Cúc và cơn mộng mị của thi ca

06/12/2024 - 13:33

PNO - Cúc là tên tập trường ca của Nghệ sĩ nhân dân Hoàng Cúc, được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Tác phẩm gần 200 trang như trao gửi tâm tư, những bộn bề miên man trong cuộc đời của tác giả, với rất nhiều đổi thay của thời đại và cả những tai ương, thảm họa…

“Tôi thường mơ giấc mơ đi trên cánh đồng có nụ cười lấm lem của mẹ và những bước chân bụi trần của cha sau những chuyến xa nhà. Nụ cười móm mém hiền queo, ông bảo “về nhà thôi để còn đón tết”, cả ánh mắt lúc cười vẫn thấy buồn đến nao lòng của người chị gái nữa… Và tôi đã kịp về bên họ trước khi hoa mai nở” - đôi lời tự sự của tác giả trước khi đưa độc giả vào những trường thơ, dài qua cả đời người.

Cánh đồng của mẹ - phần đầu tập trường ca là câu chuyện từ những ngày “tháng Ba cháy rụi triền đê”, “tôi hát giữa bè trầm/ trăng treo/ mười sáu tuổi/ chênh chao váy áo gái Mèo/ Lũ chúng tôi trẻ quá/ văn công/ bên dòng sông Lô/ Lố nhố áo người Dao người Thái…”. Cúc thủ thỉ kể về những ngày ngủ vùi trong sương nơi lưng chừng núi, trong năm tháng đất nước còn chiến tranh mà nhìn nơi nào cũng thấy “mộng mơ tan vùi” giữa hoang tàn, đổ nát. Cúc viết những vần thơ như vẽ lại những cơn-mộng-mị-có-thật mà chính mình đã trải qua. Rồi vẫn là những tháng Ba, nhưng ở khoảng thời không khác, đã thấy “em” và “ta” khác - giữa nhịp sống hối hả, trong mỏi mòn tháng năm, qua thời gian buốt mặt…

Nghệ sĩ nhân dân Hoàng Cúc dành sẻ chia những giao cảm với đất trời từ những chuyến đi, qua phần 2 Hồn thu xứ mặt trời. Và phần cuối Phục sinh, người nghệ sĩ đã trở về nương tựa ở nơi chốn quen thuộc, với niềm tin, với ánh sáng cứu rỗi và niềm hy vọng. “Tờ lịch cũ câu thơ buồn nhân thế/ Trả cho đời mơ giọt nắng tinh khôi/ Trên trời biếc lũ chim trời quấn quýt/ Dưới đất mềm ta ươm một nhành mai…”.

Viết lời giới thiệu cho Cúc, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã gọi tiếng lòng trong thi ca của người nghệ sĩ là một “cơn mộng mị”. “Nó làm thơ ca trở nên kỳ lạ, bí ẩn và đầy quyến rũ. Mộng mị những ký ức về năm tháng đi qua cuộc đời Cúc: buồn, đau đớn, ám ảnh, kiêu hãnh và đẹp. Quá nhiều câu thơ đẹp và kỳ lạ, quá nhiều câu thơ như viết trong mê sảng, như viết trong đau ốm, hoang mang, sợ hãi; như viết trong sự đập cánh đẹp đẽ của tâm hồn và mang theo giấc mơ lớn để bay lên” - cảm nhận của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

NSND Hoàng Cúc
NSND Hoàng Cúc

Cúc như mở ra một hành trình của tâm trí mà ở đó, ký ức - thực tại, chiến tranh - hòa bình, hạnh phúc - đau khổ, những điều kỳ diệu đẹp đẽ và cả những thảm họa, tai ương trong cuộc đời cứ thế đan xen lẫn nhau. Thời gian trong trường ca đi từ năm tháng “bom B52 phá nát Khâm Thiên” cho đến đại dịch COVID-19; qua bao mùa bão lũ, đời biết mấy đau thương… Và Cúc - người đàn bà có lúc “ngồi buồn lôi mặt ra chơi” để thấy “vệt hằn năm tháng tơi bời”, “ngồi buồn nghe giọt mưa tuôn/ giọt buồn thánh thót giọt buồn hư vô”… Người đàn bà soi mình trong chữ và họa tiếng lòng bằng thi ca, nặng trĩu nỗi niềm.

Cúc là một cuộc nhân sinh dẫu trăm năm trước hay trăm năm sau vẫn là những cơn vùng vẫy của sinh mệnh và sự vô thường của vận mệnh. Và Cúc như sự phản chiếu một nội tâm với muôn ngàn nhánh rẽ của ý nghĩ, sự va đập của những chiều kích cảm xúc và cả những giằng xé trong tâm tưởng được chuyển hóa thành thơ. Ở đó, giấc mơ đẹp nhất của tác giả chính là được trở về “lang thang trên cánh đồng bát ngát/ ngào ngạt hương thơm bện hoa nhãn đầu mùa…”.

Cầm Thi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI