không thể kiếm ăn trong khu vực, các nhà nghiên cứu đã phân tích chủng cúm A được phân lập sớm nhất từ khu vực này. Kết quả phân tích cho thấy, chủng cúm chịu trách nhiệm cho đợt bùng phát từ năm 2022 tới nay có độ tương đồng từ 96,5% đến 98,2% với các chủng được phân lập từ gia cầm trước đó, cho thấy sự biến đổi của virus vẫn tiếp diễn.

Nghiên cứu do nhóm chuyên gia từ Đại học Khoa Học Kỹ Thuật Nông Lâm Tây Bắc và Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã, đều ở tỉnh Thiểm Tây, thực hiện đã nhấn mạnh sự lây lan của chủng cúm gia cầm lây lan giữa chim hoang dã cùng loài và cả khác loài, hiện tượng thường không phổ biến.

Nhóm nghiên cứu cũng lưu ý, sự lây nhiễm vẫn có biểu hiện khác nhau giữa các loài chim khác nhau, dẫn tới nhu cầu nghiên cứu thêm.

Đại diện nhóm chuyên gia nhận định: “Những phát hiện này rất quan trọng để chúng ta hiểu được tác động của virus gây bệnh sổ mũi truyền nhiễm đối với các loài chim ngoài tự nhiên, đồng thời phát triển các chiến lược phòng ngừa và kiểm soát hiệu quả để bảo vệ cả gia cầm và chim hoang dã”.

Trước đó, thế giới đã ghi nhận 3 trường hợp nhiễm cúm A(H3N8) đầu tiên ở người trong Quý 1 năm 2023, đều ở Trung Quốc, bao gồm ca tử vong đầu tiên do cúm gia cầm, là nữ bệnh nhân ở tỉnh Quảng Đông, nhập viện từ ngày 22/2 đến 16/3.

Trường An (theo News Medical)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI