Cửa ngõ phía Đông bây giờ

29/12/2024 - 12:56

PNO - Từ vùng sâu vùng xa của thành phố, nay vùng đất này vươn mình thành cửa ngõ phía Đông hiện đại.

"Thành phố trong thành phố" tới tận bây giờ vẫn là cụm từ mới mẻ với tôi. Năm 2021, TP Thủ Đức được thành lập (được sáp nhập từ quận 2, quận 9, quận Thủ Đức) trực thuộc TPHCM. Sau 3 năm, Thủ Đức khoác chiếc áo mới bởi những công trình mang tính chất thời đại, đánh dấu sự thay đổi ngoạn mục.

Công viên bờ sông lộng gió

Nằm ở vị trí đắc địa của quận 2 cũ (một bên là hầm Thủ Thiêm, một bên là cầu Thủ Thiêm 2 - vốn là 2 công trình nối liền đôi bờ sông Sài Gòn), công viên bờ sông Sài Gòn nay trở thành điểm hội tụ của du lịch và văn hóa. Hẳn bạn cũng như tôi, đã từng nhớ về một khu vực quận 2 cũ đìu hiu, sình lầy, thì ngày nay TP Thủ Đức cộng hưởng cùng trung tâm quận 1, làm nên bản hòa ca đầy màu sắc.

Không chỉ các lễ hội lớn mà những sự kiện, hoạt động mang tính chất quy mô được chọn tổ chức ở đây. Không gian thoáng rộng, liền kề nhiều khu dân cư tiện nghi cao cấp tạo hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ về khuôn viên mới của TP Thủ Đức. Chỉ vài phút, du khách từ trung tâm quận 1 có thể đặt chân đến công viên. Cảnh trên bến dưới thuyền tấp nập (tàu du lịch, buýt đường sông…) cũng góp phần tạo nên bức tranh nhộn nhịp.

Công viên bờ sông thành phố Thủ Đức rực rỡ sắc hoa ngày Tết. (ảnh Shutterstock)
Công viên bờ sông thành phố Thủ Đức rực rỡ sắc hoa ngày tết (ảnh Shutterstock)

Cô gái Phương Nguyễn (sinh viên trường Cao đẳng Việt Mỹ) cùng nhóm bạn học thường lui tới công viên khi có thời gian rảnh. Cô nói: “Bờ sông thoáng mát, nhiều chương trình hấp dẫn, từ lễ hội TikTok shop đến biểu diễn dù lượn, mới đây là Anh trai say hi và các hoạt động vui chơi khác… giúp tụi em có những khung hình rất đẹp. Buổi tối ở đây lãng mạn, không khác gì du lịch nước ngoài. Những buổi chiều nắng đẹp, chúng em có thể thả diều, đi dạo ngắm hoàng hôn và chụp ảnh sống ảo".

Anh Hoàng Thịnh - người dân sinh sống tại khu đô thị Sala (TP Thủ Đức) trải lòng: "TP Thủ Đức không chỉ tiện lợi khi kết nối với khu trung tâm mà trải nghiệm được nhiều dịch vụ cộng đồng hữu ích tại công viên bờ sông như các giải chạy bộ, các Hội chợ triển lãm công nghệ…" Từ một người ngụ cư, anh Thịnh đã phấn đấu trở thành cư dân "có hộ khẩu" TP Thủ Đức. Với anh, đó là một quãng thời gian đủ dài để chứng kiến diện mạo Thủ Đức thay đổi và vững tin vào lựa chọn định cư của mình.

Sài Gòn thêm đẹp vì có metro

Bạn bè tôi thường đùa rằng “đặc sản” của Sài Gòn - TPHCM là kẹt xe, mà cửa ngõ phía Đông là một điển hình. Ở vị thế liên tỉnh Bình Dương - Đồng Nai và là điểm đầu đón các tỉnh miền Bắc và miền Trung, lượng xe tham gia giao thông lớn khiến khu vực Thủ Đức thường xuyên xảy ra nạn ùn ứ, kẹt xe. Thêm vào đó, dân nhập cư đông, mật độ nhà cửa dày với khu công nghệ cao với hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước càng khiến giao thông trở nên quá tải.

Ở Sài Gòn - TPHCM hơn 2 thập kỷ, tôi chứng kiến công trình hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn, tạo sự thông suốt và thuận tiện, nối liền cửa ngõ Đông - Tây, kèm theo các cung đường được mở rộng thông thoáng. Đến nay, tuyến metro chính thức hoạt động, với tôi, như... lịch sử sang trang", mở ra cho TP Thủ Đức nói riêng và TPHCM nói chung nhiều cơ hội mới, thúc đẩy giao thương, phát triển đô thị; đặc biệt là giải bài toán kẹt xe.

Anh Duy Khang cư ngụ tại TP Thủ Đức đã hơn 50 năm, chứng kiến bao thay đổi của vùng đất này. Anh nói: “Bao nhiêu lần tuyến Metro lỡ hẹn, tôi háo hức chờ đợi và cuối cùng được trải nghiệm tàu điện ngầm. Một công trình của thế kỷ nên khi được trải nghiệm và tận hưởng dịch vụ vận chuyển công cộng thông minh và hiện đại thế này, tôi nôn nao, hồi hộp khó tả.". Anh nhắc lại câu hỏi trước đây của người bạn đã chọn "tiến" vào trung tâm Sài Gòn để "hội nhập": "Thủ Đức (cũ) bao giờ mới phát triển?" thì bây giờ "thành phố trong lòng thành phố", đầy mới mẻ và chuyển biến tích cực khiến anh thêm tự hào về quê hương, xứ sở.

Cũng theo anh Khang, dù là thành phố trẻ, nhưng Thủ Đức sở hữu các điểm du lịch văn hóa - lịch sử nổi tiếng như Công viên văn hóa Suối Tiên, đền Hùng, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, đền Bến Nọc, Bảo tàng nghệ thuật Quang San... kết hợp cùng tuyến metro sẽ đẩy mạnh tiềm năng phát triển du lịch.

Metro chính thức đi vào vận hành khiến người dân như mở hội, háo hức đón chờ. (ảnh  MAUR)
Metro chính thức đi vào vận hành khiến người dân như mở hội, háo hức trải nghiệm (ảnh MAUR)

Anh Nhật Đăng (Chung cư Topaz Home 2 - TP Thủ Đức) cho biết, cơ quan anh ở quận 2, xe buýt điện đến trước cửa chung cư và cơ quan nên... cứ thế là đi, không sợ mưa nắng hay kẹt xe. Ở Sài Gòn hơn 20 năm, từng sử dụng phương tiện công cộng cũng nhiều (xe buýt trên bộ, xe buýt sông), tàu điện cho anh cảm giác nhanh và an toàn và hiện đại hơn hẳn.

“Đặc biệt, toa xe điện giảm thiểu tiếng ồn, mùi hôi. Những cung đường tàu trên cao giúp tôi ngắm Sài Gòn từ trên cao. Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi…” (*), anh hào hứng.

Người dân trải nghiệm tuyến Metro trong những ngày đầu thử nghiệm. (ảnh tác giả)
Người dân trải nghiệm tuyến Metro trong những ngày đầu thử nghiệm (ảnh tác giả cung cấp)

Anh Đăng dự đoán rằng, trong tương lai, với sự hoàn thiện chỉn chu của chuỗi dịch vụ tiện ích, các nhà ga dọc tuyến metro còn là thu hút người dân địa phương tham quan, mua sắm...

Dù còn rất nhiều khó khăn phía trước, nhưng dân gian thường nói "giao thông đi trước đưa lối giao thương", tuyến metro đồng hành cùng với các công trình đô thị mới sẽ đặt nền tảng cho TP Thủ Đức tiến nhanh về trước như những đoàn tàu mùa xuân này.

Trinh Huỳnh (TP Thủ Đức)

* Lời bài hát "Sài Gòn đẹp lắm" (Y Vân)

Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”.

Cơ cấu giải thưởng:

- 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng.

- 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng.

- 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải.

- 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải.

- 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải.

- 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng.

- 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng.

- Giải tháng: 10 triệu đồng/giải.

Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý.

Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI