|
Núi xỉ thép khổng lồ ở Hà Tĩnh |
Chỉ riêng hoạt động liên quan đến xỉ thép phát sinh tại Formosa Hà Tĩnh đã cho thấy sự yếu kém trong công tác giám sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Nếu cứ để bộ này toàn quyền quyết định như lâu nay, thật khó bề xử lý thỏa đáng các vi phạm liên quan đến Formosa.
“Việc thành lập đoàn kiểm tra các đơn vị liên quan trong vụ mua bán gang xỉ có hàm lượng pH vượt ngưỡng nguy hại của Formosa Hà Tĩnh là cần thiết. Song việc này đáng lẽ phải giao cho Cục Cảnh sát môi trường, không nên để Tổng cục Môi trường thực hiện”. Đây là ý kiến của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực môi trường khi theo dõi loạt bài Đường đi của chất thải ở Formosa đăng trên Báo Phụ Nữ TP.HCM.
|
Đủ loại xỉ chất đống như núi trong khuôn viên của nhà máy Formosa Hà Tĩnh |
Theo nội dung được thể hiện trong quyết định của Tổng cục Môi trường, việc lập đoàn kiểm tra các đơn vị liên quan trong việc mua bán gang xỉ của Formosa Hà Tĩnh (tên đầy đủ là Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh) dựa trên đề nghị của Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc.
Theo đó, trưởng đoàn kiểm tra là một lãnh đạo của Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc, còn lại hầu hết là cán bộ thuộc Tổng cục Môi trường. Trong đoàn kiểm tra, có đại diện của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Thái Nguyên (là cơ quan phát hiện mẫu gang xỉ của Formosa có hàm lượng pH vượt ngưỡng nguy hại) nhưng chỉ tham gia với tư cách thành viên.
Trao đổi với chúng tôi, nhiều cán bộ thanh tra ngành môi trường cho rằng, với thành phần đoàn kiểm tra như trên, sẽ khó đạt được kết quả khách quan bởi đoàn kiểm tra là đơn vị cấp dưới của Tổng cục Môi trường, trong khi vụ việc này khởi nguồn từ văn bản do lãnh đạo Tổng cục Môi trường ký.
“Do lãnh đạo Tổng cục Môi trường ký xác nhận gang xỉ của Formosa là phế liệu - hàng hóa nên Công ty TNHH Đầu tư Phát triển MHD mới ký hợp đồng với Formosa đưa gang xỉ ra Thái Nguyên bán. Đến khi Sở TN-MT tỉnh Thái Nguyên kiểm tra, lấy mẫu phân tích, mới phát hiện gang xỉ từ Formosa đưa ra có hàm lượng pH vượt ngưỡng nguy hại (là chất thải nguy hại), từ đó mới dẫn đến các rắc rối về pháp lý cũng như công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường từ số gang xỉ này. Nếu giao việc này cho đơn vị cũng thuộc sự quản lý của Bộ TN-MT kiểm tra thì chẳng khác nào vừa đá bóng vừa thổi còi, làm sao khách quan được” - một cán bộ thanh tra môi trường cấp tỉnh có nhiều năm công tác trong lĩnh vực này phân tích.
Theo vị cán bộ thanh tra trên, vụ việc nên được giao cho Cục Cảnh sát môi trường tổ chức kiểm tra, mới hy vọng làm sáng tỏ các vi phạm liên quan. Ông lập luận: “Chỉ có Cục Cảnh sát môi trường hoặc cơ quan có thẩm quyền cao hơn Bộ TN-MT như Thanh tra Chính phủ vào cuộc, mới làm rõ được vì sao gang xỉ được Tổng cục Môi trường xác nhận là phế liệu - hàng hóa nhưng kết quả kiểm tra phân tích mẫu do Sở TN-MT tỉnh Thái Nguyên thực hiện lại phát hiện có hàm lượng pH vượt ngưỡng nguy hại. Nếu giao cho đơn vị cấp dưới của Tổng cục Môi trường kiểm tra thì chẳng có hy vọng sẽ làm rõ được đúng - sai”.
|
Tại nhà máy Formosa Hà Tĩnh, đang tồn đọng một lượng xỉ thép khổng lồ. Công ty này vừa đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường cho công ty dùng gần 1 triệu tấn xỉ thép san nền - Ảnh: H.N. |
|
Gang xỉ của Formosa tập kết ở cảng chuẩn bị đưa ra Thái Nguyên để bán như phế liệu
|
Không chỉ vụ xác nhận gang xỉ là phế liệu - hàng hóa, việc Bộ TN-MT cho phép tồn tại núi xỉ thép khổng lồ xây dựng không phép của Formosa Hà Tĩnh cũng gây nhiều thắc mắc cho những ai quan tâm đến vụ giám sát hoạt động của doanh nghiệp này.
Một cựu lãnh đạo thanh tra môi trường thuộc Sở TN-MT TP.HCM nhận định, nếu là công trình xây dựng không phép thì phải xử lý vi phạm về xây dựng trước, yêu cầu hoàn trả lại hiện trạng ban đầu, sau đó mới xét đến việc vật liệu làm công trình có được phép hay không. “Việc Bộ TN-MT cho phép lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) để làm căn cứ cho tồn tại công trình núi xỉ thép là không chặt chẽ về pháp lý, có thể nói là có dấu hiệu dung túng cho vi phạm của Formosa” - vị này nói.
Về khối lượng xỉ thép khổng lồ phát sinh từ Formosa, lãnh đạo một công ty thép ở Việt Nam từng tham quan nhà máy của Formosa Hà Tĩnh chia sẻ: “Formosa Hà Tĩnh đúng là nhà máy thép hiện đại so với các nhà máy khác ở Việt Nam. Song, không phải công đoạn nào họ cũng có công nghệ hiện đại. Do đó, trong việc kiểm soát lượng xỉ phát sinh khổng lồ của Formosa, cần phải làm rõ có bao nhiêu loại xỉ, loại nào có thể làm vật liệu xây dựng, loại nào phải xử lý như chất thải, thậm chí như chất thải nguy hại. Với các vụ việc báo chí phản ánh, nhất là vụ gang xỉ, dù được Tổng cục Môi trường xác nhận là gang xỉ nhưng kết quả kiểm tra lại phát hiện pH vượt ngưỡng nguy hại, cho thấy Bộ TN-MT chưa kiểm soát được hoạt động xử lý xỉ thép của Formosa”.
NHÓM PHÓNG VIÊN