Của rơi là của ai?

30/06/2015 - 08:17

PNO - PN - Hồi mới ra trường, dù tiếng Anh rất kém, tôi vẫn mạnh dạn đi phỏng vấn vào bộ phận kinh doanh của một tập đoàn đa quốc gia. Ông tổng giám đốc người Singapore trực tiếp đặt tình huống:

edf40wrjww2tblPage:Content

“Nếu tình cờ bạn nhặt được bọc tiền 200 triệu đồng, bạn sẽ đầu tư gì?”. 200 triệu đồng là số vốn tôi hằng mong, nếu người hỏi thực tâm muốn thử khả năng kinh doanh, có thể tôi sẽ ghi điểm nếu vẽ ra những dự án từng ôm ấp. Nhưng rồi, tôi chọn câu trả lời ngắn gọn: “Người Việt chúng tôi luôn nhắc nhau rằng, nhặt được của rơi phải trả cho người mất”. Nét mặt ông tổng giám đốc giãn ra, kết quả: tôi đã vượt 50 hồ sơ đẹp của các ứng viên và trúng tuyển.

Cua roi la cua ai?

Trịnh Ngọc Thanh (SN 1971, trú thôn Lạc Sơn, xã Gio Sơn, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) từng nhiều lần nhặt được của rơi, đều trả lại người mất dù gia cảnh của anh hiện rất khó khăn. Cụ thể, khi nhặt được chiếc ba lô chứa 3 sợi dây chuyền vàng, 1 lắc vàng nặng, 1 máy ảnh, anh Thanh mng ba lô lên xã nhờ trả lại người mất. Hai hôm sau, nhặt được chiếc điện thoại trị giá 16 triệu đồng, anh Thanh cũng trả cho người đánh rơi.

Có dịp gặp lại người làm nhân sự, tôi được tiết lộ lý do trúng tuyển (dù tiếng Anh dở tệ) chính là nhờ câu trả lời về món tiền 200 triệu đồng. Các ứng viên sắc sảo khác đều mắc bẫy tâm lý và sa đà vào trình bày những dự án kinh doanh đầy sáng tạo và giàu tính hiệu quả, quên rằng, phẩm chất cần nhất của một nhân viên kinh doanh chính là đạo đức nghề nghiệp và tuân thủ luật lệ.

Sau này, khi chồng tôi mở một công ty nhỏ, tôi nhiều lần giúp chồng phỏng vấn người tìm việc với tình huống tương tự, nhưng tôi luôn thất vọng.

Rất hiếm người biết pháp luật đã quy định rõ, tài sản của ai đó, dù bị thất lạc, vẫn thuộc về họ, và phải có một thời gian loan tìm nhưng chủ nhân không xuất hiện, người nhặt của rơi mới có quyền sở hữu tài sản đó. Báo chí hay ngợi ca những tấm gương người tốt việc tốt khi nhặt được của rơi trả người đánh mất.

Có thời, hãng xe nọ cứ gặp sự vụ khách hàng để quên đồ và tiền trên taxi thì gửi thông tin yêu cầu báo đài đưa tin khen ngợi người tài xế “không tham”. Đọc dạng tin bài này, tôi thất vọng tràn trề.

Của rơi, của để quên nào phải của mình, nhặt được thì giúp món đồ về với chủ của nó, đó là việc làm tự nhiên, bình thường, tại sao lại đề cao? Sự đề cao chẳng khác nào cho rằng người nhặt bọc tiền có quyền đút tiền vào túi và huýt sáo bước vào siêu thị thoải mái mua đồ.

Hôm trước tôi đón con đi học về, có một chị tay cầm tập vé số, tay mang chiếc điện thoại iPhone tới gần nhờ tôi tắt nguồn. “Tắt giùm em, em vừa nhặt được trong quán ăn, có cô kia sang trọng lắm đánh rơi”, chị bán vé số khẩn khoản. Tôi biết rõ những chuyện dàn cảnh nhặt được điện thoại rồi nhờ tắt nguồn và sau đó gạ bán (điện thoại dỏm) mà báo chí đã lên tiếng, bèn cảnh giác lắc đầu. Nhưng cậu con trai kéo áo tôi nói nhỏ: “Mẹ, cô ấy nhặt được điện thoại xịn quá hén!”.

Tôi nhớ ra trách nhiệm cần giúp con hiểu rõ đúng sai từ những vụ việc nhỏ thế này, bèn cầm chiếc điện thoại xem qua rồi hỏi: “Ủa, sao chị không trả cho người đánh rơi?”. Chị vé số ngớ ra: “Ơ, cô đó ăn xong đi luôn rồi, tôi nhặt được, giờ là của tôi chứ sao tôi phải trả?”, “Thì chị mang giao cho chủ quán, phòng khi người đó quay lại, hoặc chị mang lên công an phường nhờ họ tìm chủ nhân”. “Thôi thôi, chị không biết tắt nguồn thì trả điện thoại cho tôi, tôi mang nhờ người khác vậy”, chị bán vé số vội vã giật chiếc điện thoại từ tay tôi, nhưng tôi nắm rất chặt. Nhiều người khác bắt đầu đứng lại xem cuộc đôi co.

Các ý kiến đều chĩa vào tôi: “Chị ấy nhặt được, nó là của chị ấy, trả cho chị ấy đi”. Tôi vẫn kiên quyết phải mang điện thoại quay lại quán ăn, chờ người đánh rơi trở lại. Mãi cho tới khi ai đó kêu lên: “Chị này không phải người bán vé số đâu. Đây là người lừa bán điện thoại Trung Quốc, hôm qua tôi mới thấy chị ấy diễn cảnh này ở hẻm bên”. Tới lúc này, chị kia mới phát hoảng, vẻ mặt như sắp khóc, tôi bèn trả chiếc điện thoại cùng lời nhắc nhẹ chị ta lần sau đừng lường gạt người khác nữa, vì trò này ai cũng biết rồi.

Ông bà ta có câu “Của phù vân có chân nó chạy”. Đó là cách nhắc khéo người đời không nên ham hố những gì chẳng phải của mình. Tiếc thay, nhiều người cứ cố tình không hiểu điều này.

KHÁNH LINH (Q.Tân Bình, TP.HCM) 

Bài vở tham gia trên trang bạn đọc, vui lòng gửi về email bandocphunu@gmail.com.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI