Cúm A vào mùa, người dân trữ thuốc vì sợ khan hiếm

16/12/2020 - 06:26

PNO - Miền Bắc chính thức bước vào đợt lạnh sâu kèm mưa phùn - điều kiện thuận lợi để vi-rút cúm A tiếp tục phát triển, lây lan.

Bệnh nhân cúm A đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương
Bệnh nhân cúm A đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương

Không ít gia đình vì lo ngại căn bệnh này đã trữ thuốc Tamiflu sẵn tại nhà, trong khi đây là loại thuốc kê đơn và các bác sĩ cảnh báo nếu lạm dụng có thể dẫn tới tình trạng kháng thuốc sau này.

Nhập viện ồ ạt vì cúm A

Liên tục sốt cao tới 400C kèm theo ho, họng đỏ rát khi đưa tới Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương, bé N.T.T. (ba tuổi rưỡi, TP.Hà Nội) đã trong tình trạng mệt lả. Kết quả xét nghiệm cho thấy, bé bị viêm họng và mắc cúm A. Mẹ của T. ngạc nhiên vì vào thời điểm này năm 2019, con mình cũng trải qua đợt cúm A, nay lại tái mắc. 

Tương tự, tại BV đa khoa Đức Giang, ông N.H. (64 tuổi, TP.Hà Nội) cũng được kết luận mắc cúm A sau khi có các triệu chứng sốt, đau đầu, toàn thân nhức mỏi... Theo bác sĩ Nguyễn Đắc Hanh, Trưởng khoa Khám bệnh của BV, gần đây, BV tiếp nhận cả trăm ca ho, sốt đến khám mỗi ngày, trong đó phát hiện nhiều trường hợp mắc cúm A. 

Bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Khoa Nội nhiễm Trung tâm Bệnh nhiệt đới trẻ em (BV Nhi Trung ương), cũng thông tin chỉ trong hai tháng qua, đơn vị này đã ghi nhận tổng số hơn 800 ca cúm nhập viện, chủ yếu là cúm A và cúm B. Riêng trong tháng 11, con số này lên tới gần 500 ca, tăng gần 20% số bệnh nhân so với trước. Hiện tại, Khoa Nội nhiễm cũng đang điều trị cho 50 bệnh nhân mắc cúm. 

Bệnh nhân mắc cúm A có thể tự có diễn biến nhẹ. Tuy nhiên, đối với trẻ em và người già có sức đề kháng kém, và mắc các bệnh mạn tính về tim, phổi, thận, suy giảm miễn dịch... thì bệnh có thể diễn biến nặng hơn, gây biến chứng, thậm chí dẫn tới tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Điển hình như tại BV Nhi Trung ương, từ đầu mùa cúm tới nay đã ghi nhận nhiều bệnh nhân mắc cúm A bị biến chứng não và viêm phổi nặng. Có trường hợp khi vào viện đã trong tình trạng lơ mơ, không thể đi lại và phải điều trị tích cực dài ngày. 

Các chuyên gia cho biết, cúm A là bệnh thường xuất hiện khi chuyển giao thời tiết, thường gặp nhất mùa đông - xuân. Đặc biệt, trong thời gian này, các tỉnh miền Bắc đang chịu ảnh hưởng của không khí lạnh, nhiệt độ giảm sâu và kèm theo mưa phùn, thậm chí tại nhiều vùng miền cao xuất hiện sương giá. Đây chính là điều kiện thuận lợi để vi-rút cúm A phát triển mạnh nếu không có biện pháp phòng, chống hiệu quả.

Không nên mua thuốc trôi nổi trên mạng

Cùng với số lượng các ca cúm A tăng lên trong một tháng nay, trên mạng xã hội cũng như nhiều “cửa hàng online”, thuốc Tamiflu đang trở thành “mặt hàng” được nhiều người tìm kiếm. So với năm 2019, giá thuốc Tamiflu hiện chưa bị thổi lên vài trăm tới một triệu đồng/viên. Mức giá bán phổ biến từ 50.000 - 70.000 đồng/viên nhưng cũng rất khan hiếm. 

Mẹ của N.T.T. cho hay, do quầy thuốc của BV hết thuốc nên chị đã phải đi tìm tại nhiều cửa hàng mới có thuốc điều trị cho con. Chị N.T.H. (Q.Hoàng Mai, TP.Hà Nội) cũng có con gái bị cúm A. Sau khi gọi đơn vị xét nghiệm lấy mẫu tại nhà, chị đi tìm mua thuốc Tamiflu nhưng nhiều cửa hàng xung quanh không có. Chị lên mạng xã hội và tìm mua được năm viên thuốc “xách tay” với giá 400.000 đồng. 

Điều đáng nói, không chỉ có những trường hợp mắc cúm A mà nhiều gia đình còn tích trữ sẵn Tamiflu trong nhà để phòng khi nhiễm bệnh. Trên mạng xã hội, nhiều bà mẹ bày tỏ sự mừng rỡ khi tìm mua được một vỉ Tamiflu cất giữ trong nhà. Bởi theo họ, cúm A rình rập thì “việc thủ thuốc trong nhà là không bao giờ thừa”.

Tuy nhiên, bác sĩ Đỗ Thiện Hải cho hay, Tamiflu không giống như thuốc kháng sinh khác. Loại thuốc này không phải để diệt vi-rút mà là để ức chế vi-rút nhân lên và giảm khả năng bám dính của vi-rút ở niêm mạc đường hô hấp. Cũng theo quy định, Tamiflu là thuốc phải kê đơn chứ không phải thuốc bán thông thường ở nhà thuốc. Do đó, phụ huynh không nên tự mua thuốc trôi nổi trên mạng mà cần có chỉ định chặt chẽ của y, bác sĩ. 

Mặt khác, Tamiflu nếu sử dụng sau 48 giờ kể từ lúc có triệu chứng sốt thì hiệu quả điều trị không khác gì nhóm bệnh nhân không dùng. Thậm chí, nhiều chuyên gia khuyến cáo, nếu lạm dụng Tamiflu có thể dẫn tới tình trạng kháng thuốc sau này. Để phòng bệnh hiệu quả, các bác sĩ khuyên người dân thay vì tích trữ thuốc Tamiflu, gây ra tình trạng khan hiếm hàng thì nên tiêm phòng cúm đầy đủ hằng năm hoặc nhắc lại vào đầu mùa cúm. 

Bên cạnh đó, nên tránh tụ tập nơi đông người, đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng. Khi trong gia đình có thành viên bị cúm, cần hạn chế tiếp xúc, tránh lây nhiễm và bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng để tăng cường hệ miễn dịch. Trong trường hợp trẻ mắc cúm A, gia đình chú ý kiểm soát nhiệt độ của bé, bù nước, tăng cường vệ sinh đường hô hấp của trẻ như xịt mũi, rửa mũi... 

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI