Thực phẩm hết hạn, nhân viên nói “quên bỏ”
Sau khi nhận được phản ánh về việc chuỗi cửa hàng tiện lợi (CHTL) thường xuyên bán thịt tươi quá ngày, tối 18/9, chúng tôi đến cửa hàng V trên đường Nguyễn Văn Công, P.3, Q.Gò Vấp, TP.HCM. Tại đây, tủ thịt heo, bò, gà còn đầy ắp, thịt để ngổn ngang. Mất khá lâu để tìm vỉ thịt heo tươi sản xuất trong ngày 18/9 nhưng không có, hỏi nhân viên bán hàng, chúng tôi nhận được câu trả lời: “Thịt nhập vào từ sáng sớm nên các đơn vị phải sản xuất từ hôm qua, ngày 17/9”.
Theo quan sát của chúng tôi, trong tủ thịt của cửa hàng, có vỉ thịt đã bị xé nhãn mác, không thể biết thịt cũ hay mới. Đáng nói, có cả vỉ thịt ghi ngày sản xuất là 16/9, nếu đúng như khuyến cáo ghi trên nhãn là “hạn sử dụng 3 ngày kể từ ngày sản xuất” thì vỉ thịt này đã hết hạn sử dụng. Chúng tôi phản ánh với nhân viên thì cô này nhanh tay cầm vỉ thịt vứt luôn vào thùng các-tông dưới chân và giải thích “nhân viên kiểm tra bỏ hàng bị sót”.
|
Thịt cũ, rau bán dạng hàng xá, không đóng vỉ, không có nhãn mác tại các cửa hàng tiện lợi |
Tại nhiều điểm bán khác của chuỗi cửa hàng này, thịt heo, bò, gà của 2-3 ngày trước thường xuyên bị tồn. Nhiệt độ bảo quản thịt là độ mát chứ không phải độ đông, nên khó đảm bảo những miếng thịt này còn tươi sau nhiều ngày trong tủ. Một số khách hàng cho biết, do quen mặt nhân viên nên nhiều lần góp ý cửa hàng để giảm bán thịt cũ, tăng nhập thịt mới để khách yên tâm mua, nhưng họ chỉ vâng, dạ mà không thấy thay đổi gì. Nhiều người đành chuyển sang mua ở cửa hàng khác.
Nhóm thực phẩm tươi sống như đùi, cánh, ức, mề gà, thịt heo, bò… tại chuỗi cửa hàng B.H.X. được bán dưới dạng xá, không bao bì. Thịt được chất vào khay và khách dùng kẹp gắp, mua bao nhiêu thì cân ký bấy nhiêu. Trên cửa tủ mát, có gắn mảnh giấy ghi chung chung “cánh gà, đùi gà, mề gà; xuất xứ: Đông Nam bộ, Việt Nam; ngày bán…” nhưng thông tin ghi các ngày khác nhau: 18/9, 17/9, 16/9, 13/9. Chúng tôi thắc mắc “thịt từ ngày 13/9 sao còn bán” thì nhân viên giải thích: “Đó là ngày in mã code, còn thịt mới nhập hôm nay”.
|
Nhiều khay thịt bị tẩy xóa ngày sản xuất, hạn sử dụng... |
Ở một số điểm bán của chuỗi cửa hàng B.H.X., thịt đông lạnh được rã đông, bán như thịt tươi. Nhiều khách tỏ ý không an tâm về chất lượng vì nhiệt độ ở cửa hàng này khá nóng, thịt dù được bảo quản trong ngăn mát nhưng khách liên tục mở ra gắp thịt và quên đóng lại, khó giữ được chất lượng thịt. Thắc mắc làm sao biết được đơn vị sản xuất, hạn sử dụng với tình trạng hàng xá này, chúng tôi được nhân viên cửa hàng trấn an: “Toàn bộ là hàng mới, cửa hàng chỉ nhập của hai đơn vị uy tín”.
Tại CHTL S. trên đường Lê Đức Thọ, Q.Gò Vấp, chúng tôi chứng kiến một khách hàng cự cãi với nhân viên do được tặng sữa hết hạn sử dụng. Cửa hàng có chương trình khuyến mãi. Sau khi mua 5kg đường với giá khuyến mãi 50%, nhân viên gửi tặng thêm một hộp sữa tươi. Khi về nhà, định cho cháu uống thì khách hàng phát hiện sữa đã hết hạn từ 10 ngày trước. Sau khi bị khách hàng phản ứng, nhân viên xin lỗi và gửi tặng bù một hộp nhựa đựng thực phẩm.
Bất tiện với cửa hàng tiện lợi
Hàng loạt CHTL đua nhau mở, nằm san sát nhau trên nhiều tuyến đường. Không ít khách hàng hoài nghi: “Cửa hàng mở ra để thu hút khách hay chỉ để làm thương hiệu?”. Một số khách hàng cho biết, họ đã nắm được thói quen bán hàng của từng cửa hàng. “Để tránh mua phải hàng cũ, tôi thường mua thịt tại cửa hàng S., mua cá tươi ở B.H.X. CHTL mà thấy bất tiện quá” - chị Vân Anh, trú tại đường Hiệp Bình, Q.Thủ Đức, cho hay.
|
Thịt gia súc, gia cầm đang được một số cửa hàng tiện lợi bán dưới dạng hàng xá |
Nữ khách hàng này chia sẻ, nhiều rau củ bán ở các CHTL thường xuyên bị héo úa, để tồn hàng cũ, còn hàng mới thì không được sơ chế sạch, bán xá, không bao bì, nhãn mác.
Một chuyên gia trong ngành bán lẻ nhận định: “Có những chuỗi CHTL mở ra với mục đích chính là bán hàng, tăng doanh số, nhưng cũng có chuỗi CHTL giành mặt bằng, vị trí đẹp chỉ để tăng nhận diện của khách hàng, tạo thương hiệu để đẩy mạnh kinh doanh lĩnh vực khác và nguồn thu chính không phải từ CHTL”.
Theo chuyên gia tư vấn thương hiệu Trần Anh Tuấn (Công ty The Pathfinder), trước sự “bùng nổ” CHTL như hiện nay, doanh nghiệp nào chọn được hướng đi riêng, tạo được sự khác biệt từ cơ cấu, chất lượng sản phẩm đến dịch vụ tiện ích, chăm sóc khách hàng tốt, mới giành được khách hàng. Nếu không tạo được sự khác biệt, rất khó thành công. So với các hệ thống CHTL nước ngoài, các chuỗi CHTL Việt Nam hiện còn mang tính truyền thống, mức độ chuyển động chậm và chưa đầu tư công nghệ thông tin bài bản để thu thập, phân tích dữ liệu khách hàng, để từ đó phục vụ, đáp ứng đúng nhu cầu khách hàng.
Đồng quan điểm, ông Fabrice Carrasco - Giám đốc điều hành Kantar Worldpanel Vietnam & Philippines - cũng cho rằng: “Bên cạnh tạo sự khác biệt, hiểu tâm lý khách hàng, các cửa hàng cần làm mới những dịch vụ, thêm tiện ích cho khách hàng để giữ thị phần trong cuộc đua CHTL đang diễn ra mạnh mẽ trên thị trường bán lẻ”.
Thịt tươi thường được bảo quản ở hai dạng là 0 độ và âm độ C. Tùy quy trình từng hệ thống, nếu bảo quản 0-5 độ C thì thịt chỉ dùng trong 24 giờ, còn bảo quản ở -10 độ C thì thịt dùng được trong khoảng 3 ngày. Quá thời gian này, cửa hàng phải thu hồi, không được bán hay dùng tiếp. Còn nếu bảo quản trong 3-6 tháng thì phải có hệ thống cấp đông. Thịt có thể để được tối đa 1-2 năm nếu bảo quản ở -50 độ C. Phổ biến nhất hiện nay là thịt tươi được bảo quản ở -10 độ C và chỉ được bán, dùng trong 3 ngày. Ở nước ngoài, thường người tiêu dùng mang theo nhiệt kế cầm tay để kiểm tra thịt có được bảo quản tốt không, họ có dụng cụ đo nhiệt độ trong tủ bảo quản và dụng cụ để cắm vào miếng thịt để kiểm tra tâm của miếng thịt có nhiệt độ bao nhiêu. Người tiêu dùng cũng nên có thói quen này chứ không thể hoàn toàn tin vào sự bảo quản của CHTL. Bác sĩ Trần Văn Ký (Hội Khoa học Kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam) |
Nguyễn Cẩm