Cúi đầu đến tương lai

26/02/2020 - 07:20

PNO - Một lá thư cảm ơn được gửi tới Việt Nam. Những cái cúi đầu của những đứa trẻ bệnh nhân và đáp lễ thấu đáo của những người khoác áo blouse trắng cách nhau cả 100 năm. Xuyên thời gian, xuyên không gian, bước qua ranh giới sắc tộc, màu da để cùng nhau đi đến… tương lai.

Cách gì đi nữa, cũng nằm trong một bài ca đẹp nhất về sự sống, lòng yêu thương, trắc ẩn và vận mệnh con người.

Hình ảnh cậu bé Tiểu Trạ ch (3 tuổi) cúi đầu chào y tá Tào Linh Linh trong ngày ra viện nhanh chóng làm “bùng nổ” trên Weibo của cộng đồng người dân khu Hà Kiều, thành phố Thiệu Hưng
Hình ảnh cậu bé Tiểu Trạch (3 tuổi) cúi đầu chào y tá Tào Linh Linh trong ngày ra viện nhanh chóng làm “bùng nổ” trên Weibo của cộng đồng người dân khu Hà Kiều, thành phố Thiệu Hưng

Lá thư nhỏ xuyên biên giới

Nhờ có sự nỗ lực của đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM, hai cha con người Trung Quốc - Li Ding và Li Zichao - nhiễm COVID-19 đã hoàn toàn hồi phục. Khi về nước, họ gửi thư cảm ơn bệnh viện đầy xúc động và hẹn ngày quay trở lại thăm Việt Nam để thể hiện niềm cảm kích của mình. 

Trích đoạn lá thư ghi: “Dù đã rời bệnh viện nhưng tâm trí chúng tôi dường như vẫn còn nằm lại đó. Chúng tôi không thể quên ấn tượng sâu sắc và tươi đẹp mà Bệnh viện Chợ Rẫy đã để lại”.

Trong lá thư đó, họ gửi lời xin lỗi và cảm thấy rất tiếc khi việc họ đến Việt Nam đã gây phiền phức cho mọi người. Họ cảm ơn vì những bữa ăn, trái cây ngon, vì sự tử tế mà bệnh viện đã đối xử với họ trong suốt thời gian chữa bệnh. Đồng thời, cũng cảm thấy xấu hổ khi không thể đền đáp xứng đáng. 

Có một chi tiết khiến tôi rất ấn tượng: người cha đã giao cho người con trai một nhiệm vụ đặc biệt, đó là viết thư cảm ơn gửi những người đã giúp đỡ họ lúc họ gặp nạn; và người con xem đó là một trọng trách. Hay nói cách khác, họ xem việc này như là một nhu cầu của lương tâm, là một việc phải làm.

Lá thư ấy, đã đến nơi cần phải đến, đúng lúc cần phải đến, khi COVID-19 đang kéo tất cả các quốc gia trên thế giới vào một cuộc chiến chung, vì sinh mạng con người. 

Lá thư cảm ơn gửi tới Việt Nam
Lá thư cảm ơn gửi tới Việt Nam

3g27 sáng 20/2, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM đăng tải lá thư trên trang facebook cá nhân của mình. Ông viết: “Đối với chúng tôi, một lời cảm ơn cũng được coi như là phần thưởng quý giá cho thành quả đã đạt được”.

Trong cuộc chiến toàn cầu đó, biết bao nhân viên y tế đã nhiễm bệnh, thậm chí có người đã ra đi mãi mãi. Ông muốn đăng lên lá thư cảm tạ như là lời tri ân đối với người đã khuất và là nguồn động viên cho tất cả nhân viên y tế (không biên giới) tiếp tục cùng nhau vững vàng, tin tưởng vào chiến thắng cuối cùng và dịch COVID-19 sẽ nhanh chóng đi qua.

Lá thư nhỏ, tình cảm lớn và “hạ cánh” cũng thật êm dịu. Hơn cả sự “cho đi” rồi “nhận lại”, là một ứng xử văn minh, rất con người với nhau. 

Những cái cúi đầu… cách nhau một thế kỷ

Ngày 16/2, để cảm ơn các bác sĩ tại bệnh viện thuộc Đại học Y khoa Trường Trị (tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc) tận tình cứu mình trong dịch COVID-19, cậu bé Dương Dương (11 tuổi) đã cúi gập người để bày tỏ sự biết ơn trong ngày xuất viện. 

Cậu bé Dương Dương (11 tuổi) cúi gập người để bày tỏ sự biết ơn các bác sĩ bệnh viện thuộc Đại học Y khoa Trường Trị trong ngày xuất viện
Cậu bé Dương Dương (11 tuổi) cúi gập người để bày tỏ sự biết ơn các bác sĩ bệnh viện thuộc Đại học Y khoa Trường Trị trong ngày xuất viện

Cũng là một câu chuyện đẹp như vậy tại bệnh viện Trung tâm Thiệu Hưng (tỉnh Triết Giang, Trung Quốc) mới vài ngày trước. Để cảm ơn người y tá trưởng Tào Linh Linh đã chăm sóc và an ủi mình suốt thời gian nằm viện, cậu bé Tiểu Trạch (3 tuổi, bị nghi nhiễm SARS-CoV-2, buộc phải cách ly với người nhà) đã cúi đầu chào cô trong ngày ra viện. Lặng người trong tích tắc, cô cũng cúi đầu đáp lại. 

Tào Linh Linh chia sẻ: “Tôi đã ở trong ngành được 21 năm, lần đầu tiên gặp được một điều tốt đẹp tưởng đã mất đi từ lâu”, “thật không ngờ 100 năm sau, tôi lại có thể cúi đầu trước bệnh nhân”.   

"Bức ảnh đó trong tâm trí của các nhân viên y tế chúng tôi có một ý nghĩa phi thường. Tiểu Trạch muốn cảm ơn tôi nhưng trên thực tế tôi lại càng phải cảm ơn cậu bé. Trong trận chiến chống dịch bệnh, các nhân viên y tế đã xông pha không từ nan, tất cả những lời khen ngợi như thủy triều nhưng thủy triều sẽ rút đi. Chúng tôi cần được tôn trọng hơn là khen ngợi. Hành động cúi đầu của cậu bé khiến tôi cảm nhận được sự tôn trọng đó", cô nói thêm.

Câu chuyện 100 năm trước mà Tào Linh Linh nhắc đến chính là chuyện một bác sĩ người Anh tên là David  Duncan Main - cũng là Giám đốc Bệnh viện Quảng Tế, tiền thân của trường đại học Y Chiết Giang (Trung Quốc) ngày nay. Trong lúc bác sĩ đi thăm phòng bệnh, một bệnh nhân nhỏ tuổi đã chạy ra cúi chào ông để bày tỏ lòng cảm ơn. Là người hiểu biết sâu sắc về văn hóa lễ giáo của Trung Quốc, vị bác sĩ cũng đã cúi đầu đáp lễ.

Ba câu chuyện liên quan đến những con người, những nơi chốn, những khoảng thời gian khác nhau; nhưng đều gặp nhau ở một cái cúi đầu… đến tương lai, dù là một thế kỷ trước, hay chỉ mới diễn ra cách đây vài ngày.

Lời thề Hippocrates, chủ nghĩa nhân văn hiện đại 

Để hành nghề y, ai cũng phải đọc lời thề Hippocrates. Trong phiên bản lời thề Hippocrates hiện đại (1964) được sử dụng nhiều trong các trường y khoa ngày nay, có câu: “Tôi sẽ luôn nhớ rằng nghệ thuật của việc chữa bệnh hay của khoa học, cần sự ấm áp, cảm thông và sự hiểu biết; điều đó có thể lớn hơn con dao của bác sĩ phẫu thuật hoặc thuốc của người dược sĩ”. 

Nghệ thuật của việc chữa bệnh ấy, ở thời đại này, được nâng lên thành chủ nghĩa nhân văn - được xem là trụ cột của nền y học đương đại. Ở đó, mọi quyết định y tế không chỉ được đưa ra dựa trên số liệu nghiên cứu, định hướng tìm kiếm sự chăm sóc đối với bệnh nhân và lý lịch của họ; mà các bác sĩ và bệnh nhân phải cùng nhau đưa ra quyết định chung với mối quan tâm đầy đủ về cảm giác, mong muốn, chất lượng cuộc sống, nhu cầu của bệnh nhân và gia đình bệnh nhân. 

Hai cha con Ông Li Ding cùng con trai Li Zichao trong ngày xuất viện
Hai cha con Ông Li Ding cùng con trai Li Zichao trong ngày xuất viện

Tôi không nhớ chính xác đã đọc ở đâu đó, rằng, các bác sĩ trong thế kỷ tới cần phải là người quan sát cẩn thận, người lắng nghe kiên nhẫn và người giao tiếp nhạy cảm. Khi đó, y học mới trở thành một khoa học hoàn chỉnh.
Và trụ cột ấy, không chỉ được kiến tạo từ chủ nghĩa nhân văn một phía; mà còn ở chiều ngược lại - khi người bệnh, đồng thời cũng là những sinh vật có tư tưởng, cảm xúc, tâm lý và có vai trò trong xã hội. Đặc biệt hơn, khi mô hình y tế ngày nay đã thực sự chuyển đổi từ mô hình y sinh truyền thống sang mô hình y tế tâm sinh lý xã hội, con người nói chung (không chỉ bệnh nhân, gia đình bệnh nhân, mà có cả những người đang hành nghề y) đối diện với nhiều sự tổn thương, bất an, ngờ vực, thì sự thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Vì thế, yêu thương là một thứ nghệ thuật được phát triển và thực hành với sự cam kết và khiêm tốn. Yêu thương chưa bao giờ dễ dàng mà đòi hỏi kiến thức và cả sự nỗ lực. Từ cả hai phía.

Lá thư xuyên biên giới của cha con Li Ding và Li Zichao hay cái cúi đầu của Dương Dương, Tiểu Trạch và sự đáp lễ của những người y bác sĩ ngày nay, đã nối liền cái cúi đầu cảm ơn từ 100 năm trước vào một tiếng nói nhân văn phụng sự vận mệnh con người, dù ở thời nào chăng nữa, dù ở đâu chăng nữa, không phân biệt biên giới, màu da, sắc tộc... 

Đậu Dung

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI