Củi quê

05/08/2021 - 19:47

PNO - Nhớ mỗi khi nhà có đám giỗ, cả xóm xúm lại gói bánh tét, bánh ít, đổ bánh bông lan, làm bánh bò. Vậy là bếp củi quê cháy đỏ rừng rực ngày đêm.

Tôi nhớ hồi xưa, nhà nào cũng có cự củi chất đầy ở sân trước hoặc ở chái bếp hiên sau.  Đó có thể là cây cà na, cây gòn, cây tràm, cây bạch đàn... được chẻ ra rồi phơi khô. 

Tôi nhớ những ngày nghỉ hè bám theo cha đi lượm củi. Khi nhà nhà đã lên đèn cha mới chịu chống xuồng về nhà. Cha để củi trước sân nhà, chờ nắng lên phơi cho ráo, rồi bắt đầu chẻ củi. Nhớ thương làm sao ngày cha tôi nhọc nhằn với công việc này.

Mỗi lần chặt hay chẻ củi, cha tôi dùng búa và một lưỡi dao thật dày, phần tiếp giáp giữa lưỡi dao và cán phải thật chắc, cần thêm một khúc cây to để kê phía dưới tránh mẻ lưỡi búa, lưỡi dao. “Người chẻ củi không chỉ dùng sức mà phải dùng thế để việc chẻ củi được an toàn, không phí sức”, cha hay nói với tôi như vậy.

Người nhà quê có tính lo xa, cha dạy: “Khi no thì biết để dành lúc đói, khi trời còn nắng chang chang thì vẫn biết lo đến lúc mưa dầm, hay những đợt lũ từ thượng nguồn về sớm”. Vì vậy, mà trong chái bếp nhà tôi luôn đầy ắp củi khô cho má nấu những món ăn đậm đà. 

Má còn kể thời xưa, trai trong xóm muốn cưới được vợ phải qua “thí công” chẻ vài thước củi, mà thường là củi tràm còn tươi do đàng gái chọn để tỏ lòng kiên trì và chứng minh sức khỏe của chú rể tương lai. Củi tràm tươi là loại chẻ được cũng “trần thân”, vì nặng và khó chẻ. Cha cưới được má cũng nhờ hoàn thành được nhiệm vụ chẻ củi này. 

Má dặn, từng đống củi trước sân hay sau chái bếp, phải sắp ngay ngắn, củi nào chất theo loại ấy. Những cự củi ở ngoài sân thì phải chuẩn bị sẵn tấm mũ đậy khi trời đổ mưa. Đó còn là biểu hiện tính khéo léo, tỉ mỉ của người nội tướng trong nhà. Hễ trời mưa là má réo chúng tôi: “Nhanh về đậy củi phụ má coi!”.

Tôi hào hứng chạy tới đậy củi cho má, sẵn dịp tôi cùng bọn trẻ trong xóm được một trận tắm mưa. Chúng tôi chơi trò trốn tìm, hay núp sau các cự củi khô má chất đầy, mấy đứa con trai lẹ chân trèo lên cây cà na gốc bự ngồi thu lu.

Bắt được con cá rô, con cá lóc đồng từ trong ruộng hay mương nước gần nhà, tôi cùng lũ bạn đem về hí hửng chất củi khô thành hình tháp để nhen lửa nướng trui cá. Khi mùi thơm cá chín tỏa khắp nơi, chúng tôi lại chia nhau ăn.

Cá chấm cùng muối hột hoặc nước mắm nguyên chất thì ngon không gì bằng. Tôi còn nhớ cái trò nấu cơm bằng lon sữa bò bắc lên ba cục gạch ống rồi đốt bằng mấy đọt cà na khô. Gặp lúc củi còn ẩm thì khói xì ra mù mịt làm chúng tôi chảy nước mắt nước mũi tèm lem.

Nhớ mỗi khi nhà có đám giỗ, cả xóm xúm lại gói bánh tét, bánh ít, đổ bánh bông lan, làm bánh bò. Vậy là bếp củi quê cháy đỏ rừng rực ngày đêm.

Đám con nít chúng tôi, đứa xin miếng nếp, đứa mè nheo lấy cục bột nắn nót, vo tròn bứt lá tre gói lại cho vô nồi bánh rồi ngồi tụm năm tụm bảy chờ bánh chín. Vừa ăn vừa hít hà vì nóng. Miền ký ức ấy, tôi lưu giữ trong chiếc hộp nhật ký tuổi thơ, để mỗi khi nhắc về, khóe mắt  lại rưng rưng. 

Bây giờ, nhà nào cũng có nồi cơm điện, bếp gas, bếp từ... nhưng riêng nhà tôi theo lối sống “người nhà quê” vẫn duy trì thường xuyên bên cạnh vật dụng hiện đại, cha che một chái bếp nho nhỏ để chất đầy củi khô.

Những hôm chúng tôi trở về nơi an trú bình yên má lại lấy cái cà ràng cũ chụm củi khô nấu nồi cơm còn thơm nồng mùi lúa mới. Gia đình cùng nhau cười đùa rôm rả những câu chuyện vui bên tách trà thoang thoảng hương sen. 

Diệp Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI