Cúm A/H7N9 không phải là biến thể của cúm A/H5N1

03/04/2013 - 10:46

PNO - PN - Hai bệnh nhân nam người Trung Quốc vừa tử vong do nhiễm cúm A/H7N9 và một bệnh nhân nữ đang trong tình trạng nguy kịch. Đây là lần đầu tiên chủng vi-rút này xuất hiện ở người. Báo Phụ Nữ đã có cuộc trao đổi với BS Hồ Vĩnh...

PV: Thưa ông, chủng vi-rút A/H5N1 (cúm gia cầm) và chủng vi-rút mới - A/H7N9 có sự khác biệt ra sao?

BS Hồ Vĩnh Thắng: Cúm A/H7N9 và A/H5N1 đều là loại vi-rút cúm gia cầm. Chúng gây bệnh trên gia cầm, động vật có vú và sau đó có thể lây bệnh cho người. Thành phần kháng nguyên của hai loại vi-rút này khác nhau nhưng đều gây ra cùng một bệnh cảnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính: sốt, ho, sau đó viêm phổi nặng, khó thở và có thể dẫn đến tử vong. Nếu như chủng H5N1 thường gây dịch phổ biến ở gia cầm thì chủng H7N9 ít phổ biến hơn, ít có khả năng gây bệnh và không dễ dàng lây sang người. Nhưng tính chất lây nhiễm này vẫn có thể thay đổi theo thời gian, vì vậy chúng ta nên thận trọng.

* Được biết 50% người bị cúm A/H5N1 sẽ tử vong, trong khi chủng cúm A/H7N9 mới xuất hiện ở ba bệnh nhân thì đã có hai trường hợp tử vong, một trường hợp nguy kịch. Có phải cúm A/H7N9 là biến thể của A/H5N1 nên độc lực cao hơn?

- Tôi khẳng định, cúm A/H7N9 không phải là biến thể của cúm A/H5N1. Với số lượng người mắc ít nên chưa thể xác định được độc lực loại nào cao hơn, nhưng dự đoán của các chuyên gia là độc lực cúm A/H7N9 không thua kém độc lực cúm A/H5N1.

* Ba bệnh nhân mắc A/H7N9 nhưng trước đó họ không có ăn thịt gà, vịt... có phải bệnh đã lây từ người sang người?

- Cơ quan y tế Trung Quốc đã theo dõi 88 trường hợp tiếp xúc với ba bệnh nhân này nhưng chưa thấy có sự lây nhiễm nào, nên khả năng lây từ người sang người chưa thể kết luận. Còn việc bệnh nhân không ăn thịt gà, vịt, hoặc không tiếp xúc với gia cầm là theo trí nhớ của người nhà bệnh nhân. Thực tế khả năng lây rất đa dạng, rất khó có thể xác định họ tiếp xúc khi nào.

* Ông có lời khuyên nào giúp người dân phòng vi-rút cúm A/H7N9?

- Hiện nay chưa có vắc-xin phòng cúm A/H7N9 và ngay cả vắc-xin phòng cúm A/H5N1 cũng vẫn đang được nghiên cứu ở các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Vì vậy, cách phòng bệnh tốt nhất là không nên tiếp xúc với gia cầm bị bệnh, chết. Cần đi khám bác sĩ ngay khi mắc các chứng ho, sốt và các triệu chứng khác của bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính, đặc biệt là sốt cao, khó thở... để giảm thiểu khả năng mắc các loại vi-rút cúm nguy hiểm, trong đó có vi rút cúm gia cầm A/H7N9.

* Xin cảm ơn bác sĩ.

Văn Thanh (thực hiện)

Clip phóng viên VTV thường trú tại Bắc Kinh ghi nhận việc Trung Quốc điều tra vụ việc nhiễm virus H7N9

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI