Cục CSGT cảnh báo về việc khai man, dùng bằng lái giả sau Nghị định 100

24/02/2020 - 14:49

PNO - Việc khai man, sử dụng bằng giả có thể bị phạt đến 5 triệu đồng và không được cấp bằng lái trong thời hạn 5 năm.

Ngày 24/2, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) Bộ Công an có thông tin cảnh báo về việc khai báo gian dối và sử dụng giấy phép lái xe giả.

Trước đó, ngày 19/2, Báo Phụ Nữ TPHCM đã đăng tải bài viết “Nhộn nhịp 'thị trường' bằng lái giả sau Nghị định 100”. Bài viết đề cập đến thực trạng, sau khi triển khai xử lý vi phạm theo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100 của Chính phủ, đã có hàng chục ngàn trường hợp vi phạm bị tước giấy phép lái xe (bằng lái xe). Số người khai báo mất bằng lái xe cũng tăng vọt, tình trạng mua bán bằng lái giả cũng trở nên công khai, nhộn nhịp.

Nhiều đối tượng công khai rao bán bằng lái giả sau Nghị định 100.
Nhiều đối tượng công khai rao bán bằng lái giả sau Nghị định 100

Cục CSGT đánh giá, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có mức xử phạt cao hơn so với Nghị định 46/2016/NĐ-CP, trong đó, nhiều lỗi vi phạm bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, thời gian tước giấy phép lái xe có thể lên tới tối đa 24 tháng. Vì vậy, để tránh việc bị tước giấy phép lái xe khi đến xử lý vi phạm, một số cá nhân đã giả khai báo mất giấy phép lái xe hoặc không có giấy phép lái xe.

Mục đích của việc làm này là sau khi đã chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính, người vi phạm vẫn có thể sử dụng giấy phép lái xe để điều khiển phương tiện.

Cục CSGT cảnh báo, đối với những trường hợp khai báo gian dối hoặc sử dụng các loại giấy tờ giả, lực lượng chức năng sẽ dùng các biện pháp nghiệp vụ để xác minh làm rõ. Bên cạnh đó, giữa Cục CSGT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng như lực lượng CSGT và ngành giao thông các tỉnh, thành phố đã có sự chia sẻ dữ liệu về giấy phép lái xe để thống nhất việc quản lý và xử lý vi phạm.

Hình ảnh bằng lái giả được quảng cáo trên mạng.
Hình ảnh bằng lái giả được quảng cáo trên mạng

Theo quy định của pháp luật đối với những hành vi vi phạm này, người vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm, cụ thể:

Tại điểm g, khoản 3, Điều 37 - Nghị định 100/2019/NĐ-CP, quy định: Phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng đối với cá nhân khai báo không đúng sự thật hoặc sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả để được học, kiểm tra, sát hạch mới, cấp lại giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ.      

Ngoài ra, theo khoản 14, điều 33, Thông tư 12/2017/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải quy định trong việc sử dụng và quản lý giấy phép lái xe: “Người tẩy xóa, làm sai lệch các thông tin trên giấy phép lái xe; sử dụng giấy phép lái xe đã khai báo mất để điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; có hành vi gian dối khác để được đổi, cấp lại, cấp mới giấy phép lái xe, ngoài việc bị cơ quan quản lý giấy phép lái xe ra quyết định thu hồi giấy phép lái xe, hồ sơ gốc và cập nhật dữ liệu quản lý trên hệ thống giấy phép lái xe còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và không được cấp giấy phép lái xe trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày phát hiện vi phạm, nếu có nhu cầu cấp lại giấy phép lái xe phải học và sát hạch như trường hợp cấp giấy phép lái xe lần đầu”.

Như việc, nếu khai báo gian dối, ngoài bị phạt vì không có giấy phép lái xe, người vi phạm còn có thể bị phạt về hành vi khai báo không đúng sự thật theo quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, đồng thời sẽ bị áp dụng thực hiện theo quy định tại Thông tư 12/2017/TT-BGTVT.

Sơn Vinh

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • 24-02-2020 15:03:05

    Tại sao không thay đổi cách phạt. Đến khi nào CSGT chỉ ghi mức phạt mà không nhận tiền phạt trực tiếp từ người vi phạm GT, lúc đó tình trạng vi phạm sẽ giảm.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI